Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:18 (GMT +7)
Văn học ứng dụng - Mã ngành mới của Trường Đại học Hạ Long
Chủ nhật, 08/01/2023 | 10:44:29 [GMT +7] A A
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Hạ Long mở thêm 3 mã ngành đại học mới là Văn học - Báo chí - Truyền thông, Quản trị kinh doanh và Thiết kế đồ họa. Trong đó, ngành Văn học - Báo chí - Truyền thông đang thu hút sự quan tâm của sinh viên cũng như xã hội.
Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Trong xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực Văn học - Báo chí - Truyền thông nói riêng là một trong những yêu cầu đặt ra đối với nhà trường trong xu thế chuyển mình nhằm bắt kịp với hướng phát triển của xã hội.
Sinh viên theo học ngành Văn học - Báo chí - Truyền thông sẽ được học 128 tín chỉ bao gồm khối kiến thức đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Các học phần bắt buộc và học phần tự chọn được thiết kế khoa học, hợp lý và phù hợp với sinh viên. Mục tiêu chung của khoá học là đào tạo cử nhân làm công tác nghiên cứu văn học và những lĩnh vực có liên quan như báo chí, xuất bản, truyền thông; theo dõi và quản lý các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, truyền thông.
Sau khi hoàn thành khoá học, sinh viên cũng có thể học thêm chứng chỉ sư phạm để giảng dạy ngữ văn ở các cấp học. Người tốt nghiệp có năng lực nghiên cứu bảo tồn các di sản văn học, năng lực viết tin bài cho lĩnh vực báo chí truyền thông thích ứng được với sự thay đổi trong môi trường năng động hiện đại. Khoá học được xây dựng theo định hướng ứng dụng nên còn có người gọi là ngành Văn học ứng dụng.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí nghiên cứu, giảng dạy văn học, báo chí, truyền thông, dạy ngữ văn các cấp; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí truyền thông, nhân viên văn phòng, nhân viên PR, chuyên viên tại các cơ quan thông tin, truyền thông, các đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp. Cũng có thể là cán bộ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, xuất bản hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi những kiến thức cơ bản hệ thống về truyền thông và kỹ năng nghiệp vụ báo chí như: Các cơ quan văn hóa tư tưởng, các bộ phận thông tin của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp.
Đặc biệt, trong khoá học, có một học phần mang tên gọi là Văn học địa phương với 2 tín chỉ. Học phần này trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tiến trình phát triển của văn học Quảng Ninh, giá trị nội dung và nghệ thuật của một số loại hình văn học dân gian Quảng Ninh; những thành tựu, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học viết Quảng Ninh; hiểu được vị trí vai trò của văn học Quảng Ninh trong dòng chảy văn học cả nước. Qua đó, người học có kỹ năng phân tích tác giả, tác phẩm văn học, nhận ra được giá trị đích thực của văn học địa phương và có ý thức bảo tồn phát triển văn học địa phương trong thực tiễn cuộc sống.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh các hình thức dạy học trực tiếp hay gián tiếp còn có hình thức dạy học trải nghiệm. Đây là chiến lược dạy học trong đó sinh viên được tiếp nhận kiến thức và kỹ năng thông qua những gì họ trải nghiệm, quan sát thực tế, cảm nhận và thực hành. Hình thức này có các phương pháp cụ thể gồm có thực hành, thực tập và nhóm nghiên cứu. Sinh viên sẽ được thực tập tại các cơ quan, ban, ngành, các trường học, các cơ quan báo chí truyền thông.
Ngành Văn học - Báo chí - Truyền thông được Trường Đại học Hạ Long xếp về Khoa Sư phạm. Tiến sĩ Vũ Vương Trưởng, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu giữa giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm với nhà thơ, nhà văn trong và ngoài tỉnh. Khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long hiện có hơn 500 sinh viên. Riêng lớp cử nhân Văn học - Báo chí - Truyền thông khóa đầu tiên có 34 sinh viên.
Ngày 22/12/2022, tại TP Uông Bí, Trường Đại học Hạ Long tổ chức chương trình giao lưu văn học giữa giảng viên, sinh viên Khoa Sư phạm với nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Tại buổi giao lưu, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã chia sẻ nhiều kỷ niệm trong quá trình sáng tác thơ, những bài thơ hay cũng như bài hát được phổ từ thơ, thơ tình yêu, cảm xúc khi tiếp xúc lại giảng đường và giới trẻ. Nhiều sinh viên và giảng viên đã bình thơ và có những câu hỏi về thơ ca để được nhà thơ giải đáp. Nhà thơ Trần Nhuận Minh chia sẻ: Đây là một hình thức ngoại khóa rất hữu ích không chỉ cho sinh viên mà còn có ý nghĩa cho những người sáng tác. Chúng tôi rất hoan nghênh cách làm này của Trường Đại học Hạ Long.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()