Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 08:39 (GMT +7)
Về Bù Gia Mập mùa muông thú sinh sôi
Thứ 3, 08/10/2024 | 08:46:11 [GMT +7] A A
Không gì đặc sắc bằng khám phá rừng trong mùa mưa bởi đó là thời khắc thiên nhiên và vạn vật giao thoa, cây cối đâm chồi nảy lộc, muông thú đi tìm bạn tình.
Bắt nguồn từ dải đất Tây Nguyên và kết thúc ở vùng đồi thấp miền Đông Nam Bộ, vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) mang đầy nét đặc trưng hoang dã bí ẩn của đại ngàn nguyên sinh. Dành ngày cuối tuần đi sâu vào Bù Gia Mập, rừng núi như trải dài bất tận với khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, chà vá chân đen, hươu, nai, bò rừng, gấu ngựa, gà lôi, hồng hoàng… đang nhảy nhót, hú lượn. Không gì đặc sắc bằng khám phá rừng trong mùa mưa bởi đó là thời khắc thiên nhiên và vạn vật giao thoa, cây cối đâm chồi nảy lộc, muông thú đi tìm bạn tình.
Thăm miền biên viễn
Tôi bắt đầu khám phá vườn quốc gia Bù Gia Mập bằng cuộc hẹn với những người bạn kiểm lâm giữ rừng. Từ TP Thủ Đức (TPHCM), chỉ mất 3 giờ đồng hồ, men theo quốc lộ 13 và 14, chúng tôi đã bắt đầu chạm vào Bù Gia Mập, mảnh đất biên giới mà nhiều người tưởng rất xa xôi. Ngoài một đoạn ở tỉnh Bình Dương, hầu hết tuyến đường còn lại đều ít người qua lại.
Ngày nay, bên cạnh mục đích bảo vệ rừng, tài nguyên hệ động thực vật, các vườn quốc gia còn kết hợp cho phép mở cửa một số khu vực để tham quan du lịch. Việc mở cửa cho người dân du lịch ngoài việc tạo nguồn thu còn mang tới những ý nghĩa tích cực, tác động sâu sắc tới cộng đồng, nhất là giới trẻ về ý thức bảo vệ rừng.
Tại vườn quốc gia Bù Gia Mập, lợi thế là sự đa dạng hiếm có của dải đất trải dài qua nhiều địa tầng; có sự thay đổi đáng kể về khí hậu, hệ động thực vật trong rừng. Nếu dành vài ngày cuối tuần khám phá nơi đây, du khách có thể cảm nhận rõ ràng. Bởi khi bắt đầu ở cửa rừng, du khách có thể dễ dàng cảm nhận cái nắng nóng “nung người” của biên giới miền Đông đất đỏ nhưng càng đi sâu vào rừng, khí hậu càng mát mẻ hiền hòa. Dù không lạnh như Đà Lạt nhưng khu vực này cũng rất mát mẻ. Vào buổi chiều, khí hậu trong rừng không khác gì Bảo Lộc.
Hiện tại, du lịch tới vườn quốc gia Bù Gia Mập khá dễ dàng. Có nhiều hãng lữ hành với các tour thiết kế sẵn để bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận phần nào vẻ đẹp nơi đây. Đó là vẻ đẹp của những cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, những tảng đá nằm ven thác, bên bờ suối nước chảy ầm ào vào mùa mưa.
Ở đây, suối và thác là “đặc sản” như những mạch máu chằng chịt, lúc sâu thẳm giữa rừng già, lúc lại trườn lên giữa thảo nguyên bằng phẳng. Suối và thác ở đây không dựng đứng, chảy ầm ào như Tây Nguyên mà êm đềm, len lỏi, nhẹ nhàng quyến luyến. Những người bạn kiểm lâm của tôi bảo không có gì đẹp bằng rừng già vào mùa mưa. Đây là lúc cả trời đất chuyển mùa. Những đại thụ hàng trăm năm tuổi dường như cũng chuyển mình. Những ai từng gắn bó với rừng trong nhiều năm sẽ cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi này, thậm chí là từng ngày trong rừng. Càng đi sâu vào rừng, sự thay đổi càng rõ nét và dễ nhìn thấy, cảm nhận được.
Đi tìm thế giới linh trưởng
Theo chân những người kiểm lâm, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Bù Gia Mập với mong muốn có thể tận mắt bắt gặp những loài động vật hoang dã. Sau khi di chuyển hơn 10 cây số bằng xe máy trên đường 14C, tới chốt bảo vệ Tre Gai chúng tôi rẽ vào một con đường đất đỏ đi ngược lên phía Đắk Nông. Ngoài một vài đoạn có suối chảy qua phải lội bộ, dắt xe thì chạy xuyên rừng khá dễ dàng.
