Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:10 (GMT +7)
Vân Đồn tạo sức bật từ 3 đột phá chiến lược
Chủ nhật, 22/10/2023 | 10:23:08 [GMT +7] A A
Cùng sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nỗ lực của địa phương, huyện Vân Đồn đã thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược và có sự chuyển mình mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội, thúc đẩy liên kết vùng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Bất cứ ai nếu có dịp trở lại Vân Đồn cũng sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của huyện đảo này. Từ một vùng đất hoang vắng, xa trung tâm, đi lại khó khăn, thời gian gần đây, Vân Đồn đã bứt phá về kết cấu hạ tầng. Trong tiến trình đổi thay đó, có thể nói sân bay quốc tế Vân Đồn như một khởi đầu cho sự trỗi dậy của địa phương này. Cảng được ví là cửa ngõ giao thông quan trọng kết nối khu vực và thế giới, gắn kết chặt chẽ với chuỗi các dự án giao thông trọng điểm, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, các KCN, KKT. Hiện tại có 3 hãng hàng không khai thác các chuyến bay đi Vân Đồn đó là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Tổng tần suất lịch bay vào khoảng 10 - 15 chuyến/tuần.
Cùng với sây bay, mạng lưới đường bộ kết nối Vân Đồn với các địa phương khác trong tỉnh cũng như đường thủy kết nối đất liền với các đảo trong vịnh Bái Tử Long như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… cũng ngày một hoàn thiện. Điển hình như tuyến đường trục chính Trung tâm Khu đô thị Cái Rồng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm về giao thông, du lịch, đô thị trên địa bàn như: Dự án mở rộng đường 334 đoạn từ sân Golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 và đường vào Công viên phức hợp KKT Vân Đồn; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 31 cũ kết nối khu vực Cảng hàng không với trung tâm xã Vạn Yên, đường nội thị trung tâm khu đô thị Thống Nhất và Khu đô thị Vương Long... cũng được triển khai tạo bộ mặt văn minh, hiện đại. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được 8.119,4 tỷ đồng (thu hút mới 5 dự án, điều chỉnh 7 dự án).
Bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Vân Đồn đã tập trung chỉ đạo, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện đại hoá nền hành chính nhà nước.
Huyện tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công (HCC). Hiện nay, Trung tâm HCC huyện đã cung cấp được 276/276 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền cấp huyện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (đạt 100%). Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh mức độ 3,4 của cấp huyện trên 99%, của cấp xã đạt trên 98%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm HCC của huyện đạt trên 99%, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt trên 99%. Trong đó phải nói tới việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã; triển khai mô hình chính quyền điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đều được huyện triển khai đồng bộ.
Đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, huyện đã phê duyệt xong Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện Vân Đồn giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng đào tạo nghề cho lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đến nay, số lượng cán bộ công chức, viên chức cấp huyện có trình độ trên đại học là 98/1052 (đạt 32%); đại học đạt 767/1052 (đạt 73%), cao đẳng đạt 12%; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên chiếm 93,3%; trình độ trung cấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, tăng 24,3% so với năm 2020 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Có thể khẳng định, với sự quyết tâm, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả, Vân Đồn đã thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,4% (vượt 2,3% chỉ tiêu Nghị quyết). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đến giữa nhiệm kỳ theo đúng hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp- xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp giảm trong giá trị sản xuất: Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 30,0% (năm 2020) lên 30,1%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 37,7% (năm 2020) lên 51,6%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 32,2% (2020) xuống 18,3%.
Với một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đang dần hoàn thiện, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đầu tư. Đây là động lực thúc đẩy, phát huy được tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có góp phần sớm đưa Vân Đồn trở thành thành phố trước năm 2030.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()