Tất cả chuyên mục

Sau thời gian theo dõi và quyết liệt truy bắt, Công an TPHCM đã tóm được “trùm lừa” Lê Thành Hùng (46 tuổi, quê Sóc Trăng, nguyên Phó giám đốc Cty cổ phần văn hóa Vũ Trụ, trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM) khi hắn đang mặc quân phục quân đội giả mạo với hàm đại tá. Khi vừa bị bắt giữ, “trùm” lừa tỏ ra oai phong, xưng này, hô nọ với sắc mặt rất… nghiêm. Nhưng khi về đến trụ sở công an, kẻ đang mặc quân phục với quân hàm đại tá đã hiện nguyên hình là tên lừa đảo đang bị truy nã.
Từ “thượng tá”… lừa
Theo hồ sơ điều tra vụ án, từ năm 2013, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tiếp nhận những thông tin tố cáo về một “vị thượng tá” quân đội có nhiều hành tung bất thường. Với sắc phục và quân hàm thượng tá, cách nay 2 năm, Lê Thanh Hùng đã giả mạo thượng tá quân đội nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Cụ thể, ông T.N.Đ (65 tuổi, giám đốc một Cty TNHH) có quen biết và nhờ đối tượng Trần Phi Long (32 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM, là kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã bị Công an TPHCM triệt phá) “chạy” giấy phép kinh doanh karaoke.
![]() |
"Đại tá" Lê Thanh Hùng bị bắt giữ cùng một bộ quân phục và những giấy tờ giả mạo. |
Theo trình bày của nạn nhân, do giấy phép kinh doanh đã bị cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi, nên ông Đ nhờ Long lo giấy phép cho nhà hàng V tại quận 5, TPHCM với giá thỏa thuận là 800 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận giá cả với ông Đ, Long nhận hồ sơ nhà hàng và nhận trước số tiền “chạy chọt” rồi gặp Lê Thanh Hùng. Lúc đó, Hùng giả là thượng tá quân đội và cho rằng mình sẽ lo được thủ tục giấy phép kinh doanh karaoke - một dịch vụ “nhạy cảm” - cho ông Đ. Long khai nhận đã chuyển hồ sơ của ông Đ và đưa trước 295 triệu đồng cho Hùng để lo thủ tục xin giấy phép kinh doanh karaoke tại nhà hàng V ở quận 5, TPHCM do ông Đ làm giám đốc.
Tuy nhiên, sau khi nhận hồ sơ và tiền, Hùng lại chuyển bộ hồ sơ cho Nguyễn Tuấn Anh (37 tuổi, tổng giám đốc một Cty có trụ sở ở quận Gò Vấp, TPHCM) và số tiền 100 triệu đồng, còn gần 200 triệu đồng Hùng bỏ túi tiêu xài cá nhân. Sau khi nhận hồ sơ và 100 triệu đồng từ “thượng tá” Lê Thanh Hùng, Nguyễn Tuấn Anh lại chuyển hồ sơ cho một đối tượng tên là Thành. Do hồ sơ chưa có giấy phép về an toàn phòng cháy chữa cháy nên Thành yêu cầu đưa thêm hơn 100 triệu đồng nữa để làm giấy phép an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, mắt xích quan trọng của đường dây lừa chạy giấy phép là “thượng tá” Lê Thanh Hùng bỗng biến mất khiến vụ việc bị vỡ lở. Ông Đ chờ mãi không thấy Long giao giấy phép kinh doanh karaoke tại nhà hàng V ở quận 5 mới phát hiện mình bị lừa đảo nên tố cáo với cơ quan công an.
Không những lừa ông Đ, cơ quan điều tra còn xác định, vào khoảng tháng 7.2011, đối tượng Trần Phi Long đã nhận đơn đặt hàng xin giấy dự thi và đậu vào lớp sau đại học chuyên khoa 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy cho chị N.T.M.T (33 tuổi) với giá 100 triệu đồng. Theo lời khai của Long sau khi bị bắt giữ, “phi vụ” này, Long đã đưa cho vị “thượng tá” Lê Thanh Hùng một khoản tiền và Hùng hứa sẽ chạy cho chị T được dự thi vào lớp sau đại học. Tuy nhiên, chờ dài cổ cho đến khi lớp học đã… tựu trường, chị T vẫn chẳng thấy giấy báo thi lẫn giấy báo nhập học đâu cả. Biết mình bị lừa, chị T đâm đơn cầu cứu công an, Long sa lưới cùng một số đối tượng liên quan, riêng vị “thượng tá” Lê Thanh Hùng biến mất.
