Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:19 (GMT +7)
Văn hoá thần tượng và câu chuyện thần tượng hoá của giới trẻ
Chủ nhật, 30/07/2023 | 06:50:50 [GMT +7] A A
Hâm mộ hay đam mê mù quáng, cuồng thần tượng là điều giới trẻ đang dậy sóng với sự kiện Ban nhạc Hàn Quốc Blackpink đang biểu diễn ở Việt Nam. Xung quanh câu chuyện này có nhiều điều đáng để giới trẻ quan tâm, suy ngẫm.
Đam mê hay cuồng thần tượng ?
Trong khái niệm xưa, thần tượng chỉ vị thần được tôn thờ, hơn người thường về mọi mặt, tài giỏi xuất chúng, có công lao to lớn khai thiên lập địa, hi sinh bảo vệ dân chúng, khai sáng khía cạnh nào đó mang lại lợi ích cho đám đông. Ngày nay ý nghĩa của từ thần tượng được hiểu theo cách khác, thậm chí lệch chuẩn. Thần tượng nay chỉ cá nhân được yêu thích khi hoạt động trong lĩnh vực nào đó như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên, cầu thủ, họa sĩ, doanh nhân...
Trong cuộc sống ai cũng có quyền có thần tượng cho riêng mình vì mỗi người đều có sở thích và niềm đam mê riêng. Ngày nay, khái niệm thần tượng đang dần đổi khác trong suy nghĩ ở một bộ phận người, nhất là giới trẻ. Một phần do các tiêu chí về thần tượng, về cái đẹp có sự thay đổi theo quan điểm thời đại, một phần do cái nhìn về thần tượng bị lệch chuẩn theo thị hiếu đám đông; bị đám đông dẫn dắt, đáng lẽ là ngưỡng mộ thì họ sa vào mê muội thần tượng.
Trong đời sống hiện đại, khi giải trí, âm nhạc trở thành một ngành công nghiệp. Việc tổ chức và truyền thông của ngành này ngày càng được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp cao. Việc thần tượng cũng là dễ hiểu trong đời sống âm nhạc hiện đại.
Xung quanh sự kiện biểu diễn của ban nhạc Hàn Quốc nổi tiếng Blackpink ở Mỹ Đình vào 29- 30/7, theo khảo sát trên mạng xã hội, giá vé vào sân xem thần tượng của giới trẻ biểu diễn, cao nhất là 9,8 triệu đồng, thấp nhất là 1,2 triệu đồng. Số tiền chi ra để sở hữu một tấm vé tham dự buổi biểu diễn của nhóm nhạc thần tượng này không hề rẻ. Đa phần những người quan tâm đến sự kiện concert này là những bạn trẻ.
Ngày 7/7 mở bán vé, nhiều người phải choáng váng khi chứng kiến sự chịu chi của fan khi số lượng vé VIP của đêm diễn đầu tiên đã hết sau vài giờ đồng hồ. Mặc dù, so với giá vé concert ở Indonesia, Singapore, giá vé VIP của Việt Nam cao hơn khoảng 3 triệu đồng. Với họ, để được nhìn thấy thần tượng ngoài đời thì sẵn sàng chi tiền, hoặc vay mượn tiền để có vé “vào sân”.
Việc hâm mộ thần tượng trong giới trẻ không sai nếu sự hâm mộ này có ý nghĩa, giúp các fan trẻ có thêm “nguồn năng lượng” tích cực để phát triển bản thân. Thế nhưng, trên thực tế, thông qua sự việc buổi biểu diễn của các ban nhạc Hàn nói chung và Black Pink nói riêng thì nảy sinh nhiều vấn đề. Nhiều chuyện dở khóc dở cười, đáng lên án của những bạn trẻ.
Trong xã hội hiện nay, rất nhiều bạn trẻ học theo phong cách ăn mặc của thần tượng, vòi tiền cha mẹ để mua vé xem thần tượng biểu diễn. Một số bạn trẻ bỏ ăn, bỏ học để đi đón thần tượng tại sân bay mặc dù chưa chắc được nhìn thấy thần tượng. Khi thần tượng sụp đổ trong mắt họ thì người hâm mộ chán ăn, bỏ học thậm chí là trầm cảm. Khi thần tượng tự tử thì nhiều “fan” cuồng cũng muốn tự tử theo đúng cách chết của thần tượng.
Tránh “cuồng” thần tượng, sống có trách nhiệm hơn
Việc thần tượng một ai đó là nhu cầu cơ bản trong sự phát triển nhân cách của giới trẻ. Đó là nhu cầu thể hiện quan điểm, tình cảm, hiểu biết những vấn đề xung quanh thần tượng của mình. Nhưng tôn thờ thần tượng tới cực đoan, rơi vào tuyệt đối hóa hình ảnh của họ, sẵn sàng bảo vệ thần tượng, thậm chí bất chấp tính mạng của mình, làm tổn thương người khác, tổn hại nhân cách bản thân, xa rời các giá trị văn hóa truyền thống thì việc hâm mộ trở nên đáng lo ngại và cần can thiệp.
Xung quanh buổi biển diễn của ban nhạc Hàn trên, trước đó, Bộ Ngoại giao, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn… đã lên tiếng việc Ban tổ chức đêm diễn Blackpink chia sẻ hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò”. Điều này tạo nên một làn sóng phản đối, tẩy chay. Đơn vị này đã công khai xin lỗi vì hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" đăng tải trên mạng.
