Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:18 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục
Thứ 6, 17/11/2023 | 17:08:43 [GMT +7] A A
Xác định giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định: Đến năm 2045 Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó nhấn mạnh một trong các khâu đột phá là “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó thực hiện các bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Ngày 16/3/2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 799/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh đề cương Đề án. Mục tiêu của Đề án là hướng đến sự phát triển toàn diện năng lực cho người học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm tính mở và liên thông, theo hướng chuẩn hóa, dân chủ hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh là một trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng trong nhóm đầu của cả nước...
Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ giáo viên, học sinh theo hướng mở rộng các chính sách của trung ương, chủ yếu mở rộng đối tượng được thụ hưởng và mức hỗ trợ được vận dụng bằng với mức quy định của trung ương. Từ năm 2014 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về các chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng là giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; quy định chế độ thưởng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng và giáo viên đào tạo học sinh đoạt giải...
Đáng chú ý, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh. Năm học 2021-2022 tỉnh dành hơn 138 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho 222.483 trẻ mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh theo mức thu học phí công lập đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Chính sách đã phần nào giúp các gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, không ổn định. Từ hiệu quả thiết thực của chính sách, cuối tháng 8/2022 HĐND tỉnh quyết nghị tiếp tục dành 458 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023. Đây tiếp tục là nguồn động viên, chia sẻ, giảm bớt khó khăn với đời sống nhân dân sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đặc biệt, hướng tới mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đột phá trong giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5-2-2022) “Về chuyển đổi số toàn bộ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Nghị quyết này, ngành Giáo dục tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quá trình dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng CNTT, hệ thống vận động thông minh của các trường mầm non, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Từ năm 2016 đến nay, chi thường xuyên cho ngành Giáo dục năm sau cao hơn năm trước với tổng mức chi 26.195 tỷ đồng; trong đó năm 2022 là 4.752 tỷ đồng. Mục tiêu của ngành Giáo dục tỉnh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục, trong đó tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Từ những chính sách vượt trội, ngành Giáo dục tỉnh đã có những bước tiến không ngừng. Các năm học từ 2021-2023 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, những tác động tiêu cực từ bệnh dịch rất lớn, tuy nhiên ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mới, cơ bản bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về chất lượng (tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp. Tỉnh đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đặc biệt chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến, nhiều học sinh giành được huy chương, giải cao tại các cuộc thi, kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()