Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:08 (GMT +7)
Phục hồi vận tải hành khách đường bộ: Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Thứ 7, 12/03/2022 | 14:11:20 [GMT +7] A A
Sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách đường bộ đã trở lại bình thường, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn rất chậm, nhu cầu sử dụng phương tiện xe khách của người dân còn khá hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quảng Ninh đã cho phép phương tiện vận tải đường bộ hoạt động trở lại với tần suất bình thường, cơ chế kiểm soát y tế đơn giản, thông thoáng như: Yêu cầu hành khách thực hiện quy tắc 5K trong phòng dịch, các bến xe và chủ phương tiện thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến… Tuy nhiên, do tâm lý e ngại dịch, nên đến nay lượng khách đi xe vẫn khá ít.
Theo thống kê của Sở GT-VT, từ tháng 11/2021 đến nay, 19 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh đều đã đưa xe vào hoạt động trở lại với tổng số 377 đầu xe kết nối đến 182 tuyến liên tỉnh. Tuy nhiên, do lượng khách thiếu hụt, nên tần suất chỉ hoạt động khoảng 30%, kết nối đến 148/182 tuyến liên tỉnh, với lưu lượng hành khách trung bình mỗi ngày đạt tổng số 250 lượt tại tất cả các đầu bến trong tỉnh (3 hành khách/xe). Trong đó, có rất nhiều xe xuất bến không có khách.
Việc hoạt động vận tải khách đường bộ hiện nay hoạt động kém hiệu quả là do nhu cầu đi lại ra tỉnh ngoài của người dân rất hạn chế, bởi e ngại dịch bệnh. Đối với những người có nhu cầu thiết yếu thì có tâm lý đi xe khách giá rẻ nhưng đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao. Thay vì lựa chọn xe khách, người dân sử dụng xe cá nhân, xe hợp đồng thuê riêng cho một nhóm người. Điều này dẫn đến tốc độ phục hồi của hoạt động vận tải hành khách đường bộ đang rất chậm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải lao đao với bài toán dừng hoặc hoạt động cầm cự.
Trong bối cảnh đó, để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, với vai trò quản lý nhà nước, Sở GT-VT đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, như xác nhận phương tiện ngừng hoạt động làm cơ sở để miễn giảm phí bảo trì đường bộ; yêu cầu chủ bến xe đảm bảo duy trì đăng ký hoạt động tại bến cả đối với xe đang tạm dừng hoạt động do giảm tần suất chuyến; chấp nhận điều chỉnh phương tiện, luồng tuyến theo nhu cầu vận tải thực tế của mỗi đơn vị; đề nghị ngân hàng triển khai các gói vay hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải…
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên, cho biết: Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh mở lại, dù Sở GTVT đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, song điều cốt lõi phụ thuộc vào cung - cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải công cộng của người dân còn hạn chế, dè dặt, khiến hoạt động vận tải phục hồi rất chậm. Hiện Phúc Xuyên chỉ vận hành 30% lượng xe đang có để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, duy trì kết nối các tuyến liên tỉnh theo quy định. Song tháng nào cũng phải bù lỗ vì thu không đủ chi khi mỗi xe chỉ lèo tèo vài khách, trong khi đó các chi phí như cầu đường, lương lái phụ xe và đặc biệt xăng dầu đang tăng cao, xe phải trang bị các biện pháp phòng dịch khá tốn kém… Do đó, các doanh nghiệp vận tải đang tính phương án thu hẹp quy mô, mong chờ vào những chính sách hỗ trợ để tiếp tục phục vụ nhân dân đi lại.
Hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như đã "kiệt sức". Bất đắc dĩ, phải hạn chế chi tiêu để tích lũy thông qua việc cắt giảm hợp đồng, trả lương “giữ chân” cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp vốn rất khó để đào tạo và tuyển dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ xe hoạt động chỉ đạt 30%, điều đó có nghĩa 70% xe còn lại buộc phải tập kết về bãi phơi mưa, nắng dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Tuy nhiên, các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng. Điều này dẫn đến không có nguồn thu, lãi ngân hàng cộng dồn, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ được triển khai, nhưng hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ Quảng Ninh mới chỉ có 2 đơn vị nhận gói hỗ trợ. Lý do là bởi các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, doanh nghiệp không thực hiện được. Để được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, cần xác nhận thuế doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ các chính sách thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện chính sách tự khai, tự tính, tự nộp thuế trên nguyên tắc tự giác, tự xác định nghĩa vụ thuế… Vì thế, để xác định nghĩa vụ thuế, cần phải thanh tra, kiểm tra từ ngành thuế, điều này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải.
Giai đoạn hiện tại, Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vì thế, người dân cần phải nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng thích nghi và ứng phó thường xuyên, liên tục với bối cảnh dịch bệnh. Các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh khâu “hậu kiểm” để giúp hoạt động vận tải hành khách được thuận lợi hơn, tạo tâm lý an tâm, an toàn cho hành khách đi xe.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()