Tất cả chuyên mục

Nhằm dễ bề đàn áp, chống phá cách mạng ta, sau khi quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, đầu năm 1947, thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại đã cho lập ra cái gọi là Khu Nùng tự trị Hải Ninh và Khu Thái tự trị Tây bắc. Trong đó, Khu Nùng tự trị Hải Ninh với Móng Cái là thủ phủ tồn tại từ năm 1947 đến năm 1954, khi ta tiếp quản thì giải tán...
Tại Bảo tàng Quảng Ninh hiện còn lưu giữ một bản tài liệu bằng chữ Hán có tên gọi “Hải Ninh tự trị Nùng khu địa lý đồ lược chí” (Lược chí địa lý Khu tự trị Nùng Hải Ninh) dày 17 trang, do “Chính phủ khu Nùng”(!) xuất bản và do đích thân viên quan năm Voòng A Sáng - người đứng đầu “Chính phủ” này, biên soạn. Đây là bản tái bản lần hai sau lần đầu xuất bản ngày 1-6-1949. Theo bản dịch tài liệu trên của cố nhà giáo Nguyễn Thanh Dân thì diện tích đất đai toàn “Khu tự trị Nùng” khi đó ước 4.500km2, nhân khẩu ước khoảng 12 vạn (thời điểm 1949), gồm người Nùng, kế đến là người Dao, người Việt, người Thổ. Khu Nùng có 8 huyện là Móng Cái, Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Cửa Tiên Yên (gồm phần Mũi Chùa và một phần đảo Cái Bầu hiện nay), Bình Liêu, Đình Lập (nay thuộc Lạng Sơn), Ba Chẽ, thiết chế dưới cấp huyện là tổng và xã. Móng Cái là thủ phủ của khu Nùng, nhân khẩu ước khoảng 1 vạn người.
Về tổ chức hành chính, tất cả các mặt hành chính, trị an, tư pháp của khu tự trị đều do Voòng A Sáng, Chủ nhiệm khu, nắm giữ. Voòng A Sáng cùng với quan cố vấn Pháp cấp tỉnh điều hành mọi hoạt động của khu. “Chính phủ” của Voòng A Sáng còn lập ra Nghị viện tỉnh, Uỷ ban hành chính khu; mỗi huyện thành lập Huyện nghị hội; mỗi xã tổ chức hành chính dựa trên tập quán địa phương. Về tổ chức tư pháp, Voòng A Sáng và quan thầy Pháp lập ra Toà án tối cao, Toà án cấp hai và Toà án sơ cấp. Trong đó, Toà án tối cao do đích thân Voòng A Sáng cùng quan cố vấn Pháp và một “dân biểu” nắm quyền điều hành. Về quân sự, Voòng A Sáng xây dựng nên lực lượng cảnh vệ dù liên hiệp với quân biên phòng Pháp, gọi là quân chính quy và quân đội dân phòng là quân tự vệ trị an của địa phương.
Theo tài liệu trên, vào những năm 1949-1950, trồng lúa vẫn là nghề phổ biến nhất ở khu tự trị Nùng, tập trung ở Hà Cối, Đầm Hà. Các vùng Tiên Yên, Bình Liêu, Hà Cối trồng nhiều mía, lạc; Tấn Mài, Thán Phún trồng nhiều quế; Đình Lập, Na Húc trồng hồi. Bình Liêu nuôi rất nhiều tằm. Ở Móng Cái nổi tiếng nhất có nghề làm gốm sứ (có 13 lò), sau phát triển nghề làm diêm, thuộc da, đóng thuyền. Các đảo Trà Cổ, Vĩnh Thực, Thanh Mai có nghề đánh cá rất phát triển. Hàng hoá nhập vào Khu tự trị Nùng có thóc gạo, đồ uống, đồ hộp, dầu hoả, xăng, vôi sống, xi măng. Hàng hoá của Khu xuất ra có lợn, gà, vịt, gia vị, vải, đồ sứ, giấy dó, hồi, quế, tre gỗ…
Liên quan đến Khu tự trị Nùng, trong cuốn Một thời chinh chiến tập III, do Ban liên lạc kháng chiến liên tỉnh Quảng Yên - Hồng Gai - Hải Ninh xuất bản tháng 10-2013, trang 211 và trên Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 12-9-2013, ông Diêu Nhật Thăng, nguyên là liên lạc viên thuộc Chi tình báo Hải Ninh, đã kể lại câu chuyện thú vị. Giữa năm 1948, ông Nhị Quý, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh, đã chỉ đạo ông Hoàng Mậu Thành (Đại biểu Quốc hội khoá I, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh Hải Ninh, em họ Voòng A Sáng) viết thư vận động Voòng A Sáng về với nhân dân. Nội dung thư đại ý khuyên nhủ A Sáng nếu chưa có thời cơ về với cách mạng thì cũng đừng gây thêm tội ác với nhân dân... Lá thư đã được ông Thăng khéo léo đặt vào rổ thức ăn của vợ Voòng A Sáng khi bà này trên đường từ chợ về nhà. Hẳn Voòng A Sáng nhận được lá thư đã có tác động tích cực, bởi một thời gian sau, trong trận Tổ tình báo và lực lượng nội ứng của ta tập kích vào Móng Cái ngày 27-3-1949 giải vây cho 11 chiến sĩ bị bắt, quân của Voòng A Sáng hầu như đã “án binh bất động” để quân ta “rảnh tay” giải quyết số lính Âu-Phi.
Theo nhiều tài liệu, sau khi ta tiếp quản Hải Ninh, Voòng A Sáng đã di cư vào Nam “đầu quân” cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn, làm đến chức Tư lệnh sư đoàn, rồi Nghị sĩ thượng nghị viện (1967). Cuối đời, Voòng A Sáng đã ra nước ngoài sinh sống...
Trần Minh
Ý kiến (0)