Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:18 (GMT +7)
Vân Đồn: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Thứ 5, 11/05/2023 | 10:01:32 [GMT +7] A A
Vân Đồn là huyện đảo, địa hình đồi núi thấp, độ cao trung bình trên 100m có độ dốc lớn, đất thường bị xói mòn, sạt lở; đặc biệt là có nhiều vũng, vịnh, bãi triều ven biển và ngập mặn, có nhiều bến cập tàu, các đảo phân bố trên địa bàn rộng, độc lập, chia cắt. Vị trí địa lý, địa hình phức tạp đa dạng của Vân Đồn đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trên địa bàn.
Xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải thực hiện thường xuyên, liên tục, các cấp chính quyền của Vân Đồn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tập trung thực hiện nghiêm túc, trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả nhiệm vụ này.
Huyện đã phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; chủ động bám sát, nắm chắc tình hình; thường xuyên chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về rủi ro thiên tai do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.
Trên cơ sở này, các đơn vị với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tổ chức trực ban nghiêm túc và phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, huyện Vân Đồn chỉ đạo kiểm tra, giám sát, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương, yêu cầu lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương theo hướng phấn đấu đạt hiệu quả đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Các biện pháp phòng, chống thiên tai khi lồng ghép được tiến hành có trọng tâm, có thứ tự ưu tiên, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện KT-XH của từng ngành, từng địa phương. Quá trình lồng ghép được xem xét, xác định quy mô của rủi ro thiên tai đối với các lĩnh vực phát triển.
Huyện còn tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất gắn với đặc điểm thiên tai trên địa bàn; rà soát kỹ lưỡng các yếu tố thiên tai, đặc điểm khí hậu... để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển KT-XH bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh. Từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2023, Vân Đồn đã tổ chức 29 lượt xe lưu động, tuyên truyền 659 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo 432 băng zôn, khẩu hiệu... Huyện cũng chú trọng nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ các cấp và nhân dân về khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng thiên tai trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tại cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương (người dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các khu vực xung yếu gây nguy cơ sạt lở, ngập lụt...). Duy trì hoạt động tổ quản lý đê nhân dân trên địa bàn, quản lý chặt chẽ 1.238 tàu thuyền. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vị trí trọng yếu dễ xảy ra nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra để chủ động phòng ngừa, kịp thời sửa chữa, khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việc xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn; tổ chức việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt theo nguyên tắc: Chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước. Các cấp, ngành, lực lượng trên địa huyện còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Với việc triển khai đồng bộ nhiệm vụ, toàn diện giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình đặc điểm địa phương, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai trên địa bàn huyện Vân Đồn đã đạt những kết quả tích cực. Từ năm 2020 đến nay, công tác bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân trong huyện được đảm bảo; toàn huyện không có thiệt hại lớn về tài sản và không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, đặt ra yêu cầu rất lớn và nhiều thách thức đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Bởi vậy, công tác này vẫn đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm chung tay, phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()