… đến “đại tá” oai phong sa lưới
Qua điều tra vụ án, từ lời khai của Long và một số đối tượng có liên quan trong đường dây lừa đảo, Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã đối với Lê Thanh Hùng. Vào thời điểm bỏ trốn, Hùng đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Cty cổ phần văn hóa Vũ Trụ, trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM. Bị truy nã và biết đồng phạm đã sa lưới, chắc chắn sẽ khai ra hành tung của “thượng tá” Lê Thanh Hùng, Hùng từ TPHCM trốn lên tỉnh Bình Dương ẩn náu tại nhà một số người quen. Tuy nhiên, ở Bình Dương, Hùng vẫn cảm thấy bất an, nên tiếp tục lẩn trốn xuống miền Tây một thời gian khá dài.
Đến đầu năm 2015, tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, Hùng giả thành vị đại tá quân đội, mà y khai nhận đã nhặt trong sọt rác tại một tiệm photocopy một giấy chứng nhận sĩ quan in màu, mang tên là L.V.T, cấp hàm đại tá. Do vậy, Hùng tiếp tục nảy sinh ý định giả đại tá để lừa đảo. Hùng sử dụng giấy chứng nhận sĩ quan quân đội, dán ảnh của Hùng vào và đi mua một bộ quân phục tại địa bàn quận Gò Vấp, TPHCM. Hùng khai nhận, đã tìm đến một đơn vị chuyên bán quân phục mua bộ đồ với giá là 650.000 đồng/bộ quần áo, giầy cấp tá 300.000 đồng/đôi, ví quân đội giá 40.000 đồng/cái...
Tại cơ quan điều tra, khi vừa bị bắt giữ trong quân phục và quân hàm đại tá, Hùng cho rằng mình chỉ mặc quần áo này nhằm lòe mọi người, cũng như trốn tránh lệnh truy nã, vì khi mặc quân phục sẽ không bị phát hiện ra, xin xỏ ngoài đường dễ hơn… Thế nhưng, theo hồ sơ điều tra, lúc Hùng xuất hiện hồi đầu năm 2015 tại TPHCM với sắc phục quân đội, các trinh sát đã lập tức đeo bám, theo dõi.
Vào khoảng tháng 6.2015, trong công tác quản lý địa bàn, các trinh sát phát hiện một nghi phạm mặc quân phục quân đội mang cấp hàm đại tá giống Lê Thanh Hùng liên quan đến vụ lừa đảo đang bị Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) phát lệnh truy nã. Điều đáng nói là khi trinh sát tìm cách tiếp cận Lê Thành Hùng để xác định đối tượng, Lê Thanh Hùng còn lớn tiếng xưng là sĩ quan cấp cao, đang làm việc ở “Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng”. Thậm chí, Hùng còn xưng mình là người có nhiều mối quan hệ cấp cao ở Trung ương, thường xuyên giao tiếp với nhiều người có địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, mọi hành tung của vị “đại tá” Lê Thanh Hùng đã không lọt qua mắt nghiệp vụ của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm Công an TPHCM.
Mới đây, vào tháng 7.2015, Hùng mặc sắc phục đại tá, đi xe ôtô ra tỉnh Bình Thuận và nhận “chạy dự án” cho một người với 100ha đất trồng cây thanh long. Do đất này đang tranh chấp, nên đại tá Lê Thanh Hùng ra tay can thiệp, tuy nhiên “phi vụ” này chưa hoàn thành, vì giữa hai bên chưa thương lượng được. Bất ngờ, "đại tá" Lê Thanh Hùng biến mất một cách bí ẩn. Không nản lòng, các trinh sát tiếp tục lần theo từng dấu vết mà Hùng để lại.
Nguồn tin quý giá được báo về, Hùng lại xuất hiện tại nhà vợ “bé” của y tại ngôi nhà không số, trong con hẻm số 35, đường số 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM. Mặc dù tính toán rất kỹ thời điểm xuất hiện là đêm khuya, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhưng “đại tá” Lê Thành Hùng đã lầm. Khoảng 23h khuya 3.11, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TPHCM cử 10 trinh sát bao vây ngôi nhà, bắt gọn vị “đại tá” Lê Thanh Hùng khi y vừa xuất hiện cùng quân phục rất oai phong.
Tại cơ quan công an, ban đầu Hùng còn hùng hổ xưng này, hô nọ… nhưng chỉ vài bằng chứng, hồ sơ cũng như quyết định truy nã, “vị đại tá” quân đội này hiện nguyên hình là “trùm” lừa đảo Lê Thanh Hùng, từng là mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trần Phi Long.
Theo Lao động
Ý kiến ()