Rõ ràng có thể thấy việc hâm mộ thần tượng đem lại lối sống, động lực tích cực rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên không vì hâm mộ thái quá, cuồng mà các bạn trẻ thiếu tỉnh táo, bị che mắt, rơi vào “bẫy”. Ở góc độ rộng hơn, việc thần tượng của giới trẻ nên tỉnh táo hơn, hâm mộ một cách có văn hoá, tri thức đồng thời tránh, tẩy chay những điều sai trái, lợi dụng người hâm mộ.
Có nhiều lý do để dẫn đến mặt trái của thần tượng. Nhưng có 2 lý do chính và chủ yếu. Thứ nhất đó là do sự bùng nổ thông tin trong thời đại 4.0, giới trẻ dễ bị kéo theo hiệu ứng đám đông. Thứ 2 do thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo các chuyên gia, không nên “học” theo thần tượng một cách máy móc từ ăn mặc, hát hò vì như vậy dễ đánh mất bản sắc, con người của chính bạn, nhìn rộng ra là đánh mất văn hóa dân tộc. Đáng tiếc là cho tới thời điểm hiện tại, khá nhiều bạn trẻ bị vướng vào xu hướng không hay này. Các bậc phụ huynh, nhà trường cần chủ động quan tâm đến đời sống con trẻ một cách tế nhị, văn minh.
Theo bà Phạm Minh Sơn, Trung tâm Đào tạo kỹ năng Awaken (Công ty TNHH Awaken, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: “Việc thần tượng cá nhân nào đó là điều hiển nhiên sẽ xuất hiện trong quá trình trưởng thành của giới trẻ. Mỗi bạn trẻ đều có ước mơ, có niềm đam mê riêng trong cuộc sống… Ở độ tuổi tâm sinh lý đang phát triển thì con trẻ rất cần sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để có những hành động hâm mộ đúng đắn".
Từ đó sẽ chỉ học theo thần tượng ở mặt tích cực. Hạn chế những hành động mang tính tiêu cực như lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe vào những việc vô bổ do thần tượng quá mức. Cá nhân tôi cũng không khuyến khích các bậc phụ huynh có những sự can thiệp thô bạo khi con trẻ có biểu hiện thần tượng sai lệch. Chúng ta cần tìm hiểu đời sống tâm lý của giới trẻ một cách tế nhị, văn minh. Đặc biệt cần quan tâm chia sẻ, giáo dục chuẩn mực từ khi còn nhỏ.
Những câu chuyện đáng suy ngẫm
Câu chuyện hâm mộ thái quá, cuồng thần tượng đã từng được nhiều người, báo chí nêu đáng để suy ngẫm. Đó là câu chuyện xảy ra ở buổi biểu diễn của nhóm Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Mỹ Ðình, Hà Nội vài năm trước từng gây bức xúc trong dư luận. Hàng nghìn fan hâm mộ đã chen lấn, giẫm đạp, làm 40 người ngất xỉu, nhiều người khác bị thương tích.
Cá nhân tôi có người bạn là fan hâm mộ của thành viên nhóm nhạc nam nổi tiếng này. Cậu bạn này giành toàn bộ thời gian học hành để tham gia những buổi offline lên kế hoạch đón nhóm nhạc. Ngày Super Junior đến Việt Nam, vì quá say cổ vũ mà đánh rơi chiếc điện thoại Nokia trị giá hơn 5 triệu đồng, cả gia tài khi đó, mà vẫn không thấy tiếc.
Thay vào đó là cảm giác đau khổ, ốm bệnh đến phải nghỉ học 10 ngày khi phải chia tay thần tượng!. Đỉnh điểm và gây không ít “phẫn nộ” trong dư luận khi ấy là thông tin về một nhóm bạn gái trẻ quỳ xuống hôn lên cái ghế mà ca sĩ Bi Rain (Hàn Quốc) đã ngồi khi lưu diễn tại Hà Nội vào năm 2012.
Trong khi đó, cuộc sống xung quanh quả thật có quá nhiều thứ mà giới trẻ có thể quan tâm, thần tượng. Đó là chuyện các chiến sỹ cảnh sát PCCC quên mình, xông vào biển lửa cứu người. Các bác sĩ ở tâm dịch Covid-19 chiến đấu để cứu nhiều bệnh nhân… Trong giới văn nghệ sĩ cũng có nhiều chuyện đáng lưu tâm. Chuyện ca sĩ Tuấn Hưng trích 10% hợp đồng tất cả show diễn để ủng hộ người nghèo. Chuyện người trẻ, Rapper người Quảng Ninh Đen Vâu đã ủng hộ toàn bộ doanh thu hơn 500 triệu đồng từ MV Nấu ăn cho em cho dự án Nuôi em để nuôi cơm và xây trường cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa… trung tuần tháng 6/2023.
Thần tượng đôi khi rất gần, mà giới trẻ cần tỉnh táo quan tâm, phân biệt được chân giá trị, hành động với những sản phẩm mang tính xu hướng, đu “idol”. Có một quy luật tự nhiên mà rất nhiều người hâm mộ đang tự quên đi. Đó là thời gian sẽ dần trôi, cảm xúc tan dần. Hãy nhìn lại những sự kiện, sự cố trước đó liệu các bạn trẻ có bao nhiêu người thấy việc hâm mộ đó là đúng?
Show diễn của nhóm nhạc Blackpink đình đám xứ sở Kim Chi đang diễn ra. Hy vọng ở đó các bạn trẻ sẽ có cách hâm mộ thần tượng một cách văn minh, thể hiện được nét đẹp trong đời sống của giới trẻ Việt Nam.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()