Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 20:07 (GMT +7)
Vẫn phải cảnh giác với thịt lợn “bẩn”
Thứ 5, 05/04/2012 | 05:54:36 [GMT +7] A A
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, vừa qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 78 quầy bán thịt lợn tại các chợ Hạ Long I và Hạ Long II (TP Hạ Long). Hoạt động này được triển khai ngay sau khi các cơ quan chức năng phát hiện một khối lượng lớn chất tạo nạc (có khả năng gây ung thư) để chế biến thức ăn chăn nuôi tại một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi lợn ở một vài tỉnh phía Nam.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn đã lấy 36 mẫu thịt, nội tạng gửi xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, cả 36 mẫu đều không phát hiện có chất Clenbuterol và Salbutamol (loại hoá chất người chăn nuôi đưa vào thức ăn để tăng tỷ lệ thịt nạc). Các hộ kinh doanh cho biết, nguồn lợn mà họ bán chủ yếu lấy từ các trang trại lợn trên địa bàn huyện Hoành Bồ. Với kết quả xét nghiệm này, người tiêu dùng có thể phần nào yên tâm khi tiêu thụ thịt lợn tại các chợ lớn nói trên.
Tuy nhiên, do thịt lợn là loại thực phẩm có mặt thường xuyên trong các bữa ăn của người dân, nên nó được bày bán ở khắp các chợ từ nhỏ đến lớn, từ người bán rong đến các bàn thịt lẻ ở tận các hang cùng ngõ hẻm. Trong khi đó Quảng Ninh lại là một thị trường tiêu thụ thực phẩm rất lớn, trong đó có một lượng không nhỏ phục vụ cho khách du lịch và công nhân ngành Than, nên nguồn cung chủ yếu vẫn là từ tỉnh ngoài đưa vào. Với thực tế đó, việc kiểm soát an toàn VSTP cũng như xác định nguồn gốc các loại thực phẩm là hết sức khó khăn. Ở các chợ lớn, chợ trung tâm, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát được. Còn ở chợ nhỏ, lẻ có lẽ chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi, khả năng thông thái của người tiêu dùng và lương tâm của người bán hàng. Mà điều này thì lại hết sức mong manh, khó hy vọng.
Vì vậy, dù kết quả kiểm tra có khả quan đến mấy, người tiêu dùng cũng phải luôn luôn có ý thức cảnh giác, không chỉ riêng với mặt hàng thịt lợn mà còn đối với rất nhiều loại thực phẩm, rau quả khác. Bởi khi bị tác động của mặt trái cơ chế thị trường, chạy theo lợi nhuận thuần tuý, người sản xuất - kinh doanh có thể làm bất cứ điều gì miễn là có lợi cho cá nhân hay một nhóm người. Với các cơ quan chức năng cũng không vì thế mà chủ quan, buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên các loại thực phẩm trên thị trường. Hơn nữa cũng cần phải mở rộng địa bàn kiểm tra ra vùng sâu, vùng xa, chợ nông thôn... để có những đánh giá khách quan, toàn diện.
Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, các cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm của mình và người tiêu dùng cũng cần luôn cảnh giác để bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng và chính mình...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()