Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 23:46 (GMT +7)
Vài nét về phong tục của người Sán Dìu ở xã Sơn Dương
Thứ 5, 20/07/2023 | 10:09:52 [GMT +7] A A
Xã Sơn Dương là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hạ Long. Trong đó, đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm khoảng 1/3 dân số.
Theo một số tư liệu cổ, người Sán Dìu vốn là một trong các dân tộc Bách Việt, di cư từ vùng Lĩnh Bắc xuống vùng Lĩnh Nam thuộc đất nước ta ngày nay. Người Sán Dìu gọi dân tộc mình là Sthang Deo, có tiếng nói và chữ viết riêng. Đồng bào dân tộc Sán Dìu thường sống thành làng xóm nhỏ, ở những vùng bán sơn địa. Mỗi dòng họ thường có sẵn các tên lót ghi trong sách gia phả của dòng tộc để phân biệt các đời. Tùy vào mỗi dòng họ mà số tên lót có thể là 20, 16 hoặc ít hơn. Khi đặt hết các tên lót thì quay lại từ đầu.
Ví dụ dòng họ ông Ân Tiến Ngọc năm nay đã 83 tuổi ở thôn Đồng Đạng có tới 20 tên lót. Những tên lót đầu lần lượt là: Vân, Thụy, Thiện, Minh, Quỳnh rồi đến Tiến, Hiền, Hữu, Tú, Mai, Quảng... Theo tên lót dòng tộc thì con trai ông có tên lót là Hiền. Ông bà có 8 người con giờ đều đã phương trưởng. Theo thứ bậc tổ truyền thì cháu trai ông sẽ có tên lót là Hữu. Như vậy, nếu lưu tâm thì nghe tên một người trai Sán Dìu, ta có thể biết thứ bậc của người đó trong dòng tộc.
Còn chữ lót tên người nữ tất cả đều chỉ đơn giản là “Thị”. Như vợ ông Ngọc có tên là Lục Thị Ly. Khi số dân trong một hộ gia đình, trong làng, xóm tăng cao, thì một số người con sẽ tách đi nơi khác sinh sống. Gia đình ông Ngọc cũng ở trong số đó. Theo lời ông kể, tổ tiên nhà ông là ở huyện Đầm Hà có gia phả đã được hơn 300 năm. Ông bà tổ tiên ông di cư vào xã Sơn Dương từ đầu thế kỷ 20. Nay gia đình ông vẫn theo giỗ tổ ngoài đó.
Người Sán Dìu có tục thờ thần làng (thành hoàng) và tổ tiên. Trong nhà có ban thờ tổ tiên, thần tài, thần trạch, môn thần. Ban thờ môn thần thường là ban gỗ nhỏ giản dị dán giấy điều treo cạnh cửa theo hướng bản mệnh gia chủ. Lễ vật đặt trên có cốc cắm hương nhỏ và chén đựng trà, phía dưới có đôi móc để treo túi bánh kẹo hoặc hoa quả tùy theo lễ tiết. Mỗi năm, người Sán Dìu ở xã Sơn Dương có 4 lễ chính. Đó là ngày đầu năm, mùng 1 hoặc mùng 2 tháng Giêng (âm lịch), Tết thanh minh, Rằm tháng bảy và tiết đông chí kết thúc vào cuối năm mùa màng cấy hái. Những người đi làm thuê, làm ăn xa thường trở về nhà sau ngày cuối năm này.
Đồng bào cũng có tục cúng lễ tam chiêu là lễ báo cáo với tổ tiên nhận và phù hộ cho một đứa trẻ trong dòng tộc mới sinh ra được ba buổi sáng.
