Năm nay, quả vải chín sớm được các cửa hàng trái cây bán giá 100.000-130.000 đồng một kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Vải chín sớm hay còn gọi là vải u hồng, chủ yếu được trồng ở Tây Nguyên, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Vải này có vị ngọt pha chút chua chứ không ngọt đậm như vải thiều miền Bắc.
Khảo sát củaVnExpresstại các cửa hàng và chợ truyền thống ở TP HCM cho thấy, vải chín sớm hiện đã có trên các kệ hàng trái cây. Giá mỗi kg dao động 100.000-120.000 đồng, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng.
Chị Hoa, chủ cửa hàng trái cây trên đường Thống Nhất (Gò Vấp) cho biết, chị bán vải u hồng được 2 ngày nay. Mỗi ngày, chị nhập được khoảng 10 kg vì hàng đầu vụ số lượng có hạn. "Năm nay, giá vải tăng mạnh lên 120.000 đồng mỗi kg nhưng vẫn hút khách", chị nói.
Tại chợ Bà Chiểu, vải chín sớm cũng được nhiều tiểu thương nhập về bán với giá quanh 110.000 đồng một kg. Theo chị Loan, tiểu thương tại chợ này, vải thiều chín sớm có nguồn gốc từ Đắk Lắk, thu hoạch từ cuối tháng 4 đến tháng 6.
Ở những cửa hàng trái cây cao cấp, vải chín sớm cũng được bày bán trên các kệ với giá lên tới 130.000 đồng một kg. Theo các chủ cửa hàng, giá ở đây cao hơn các chợ truyền thống vì quả được chọn kỹ.
Lý giải nguyên nhân giá năm nay tăng cao, chị Hằng, thương lái chuyên kinh doanh trái cây cho biết, chi phí vận chuyển và bảo quản tăng 40% nên đẩy giá vải u hồng tăng mạnh. Giá thu mua vải hiện cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên giá bán ra biến động mạnh.
Ghi nhận tại các nhà vườn, giá sản phẩm này đang ở mức 40.000-45.000 đồng một kg, tăng 10.000-20.000 đồng so với cùng kỳ. Các hộ trồng cho rằng, giá tăng vì chi phí và công chăm sóc cho mùa vải năm nay tăng cao. Mặt khác, vải mới đầu vụ nên số lượng cung ứng ra thị trường thấp.
Doanh nghiệp chuyên thu mua vải Tây Nguyên lý giải thêm, năm ngoái hàng khó bán đi các địa phương khác do hoạt động cách ly, còn giờ tình hình có vẻ ổn định hơn nên sức tiêu thụ tốt, giúp giá tăng.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, hiện diện tích trồng vải của tỉnh trên 1.313 ha, tăng hơn 5 lần so với năm 2015, chiếm 3,6% so với tổng diện tích cây ăn quả (36.300 ha).
Phần lớn diện tích vải tập trung nhiều ở Ea Kar, M’Đrăk, Krông Păc, Krông Ana, Buôn Hồ, Krông Năng. Tỉnh này đang tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực hướng sản xuất theo quy trình VietGAP giúp cây vải phát triển bền vững.
Ý kiến ()