Tất cả chuyên mục

Con đường nhỏ quanh co nằm vắt trên triền núi dẫn chúng tôi đến chùa Bái Đính cổ toạ lạc trên một ngọn núi cao yên tĩnh, trầm mặc thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình...
Bái Đính cổ tự nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía nam. Tương truyền Chùa được Đức Thánh Nguyễn Minh Không lập nên vào thời nhà Lý khi Ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua. Gần 1.000 năm trôi qua, ngôi chùa vẫn uy nghi giữa đất trời, thách thức với thời gian, như một minh chứng cho sự trường tồn của đạo Phật trong thế giới tâm linh của con người Việt. Các hạng mục chính của chùa gồm: Động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.
![]() |
Tam quan chùa Bái Đính cổ nằm giữa lưng chừng núi. |
Tam quan chùa Bái Đính cổ màu tro lạnh, nằm khép mình giữa um tùm cây cối. Tam quan làm bằng chất liệu đá xanh Ninh Bình, thiết kế ba tầng, cửa vòm, mái được lợp ngói ống góc uốn cong nhẹ như lời thủ thỉ của gió; các hoạ tiết chạm khắc đơn giản mà tinh tế. Bước qua Tam quan, ta như giũ bỏ cái ồn ào, bụi bặm của nhịp sống ngoài kia, để tan vào cái tĩnh lặng, trầm mặc u tịch của nơi đây. Chẳng ai bảo ai, người nào người nấy đều khẽ khàng, ý nhị trong từng bước đi, từng lời nói. Đặt nhẹ từng bước chân mình lên những bậc thang đá xù xì, đầy vẻ nguyên sơ để rồi lòng phẳng lặng như mặt hồ ngày lặng gió. Cảm nhận từng thanh âm từ ngàn xưa vọng về.
Động thờ Sư Tổ là một hốc đá nhỏ, có bậc thang đá dẫn đến tận ban thờ. Những tảng đá xếp chồng lên nhau, còn vẹn nguyên những nét vẽ của tạo hoá. Toàn bộ các ban thờ Phật, thờ Mẫu của chùa được đặt giữa lòng những sơn động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nơi cửa Thiền…
Leo hết dốc đá chênh vênh là đến ngã ba: Bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng là bốn chữ đại tự: “Minh Đỉnh Danh Lam” (có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”) do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Hai bên cửa hang là tượng Thần Khuyến Thiện và Trừng Ác bằng đồng. Đi vào trong ngách hang sẽ mở ra một cửa hang sáng và rộng, phóng tầm mắt ra một thung lũng xanh bạt ngàn khiến ta dường như thấy mình thật nhỏ bé trước núi non hùng vĩ.
Từ ngã ba dốc, rẽ trái khoảng 50m sẽ đến Động tối thờ Mẫu. Động tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang thì nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo; có hang trần bằng, có hang được tạo hoá ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống…
![]() |
Những bức tượng Phật bằng đá xanh dọc con đường dẫn xuống chân núi. |
Đền thờ Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không - người lập nên chùa Bái Đính, nằm ngay ở ngã ba đầu dốc, tựa lưng vào núi. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong làm Quốc sư và nhân dân tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn. Trong đền thờ có tượng Lý Quốc Sư đúc bằng đồng. Đứng bên lan can đá, trước mắt là những áng mây trắng mỏng mảnh vướng vít lấy những ngọn núi chênh vênh giữa trời.
Đi hết hang sáng dẫn xuống sườn thung lũng là đền thờ Cao Sơn nằm giữa um tùm rừng sưa. Thần Cao Sơn là thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Theo truyền thuyết Thần là con thứ 17 của Lạc Long Quân, trong một chuyến đi tuần từ vùng Lam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, tình cờ tìm ra một loại cây có thể thay thế bột gạo để làm bánh và đặt tên là cây Quan lang. Thần đã dạy dân làm ăn sinh sống và bảo vệ khỏi những thế lực phá hoại… Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn giữ ba cửa ngõ tây, đông, nam của cố đô Hoa Lư xưa.
![]() |
Nước giếng ngọc trong xanh màu ngọc bích. |
Từ Tam quan bước 300 bậc thang đá xuống đến chân núi Bái Đính là giếng ngọc. Giếng hình mặt nguyệt, nước trong màu ngọc bích in bóng trời mây. Lan can đá chạy tròn miệng giếng. Một người dân sinh sống ở đây cho biết, từ xưa đến nay, giếng này chưa bao giờ cạn nước và Bái Đính đã được xác lập kỷ lục: “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam”. Khu đất xung quanh giếng rực rỡ sắc màu của đủ loại hoa lá, cây cỏ, bốn góc là bốn lầu bát giác…
Chùa Bái Đính cổ không chỉ thu hút khách tham quan bởi sự hoành tráng, nguy nga, lộng lẫy mà còn bởi vẻ trầm mặc, u tịch, nguyên sơ mà tạo hoá ban tặng…
Đào Mạnh Long (CTV)
Ý kiến ()