Trước đây, đồng bào cũng có lễ xuống đồng tổ chức vào đầu tháng sáu (âm lịch) để bắt đầu vụ mùa cấy hái. Sau khi cấy xong thì có lễ lên đồng, có thể tổ chức cùng với rằm tháng bảy. Tháng mười có lễ cúng cơm mới. Song, thực tế hiện nay đồng bào Sán Dìu trong xã đã chuyển sang trồng nhiều các loại cây hoa màu như trồng ổi, mía, dưa hấu... Diện tích cấy lúa bị thu hẹp, nên những lễ này không còn được chú trọng như trước nữa. Cúng người chết hoặc xem ngày làm nhà, dựng vợ gả chồng thì người Sán Dìu mời thầy về cúng. Thầy cúng cũng là người Sán Dìu, có thể là nam hoặc nữ. Thầy cúng thường có tính chất kế thừa, tức là cha, chú... thông qua sách vở tổ tiên truyền lại để dạy cho con, cháu. Đợi đến khi có lễ Đại phan thì mới được cấp “chứng chỉ” hành nghề.
Hiện nay, thầy cúng người Sán Dìu cũng có cả chứng chỉ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp phép để thực hiện những hoạt động văn hóa, tâm linh theo phong tục tập quán của dân tộc trong bản làng, thôn xóm. Tránh trường hợp có những kẻ mạo danh, tự xưng là thày, hành nghề mê tín dị đoan. Tuy đồng bào Sán Dìu chỉ có tục lệ thờ tổ tiên và thần làng, nhưng khi cúng tế, trong văn cúng lại thường thỉnh mời đến Phật.
Theo lời thầy cúng người Sán Dìu Đặng Nguyên Vinh (thôn Đồng Vang), thì đó cũng có thể là do có sự giao thoa giữa tín ngưỡng các vùng miền. Vì bản thân người thầy cúng khi đạt đến cấp độ nhất định thì được cấp quyền thay mặt người sống, giao tiếp với người chết, đóng vai trò trung gian giữa hai thế giới âm - dương. Họ cũng có thể đi cúng cả cho người Kinh hoặc người các dân tộc khác.
Cũng giống như người dân tộc Kinh hát đúm, hát ví, “Soọng cô” là hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thông qua những làn điệu dân ca phổ biến của bà con dân tộc Sán Dìu. Hiện có chừng 15 bài hát được lưu giữ trong cộng đồng người Sán Dìu ở xã Sơn Dương.
Trong các cỗ bàn của người dân tộc Sán Dìu, ngoài các món gà, vịt, lợn... chế biến thông thường còn có một món ăn hầu hết gia đình nào cũng biết làm, giờ đã trở thành “đặc sản” vùng miền, vượt ra ngoài ranh giới xã. Đó là món khau nhục. Để chế biến món ăn cầu kỳ này cần đến khoảng 15-17 loại gia vị. Có thể liệt kê sơ bộ như mộc nhĩ, măng khô, tỏi, hoa hồi, địa liền, gừng... và một số bí quyết làm nhân tùy vào mỗi nhà.
Theo chị Ân Thị Lan, người làm khau nhục rất ngon ở thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, thịt ba chỉ để làm khau nhục cũng phải là loại ngon nhất của con lợn, gọi là “ba chỉ cánh buồm”. Mặc dù ở Quảng Ninh có khá nhiều nơi làm món khau nhục, nhưng theo khẩu vị của người viết bài, khau nhục Sơn Dương ăn rất ngon, vừa miệng, có hương vị quyến rũ đặc biệt với nhiều người. Đó cũng có thể là do món ăn được chế biến trong những lồng hấp, trên ngọn lửa đỏ cháy rừng rực trong lò nấu củi theo cách cổ truyền. Trong các mâm cỗ của người Sán Dìu trong xã, còn có một số loại bánh phổ biến như bánh lồng gà, bánh men (bánh bạc đầu), bánh tài lồng...
