Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:10 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng khó
Thứ 7, 25/03/2023 | 11:23:33 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trên 162.000 người, trong đó nhiều nhất là dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu... tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. Để kéo giảm chênh lệch vùng miền, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Nhiều chính sách riêng có
Trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.
Nổi bật phải kể đến như Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới... Kết quả đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, ngay tại Đại hội lần thứ XV diễn ra vào tháng 9/2020, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng đã xác định một trong 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Để thực hiện được khâu đột phá này, tỉnh đã xác định một nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hiện thực hoá nhiệm vụ này, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm. Không còn nhà ở tạm, nhà dột nát, cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Định hướng đến năm 2030, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc một cách quyết liệt, với một loạt các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch được HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành, như Nghị quyết 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh; Chương trình hành động 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh; Nghị quyết 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh; Quyết định 4832/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, tại Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, tổ chức thực hiện đối với từng sở, ban, ngành, địa phương, với 21 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 73 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, đã tích hợp đầy đủ các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 để triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo khoa học, hiệu quả.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải bám sát các nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết đã xác định; lĩnh vực, ngành mình phụ trách để xây dựng kế hoạch cho phù hợp, sát thực tiễn. Đặc biệt, có 8 địa phương trọng điểm vùng đồng bào DTTS đã xác định rõ mục tiêu, định hướng cần thực hiện, từ đó đã đề xuất được các dự án, công trình cần triển khai đầu tư xây dựng; cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của người dân. Điển hình như huyện Tiên Yên, bám sát mục tiêu của Nghị quyết đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp từ rất sớm gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua xây dựng nhiều dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp. Trong đó, nổi bật là triển khai tuyến đường nối xã Đại Thành trước đây sang xã Đại Dực với chiều dài hơn 7km, với tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho xã Đại Dực sau sáp nhập; thuận lợi cho người dân địa phương đi lại, giao thương, phát triển KT-XH. Theo lãnh đạo xã Đại Dực, nhờ sự quan tâm của tỉnh và huyện với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội mà đến nay địa phương đã có sự thay đổi vượt bậc. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của bà con Đại Dực mới chỉ đạt 6,4 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 64,4 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của Đại Dực cao ở mức 23% thì đến nay toàn xã không còn hộ nghèo. Đây cũng là xã miền núi duy nhất của huyện Tiên Yên không còn hộ nghèo.
Còn tại huyện vùng cao Ba Chẽ, với đặc thù là một huyện có nhiều diện tích đất rừng, địa phương đã nhanh chóng hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình tham gia quản lý, trồng, chăm sóc theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ năm 2020 đến nay, huyện Ba Chẽ đã giao, cho thuê đất với diện tích gần 2.500ha tới gần 300 hộ gia đình, cá nhân tại 8 xã, thị trấn. Trong đó có 116 gia đình, cá nhân ký cam kết trồng rừng gỗ lớn với diện tích đăng ký trên 375ha. Đến thời điểm cuối năm 2022, toàn huyện Ba Chẽ đã giảm 160 hộ nghèo, đạt 320% kế hoạch tỉnh giao. Số hộ cận nghèo giảm 547 hộ, đạt 295,7% kế hoạch tỉnh giao, còn 56 hộ, chiếm 1%, giảm 9,79% so với cuối năm 2021. 7/7 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đạt chuẩn 9 tiêu chí huyện NTM; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 54,8 triệu đồng/người/năm...
Giảm khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống nhân dân
Tất cả các thành quả mà Quảng Ninh tạo ra, đạt được trong thời gian qua đều để nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân, tạo thuận lợi cho nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với gia đình người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân gấp đôi bình quân chung của cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, đến nay, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Quảng Ninh cũng vinh dự được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (Đông Triều); huyện đảo (Cô Tô) đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân).
Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là các địa phương đã triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay với trên 1.800 lượt khách hàng, số tiền vay gần 140 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh. Trong đó, TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là TX Quảng Yên, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Với kết quả này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo...
Ông Nình Văn Quang, Trưởng thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên chia sẻ: Ngày trước thôn chúng tôi còn heo hút, thưa thớt lắm, trình độ dân trí lại thấp. Chúng tôi phải đi từng nhà, gặp từng người để vận động bà con đi học lớp xóa mù chữ. Ngày đó, đa số các hộ dân ở thôn đều là hộ nghèo, cả thôn chỉ có lác đác vài nóc nhà mái ngói. Nhưng đến nay, toàn thôn đã không còn hộ nghèo, trong thôn còn xuất hiện thêm nhiều hộ gia đình khá giả, gần như 100% hộ dân trong thôn đều có được nhà xây tường gạch, đổ mái bằng kiên cố, khang trang. Không chỉ riêng thôn chúng tôi mà cả xã Đại Dực đã có những sự thay đổi mà ngay cả người dân nơi đây cũng phải ngỡ ngàng.
Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()