Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:31 (GMT +7)
"Quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử"
Thứ 2, 21/11/2022 | 14:48:07 [GMT +7] A A
Sau hơn 1 tháng phát động đợt cao điểm "90 ngày đêm” phục vụ triển khai Luật Cư trú và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, công an toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp những khó khăn, vướng mắc. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Trung tá Bùi Thị Phương Mai, Trưởng Phòng Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Công an tỉnh (ảnh) để làm rõ hơn vấn đề này.
- Đồng chí cho biết kết quả nổi bật của công an toàn tỉnh trong công tác cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) đến thời điểm này?
+ Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, sau ngày 31/12/2022, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú của công dân sẽ không còn hiệu lực. Vì thế, ngày 6/10, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch cao điểm “90 ngày đêm” hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai Luật Cư trú năm 2020 và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 18/11, toàn tỉnh đã cấp 1.017.689 CCCD gắn chíp cho công dân đến độ tuổi, đạt 95,03%; thu nhận và kích hoạt 293.423 tài khoản ĐDĐT, đạt 26,57% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao. Công an tỉnh Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Bộ Công an giao trong đợt cao điểm "90 ngày đêm”.
- Những kết quả đạt được cho thấy nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an nói chung, Cảnh sát QLHC về TTXH và công an các phường, xã nói riêng trong thực hiện Đề án 06. Công an toàn tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là trong đợt cao điểm, thưa đồng chí?
+ Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp và tài khoản ĐDĐT cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn. Không chỉ tăng cường thêm nhiều điểm cấp CCCD và ĐDĐT lưu động đến cấp xã, nhiều tổ công tác còn mang máy đến tận nhà người dân để thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các đối tượng đặc biệt. Đồng thời, tiếp tục vận động người dân đi làm CCCD gắn chip dưới nhiều hình thức, như tuyên truyền qua loa phát thanh của thôn, bản, khu phố, gọi điện thoại trực tiếp cho người dân…
Để đẩy mạnh việc cài đặt, đăng ký và kích hoạt tài khoản ĐDĐT trên ứng dụng VNeID, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Truyền thông tỉnh và Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng nhiều clip, video tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các tiện ích của ứng dụng VNeID, thường xuyên đăng tải trên kênh truyền hình của tỉnh, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; xây dựng trang fanpage riêng của đơn vị trên Facebook và Zalo, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho người dân.
Đơn vị cũng phối hợp với các nhà mạng nhắn tin tới các số điện thoại đã được phê duyệt cấp tài khoản ĐDĐT để hướng dẫn người dân tải ứng dụng trên điện thoại thông minh và kích hoạt tài khoản; phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền và tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT. Người dân đi làm các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước cũng được cán bộ tiếp dân tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt tài khoản ĐDĐT mức 1 và các tiện ích của tài khoản ĐDĐT.
- Đồng chí có thể chia sẻ những khó khăn của CBCS công an trong việc thực hiện nhiệm vụ này?
+ Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn hiện nay là công tác cấp CCCD gắn chip. Sau các đợt cao điểm trước đó đã đạt được kết quả tích cực, hiện còn số công dân vắng mặt khỏi địa bàn do đi nước ngoài, làm ăn xa…, nên số chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip còn lại chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, một số công dân không phối hợp với lực lượng công an, không đồng ý thực hiện khi cán bộ công an hướng dẫn, đề nghị thu nhận hồ sơ.
Đối với số công dân không sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại không đủ cấu hình để cài đặt ứng dụng VNeID thì không thể thực hiện kích hoạt được tài khoản ĐDĐT; việc kích hoạt lại phải thực hiện qua nhiều bước, nên nhiều người không thể tự thực hiện được.
Hệ thống ĐDĐT trong giai đoạn hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng do công tác triển khai đồng bộ trên toàn quốc, lượng truy cập quá lớn. Nhiều người dân phải chờ đợi lâu nên cũng bức xúc, có những phản ứng gay gắt với lực lượng công an.
- Nhiều người đến thời điểm này vẫn chưa hiểu rõ về kích hoạt ĐDĐT mức 1, mức 2 cũng như tính bảo mật thông tin. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
+ Ngày 5/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, trong đó quy định: Mỗi công dân Việt Nam sẽ có một danh tính điện tử được kết nối thông qua ứng dụng VNeID. Có nghĩa là mỗi công dân Việt Nam sẽ có một tài khoản ĐDĐT để truy cập tới danh tính điện tử của mình. Vì vấn đề bảo mật thông tin của công dân được đặt lên hàng đầu, nên ứng dụng VNeID sẽ yêu cầu điện thoại thông minh phải được cập nhật hệ điều hành mới nhất (đối với IOS và Android). Bên cạnh đó, việc kích hoạt tài khoản sẽ phải qua các bước kiểm duyệt sinh trắc rất khắt khe. Vì vậy, nhiều người dân sẽ thấy khó khăn khi tự thực hiện việc kích hoạt tài khoản để sử dụng.
Hiện tại tài khoản ĐDĐT có 2 mức độ kích hoạt. Mức 1: Người dân tự đăng ký trên ứng dụng VNeID. Sau khi hoàn thành, chỉ sử dụng được các tính năng cơ bản của ứng dụng VNeID, như xem các thông báo, thực hiện tố giác tội phạm, đăng ký lưu trú, chưa thể kết nối được với danh tính điện tử.
Mức 2: Người dân phải đến cơ quan công an để đăng ký. Ngoài tính năng cơ bản như mức 1, người dân có thể khai thác được các giấy tờ tùy thân đã thực hiện tích hợp tại cơ quan công an. Bên cạnh đó, tài khoản định danh mức 2 cũng chính là tài khoản để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an đã tích hợp các tiện ích cần thiết, người dân có thể sử dụng CCCD điện tử trong các giao dịch bình thường thay cho thẻ CCCD vật lý; thông báo lưu trú và tố giác tội phạm trực tuyến. Các bộ, ngành đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ hóa dữ liệu chuyên ngành để các giấy tờ tùy thân sẽ được tích hợp vào danh tính điện tử công dân. Khi đó, công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID để sử dụng có giá trị tương đương với các giấy tờ vật lý khác, như thẻ BHYT, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…
Tuy nhiên, để bảo vệ an toàn thông tin cho chính mình, khi sử dụng tài khoản ĐDĐT, người dân cần hết sức lưu ý: Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là mã OTP qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội, cho bất kể cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào chưa được kiểm chứng, xác thực. Để tránh mất cắp thông tin, khi đăng ký tài khoản ĐDĐT, công dân cần sử dụng thuê bao chính chủ, không sử dụng số điện thoại của người khác hoặc cho người khác sử dụng số điện thoại của mình. Khi không kích hoạt được tài khoản ĐDĐT do số điện thoại không đúng hoặc đã được sử dụng thì phải đến ngay cơ quan công an cấp huyện hoặc tỉnh để trình báo và hướng dẫn xử lý.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()