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước cùng với sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà, đời sống của người Sán Dìu ở xã Sơn Dương ngày một ổn định, ấm no, trù phú. Những lớp người cũ như các ông Ân Tiến Ngọc, Ân Văn Vùi... trước đây đều tích cực tham gia các công tác xã hội trong xã. Các ông đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Ân Văn Vùi vui vẻ nhớ lại: Hồi ông mới chuyển nhà đến nơi ở hiện nay, gia đình ông làm được một ngôi nhà 5 gian tường đất, mái tranh. Dân làng và anh em trong dòng tộc đến giúp 3 ngày thì làm xong. Đất ruộng được trâu bừa nhuyễn. Người đóng gạch (bằng đất) cứ đóng, người gánh gạch (đã se se) để xây tường cứ xây. Mỗi viên gạch đất dài 20cm, cao 12cm, ước chừng nặng hơn 20kg. Người khỏe cũng chỉ gánh được 4 viên, xe cút kít thì chở được 6 viên. Sau mấy chục năm thì ngôi nhà đã hư hỏng nhiều. May sao đến năm 2013, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng, gia đình ông được nhận đến 60 triệu đồng để làm lại ngôi nhà hai tầng khang trang vững chãi, to, đẹp như bây giờ.
Trước đây, xã Sơn Dương nổi danh với cây mía tím giòn và ngọt. Giờ chỉ còn thôn Mỏ Đông còn giữ lại ít nhiều đất để canh tác loại cây này. Các thôn khác đã dần chuyển sang trồng dưa, ổi... Ổi Sơn Dương hiện cũng đã có thương hiệu vững vàng trên bản đồ OCOP của tỉnh. Sở dĩ cây trái nơi đây có vị ngon ngọt hơn một số vùng đất khác vì môi trường, sinh thái trong lành và khá ổn định. Đặc biệt là nguồn nước. Bà con trong cộng đồng người Sán Dìu nơi đây rất có ý thức giữ gìn rừng mọc đầu nguồn. Trò chuyện với chúng tôi, các anh Vinh, Linh, Thanh ở thôn Đồng Vang cho biết, các gia đình ở thôn Đồng Vang vẫn chủ yếu dùng nước sinh hoạt dẫn về từ các khe suối. Hiện nay, quanh xã có khá nhiều rừng trồng keo (là loại rừng trồng, được phép khai thác). Những khoảnh rừng ở đầu nguồn nước, bà con bảo nhau khai thác dần từng phần. Sao cho luôn có rừng giữ được nước đưa về các con khe. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, chính quyền đã cùng nhân dân các dân tộc trong xã đắp một số đập giữ nước tưới tiêu như đập Khe Chùa, đập Đồng Giang, đập Khe Dùng. Hiện nay, ngoài đập Đồng Giang và tuyến kênh mương còn tương đối ổn định thì đập Khe Chùa hệ thống van xả đã xuống cấp trầm trọng. Nước tự do thoát đi các nơi. Dẫn đến tình trạng khi trời không mưa là đáy hồ dần khô cạn, không đủ nước tưới cho nhân dân quanh vùng. Ngoài một số thôn có nguồn nước tương đối thuận lợi vì gần một số khe, suối như thôn Vườn Cau, Vườn Rậm, Đồng Vang, Đồng Giang... thì có ba thôn còn gặp nhiều khó khăn, chưa chủ động được về nguồn nước sinh hoạt như thôn Trại Me, Đồng Đạng, Đồng Giữa.
Đáng kể hơn nữa là đập Khe Dùng ở thôn Đồng Đạng hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào mưa. Trong 6 tháng vừa qua, dân quanh vùng này gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Nói như một số người dân trong thôn là “nước chảy như tiết gà”. Mong muốn của những người như ông Ân Tiến Ngọc và anh Đặng Nguyên Vinh là được các cấp chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện cho việc mở các lớp học chữ, giữ gìn bản sắc dân tộc Sán Dìu và có các giải pháp hỗ trợ cho đồng bào chủ động tốt hơn nữa về nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu.
Lại Tuấn Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()