Tất cả chuyên mục

Đọc thơ Yến Lan, tôi chỉ mong có ngày nào đó về thị xã An Nhơn (Bình Định) để thăm bến My Lăng, nơi gắn với biết bao kỷ niệm của Thi nhân. Nhưng đến rồi mới ớ ra, An Nhơn nào có bến My Lăng; đó chỉ là cái bến trong... thơ mà thôi. “-Nhưng “nguyên mẫu” để Nhà thơ “xây” nên bến My Lăng thì có thật đấy!” - Anh bạn là người dân gốc Bình Định nói với tôi như vậy.
![]() |
Một chủ quán yêu thơ Yến Lan đã khắc bài thơ “Bến My Lăng” đặt ngay trước quán nơi thuở bé Thi nhân thường qua đò sang sông. |
Cái bến sông là “nguyên mẫu” của bến My Lăng mà bạn tôi nói đó nằm ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), quê hương của nhà thơ Yến Lan, cách thành Đồ Bàn của Vương quốc Chăm pa thuở xưa không xa. Tại đây, Yến Lan đã bắt đầu sáng tác những bài thơ đầu tay và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành nhóm “Bàn thành tứ hữu” nổi tiếng trên thi đàn những năm 20, 30 của thế kỷ trước… Và cái “bến My Lăng” nổi tiếng trên thi đàn Thơ mới thời đó chính là bến đò sông Cửa Tiền đã in dấu bàn chân bao sĩ tử lận đận lều chõng đi thi. Cửa Tiền là một chi lưu của sông Kôn đổ ra biển qua đầm Thị Nại. Gọi là Cửa Tiền bởi vì cửa chính của nó nằm ngay mặt trước của thành Bình Định nhà Tây Sơn. Bên bờ sông có một đoạn đất trống thuở xưa là Trường thi Hương, cũng là nơi gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước. Ðến thời Pháp thuộc, Trường thi bị bỏ hoang. Và vì bến đò nằm gần đó nên gọi là bến Trường Thi như một niềm hoài niệm. Đến giờ, sông đã hẹp lại, đò không còn nữa, người ta đã xây một cây cầu bê tông khang trang nối đôi bờ sông.
![]() |
Cồn cát nơi bến đò xưa. |
Theo lời người dân nơi đây kể lại, xưa kia nhà ngoại Yến Lan ở bên kia sông, chính cậu ruột Yến Lan cũng là một người lái đò ở bến sông này. Khi mới lên 6 tuổi, Yến Lan đã phải một mình qua đò đưa cơm cho mẹ đang ốm nặng ở quê ngoại. Đoạn đường ấy vắng lặng đến hãi hùng, vì lời đồn có nhiều ma qua lại. Được một thời gian thì mẹ mất, cậu bé Lâm Thanh Lang (tên thật của Yến Lan) nước mắt lưng tròng khẩn thiết gọi đò sang với mẹ như lời thơ ông viết: “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng/ Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng…”. Vì thế, có thể nói, tiếng gọi đò trong đêm trăng lạnh lẽo cứ ám ảnh ông, như tiếng gõ cửa vào một thế giới khác. Đó là cái thế giới đầy ẩn ức, vừa đáng sợ, hãi hùng lại vừa lãng mạn. Nó gắn với kỷ niệm ấu thơ của Thi nhân sau khi mẹ mất, vẫn theo cha về thăm người cậu làm nghề lái đò. Hai cụ thường cắm sào ở giữa sông uống rượu và ngắm trăng. Có lần, chỉ vào cồn cát ven sông, cha ông bảo nó nằm xoải ra “tựa như bờ my thiếu nữ...”.
Có người lại cho rằng bến My Lăng xuất phát từ tên một thiếu nữ mà Nhà thơ Yến Lan rất say mê, sau này thành Nàng thơ, rồi thành vợ ông, bà Nguyễn Thị Lan. “My Lăng” chính là do thổ âm của người vùng này đọc chệch từ “mê Lan” mà thành(?). Chẳng biết câu chuyện thực hư thế nào, nhưng mỗi khi đến vùng đất An Nhơn này, tôi lại thấy bâng khuâng, xao xuyến. Từ một bến sông gắn với bao kỷ niệm của đời mình, Nhà thơ Yến Lan đã neo lại trong lòng độc giả bao thế hệ một “Bến sông thơ” đầy lãng mạn… Hay cũng có thể nói, cái bến sông Cửa Tiền ở đất An Nhơn này đã nhờ có Nhà thơ Yến Lan mà trở thành bất hủ…
Phạm Học
Ý kiến ()