Mùa này rừng ẩm thấp và mát mẻ. Càng đi sâu vào rừng, âm thanh của đại ngàn càng rõ. Đó là tiếng của những loài vượn hú phía xa xa. Vì chúng tôi di chuyển bằng xe máy nên rất khó để tận mắt thấy được chủ nhân những tiếng hú đó bởi chúng thường trốn rất nhanh.
Đi khoảng 3km, chúng tôi dừng lại để ngắm những thảm rừng đang sinh sôi mùa mưa. Rất nhiều loại nấm mọc lên từ các gốc cây, thân cây, dưới đất. Các anh kiểm lâm bảo, nấm ở rừng xuất hiện nhiều vào mùa mưa và kinh nghiệm là nấm màu càng đẹp thì càng không nên ăn. Chỉ có thể ăn những loại nấm có màu nâu, xám, đen nhìn xấu xí.
Tiếp tục chạy xe, chúng tôi gặp thêm mấy con suối nhỏ vắt ngang đường. Nước suối rất trong. Ở đây dường như không còn dấu vết của con người. Tiếng vượn hót nhiều và gần hơn. Những đàn linh trưởng di chuyển rất nhanh, ẩn trong tầng tầng cây rừng khiến mắt thường khó thấy. Đi thêm một đoạn đường nữa, chúng tôi dừng lại để ẩn mình vào núi rừng, quan sát và chờ đợi các loài linh trưởng xuất hiện. Đây là nơi nhiều khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ mặt chó… và đặc biệt là voọc chà vá chân đen - loài quý hiếm trong Sách đỏ - thường xuất hiện.
Khu vực này có thảm rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới rộng lớn nên được coi là “nhà” của nhiều loài linh trưởng. Chúng sinh sống, kiếm ăn, tìm bạn tình và ẩn nấp ở đây nhiều năm, với số lượng vài trăm con nên dạn dĩ với con người. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải sử dụng ống nhòm chuyên dụng để quan sát được chúng kỹ hơn vì thảm lá rừng ken dày, chằng chịt.
Thế nhưng, ngoài một vài loài động vật có thể được nhìn thấy một cách tình cờ, hầu hết các loài động vật hoang dã ở đây chỉ có thể nhìn thấy một cách may mắn, chủ yếu vào ban đêm, hay nói như những người bạn kiểm lâm của tôi là phải “có duyên” với rừng mới gặp được chúng. Các anh bảo, ngay cả kiểm lâm, gắn bó nhiều năm và thường xuyên tuần tra trong rừng cũng không dễ dàng bắt gặp các loài động vật quý hiếm này. Bởi lẽ hầu hết thú rừng đều rất sợ con người. Chúng thường nhận biết, phát hiện ra con người và trốn trước khi con người phát hiện ra chúng.
Tuy nhiên, các anh cũng đôi lần bắt gặp chúng, thậm chí có thể “lập một bản đồ” khu vực có những loài động vật nào sinh sống, hay tới khu vực nào để tìm thức ăn, bạn tình mùa sinh sản… dựa trên nhiều “tín hiệu” của muông thú chứ không hẳn phải tận mắt thấy chúng.
Hiện nay, ở vườn quốc gia còn có tour ban đêm dành cho du khách khám phá rừng và quan sát thú rừng. Dù vậy, không phải ai cũng may mắn để tận mắt thấy được cuộc sống sinh động của các loài động vật hoang dã này trong tự nhiên. Thỉnh thoảng, những hình ảnh mà du khách bắt gặp thường là nai, hươu, bò rừng, bò tót, vượn, gà rừng, tắc kè, bướm… Còn những loài động vật quý hiếm, phần vì số lượng ít, phần vì sống trong rừng sâu, con người khó tiếp cận được.
Ngoài ra, các chuyến đi ngắm thú rừng ban đêm cũng tốn nhiều thời gian công sức nên chỉ dành cho một số ít người thực sự yêu thích và đam mê tìm tòi. Các anh cũng cho biết thời điểm dễ bắt gặp các loài thú ở Bù Gia Mập nhất chính là mùa mưa. Trong đó, một số loài linh trưởng tinh khôn thường xuyên xuất hiện theo đàn để tìm thức ăn, bạn tình. Chúng di chuyển rất nhanh trên những cành cây cao, có khi phải sử dụng những thiết bị công nghệ tiên tiến mới có thể ghi lại được hình ảnh của chúng.
Rừng già đã có cả triệu năm nhưng mùa muông thú sinh sôi chỉ vài tháng như một món quà dành cho ai may mắn và yêu thích màu xanh. Món quà ấy ẩn sâu trong tầng tầng lớp lớp cây rừng, như một thế giới vừa nhỏ bé vừa rộng lớn, vừa gần gũi vừa hoang dã, vừa hư vừa thực không dễ gì bắt gặp.
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()