Tất cả chuyên mục

Nhằm kịp thời khuyến khích, động viên, hỗ trợ cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), Chính phủ đã ban hành một số chế độ phụ cấp thu hút những đối tượng này. Tuy nhiên, khi triển khai đã nảy sinh một số thắc mắc. Nhằm làm rõ hơn về việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đăng Hợp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT.
- Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng ĐBKK, đồng chí có thể nói đôi điều về chính sách này?
+ Chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên vùng ĐBKK đang được áp dụng thực hiện theo một số văn bản hiện hành. Theo đó, các đối tượng được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi khác, trong đó có chế độ phụ cấp thu hút bao gồm: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong biên chế hoặc đang trong thời gian tập sự hay đang hợp đồng, hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không thuộc biên chế Nhà nước hoặc đang trong thời gian tập sự hay hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu hợp pháp không thuộc ngân sách nhà nước.
Những đối tượng được điều động đến công tác hoặc hiện đang công tác tại vùng ĐBKK sẽ được hưởng phụ cấp bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Theo điều 9, Nghị định 61, thời hạn luân chuyển là 3 năm đối với nữ, 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển công tác đến vùng ĐBKK. Hoặc, tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
- Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, có không ít người đã quá thời gian công tác tại vùng ĐBKK (3 năm đối với nữ, 5 năm đối với nam như ông vừa nêu), nhưng chưa được luân chuyển. Vì vậy, có một số ý kiến hỏi rằng liệu những trường hợp như vậy có tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút nữa hay không?
+ Nghị định số 19 ra đời đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng ĐBKK. Theo đó, khoản 3, điều 8 của Nghị định 19 có nêu rõ: Những cán bộ, giáo viên đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển công tác đến vùng ĐBKK thì họ sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Tuy nhiên, những người này lại thôi không được hưởng phụ cấp công tác lâu năm tại vùng ĐBKK, quy định tại điều 5, Nghị định số 116.
Việc xác định đối tượng thuộc diện luân chuyển có thời hạn đến vùng ĐBKK được hưởng phụ cấp tại Nghị định số 19 căn cứ vào thời hạn luân chuyển ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Cũng có những trường hợp, văn bản quyết định của cơ quan có thẩm quyền không ghi rõ thời hạn luân chuyển. Vậy, chế độ phụ cấp thu hút dành cho trường hợp này được tính thế nào? Thêm nữa, những đối tượng nghỉ sinh hoặc được cử đi học thời gian hơn 3 tháng nhưng thực tế vẫn tham gia giảng dạy ở trường thì có được hưởng phụ cấp thu hút hay không?
+ Đối với trường hợp không ghi rõ thời hạn luân chuyển trong quyết định, chế độ phụ cấp thu hút sẽ được thực hiện theo đúng quy định tại điều 9, Nghị định 61 như đã nói ở trên. Tuy nhiên, để tránh thiệt thòi cho cán bộ, nhà giáo trong việc vận dụng thực hiện chế độ chính sách theo Nghị định số 19, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo và đề nghị một số Phòng GD-ĐT hiện có vướng mắc tham mưu với cấp có thẩm quyền khi ban hành quyết định luân chuyển phải ghi rõ thời hạn luân chuyển đối với cán bộ, nhà giáo.
Những cán bộ, nhà giáo nghỉ sinh theo đúng thời gian quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn được tính hưởng chế độ phụ cấp thu hút. Còn cán bộ, giáo viên được cử đi học thời gian hơn 3 tháng nhưng thực tế vẫn tham gia giảng dạy ở trường thì đơn vị vẫn tính hưởng phụ cấp thu hút.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Anh (thực hiện)
![]() |
Ý kiến ()