Tất cả chuyên mục

Tại Quảng Ninh, trong những năm gần đây, nhiều chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển đã được triển khai với quyết tâm lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST), qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KHCN & ĐMST đến năm 2030, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, hoạt động KHCN & ĐMST trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc một cách chủ động, đồng bộ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao việc triển khai các đề án, chương trình cụ thể gắn với từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương. Nổi bật là việc ban hành nhiều kế hoạch, chính sách quan trọng.
Xác định rõ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN vào thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 10/11/2023 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động số 281/KH-UBND ngày 14/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 04/4/2025 về phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…. Đặc biệt, mới đây, ngày 7/2/2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 40/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là những cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát triển nguồn nhân lực trong từng ngành, lĩnh vực và trên địa bàn địa phương quản lý, trong đó có nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tại các đơn vị, địa phương.
Cùng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Một số chính sách nổi bật có thể kể đến gồm chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc trong các cơ quan Đảng; ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; viên chức là bác sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực Y khoa, Y học dự phòng tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND). Chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND). Chính sách chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường trung học phổ thông Chuyên Hạ Long (Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND). Chính sách thu hút bác sỹ về làm việc tại một số đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 (Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND). Kết quả cụ thể đã có 73 bác sĩ được hỗ trợ đào tạo sau đại học theo Nghị quyết số 05. Từ năm 2021 đến nay, các trường đại học và cao đẳng trong tỉnh được hỗ trợ trên 21 tỷ đồng cho công tác đào tạo, gồm học phí, tiền ăn, đồ dùng học tập... Ngành Y tế đã tiếp nhận hơn 1.000 viên chức, trong đó có 64 bác sĩ được thụ hưởng các chính sách thu hút theo Nghị quyết số 28.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh đã ban hành 02 kế hoạch trong đó nổi bật là kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2024-2026, mang tính tổng thể và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ các doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, gồm 12 lĩnh vực, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 43 khóa đào tạo được tổ chức cho 1.443 lượt học viên đến từ 77 doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh đã tổ chức 232 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 15.000 lượt cán bộ, công chức. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 640 cá nhân và 150 tổ chức về các nội dung như quản lý nghiên cứu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, an toàn bức xạ, quản lý chất lượng ISO 9001:2015…Riêng năm 2025, tỉnh sẽ triển khai các lớp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin chuyên ngành an toàn thông tin mạng, các lớp bồi dưỡng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước.
Quảng Ninh cũng chú trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở đào tạo. Trường Đại học Hạ Long đã triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giảng viên tạo diễn đàn, môi trường trao đôi về chuyên môn, học thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tỉnh cũng tổ chức nhiều sân chơi sáng tạo như: Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học… Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mỗi năm đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác đào tạo nhân lực KHCN, đồng thời thực hiện 5.000-6.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, bằng việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình hành động cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 13, tỉnh Quảng Ninh đang tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững nhất là trong việc phát triển nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây không chỉ là yêu cầu chiến lược trong giai đoạn phát triển mới mà còn là chìa khóa để Quảng Ninh giữ vững vai trò là cực tăng trưởng phía Bắc.
Ý kiến ()