Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:21 (GMT +7)
Vẻ đẹp của các tác phẩm văn học thiếu nhi
Thứ 4, 10/05/2023 | 10:07:35 [GMT +7] A A
Mảng văn học nước ngoài dành cho thiếu nhi hiện nay ngày càng phong phú và mới mẻ, với nhiều lựa chọn từ các nền văn học khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng những tác phẩm văn học kinh điển cho tuổi nhỏ vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ của mình, khi song hành cùng nhiều thế hệ, từ cha mẹ truyền cho con cái.
Sách cho trẻ nhỏ ngày nay có nhiều lựa chọn, từ sách khoa học, kỹ năng, kiến thức cho đến sách văn học, giải trí. Mỗi đơn vị làm sách lại chịu khó tìm tòi, kết nối để mỗi năm lại đem về những đầu sách mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Dòng văn học thiếu nhi nước ngoài được chuyển ngữ và phát hành ở Việt Nam đang ngày càng phong phú, từ những tác phẩm văn học kinh điển trước đây như “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, “Tâm hồn cao thượng”, “Những đứa trẻ đường tàu”, “Ngựa ô yêu dấu”, “Totto-chan cửa sổ”, “Hoàng tử bé”…, cho đến những tác phẩm rất được trẻ em hiện nay yêu thích như “Pippi tất dài”, “Cây cam ngọt của tôi”, “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh”, “Chiến binh cầu vồng”…
Điều gì làm nên sự hấp dẫn và sức sống lâu bền của những tác phẩm văn học thiếu nhi này?
Theo nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoàng Anh, các tác phẩm văn học thiếu nhi có sự kết nối giữa các thế hệ khi cả người lớn và trẻ nhỏ đều tìm thấy niềm vui trong đó. Trẻ nhỏ thấy vui, còn người lớn thấy được những chiêm nghiệm từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mình.
“Đó chính là lý do ở mỗi lứa tuổi, khi đọc lại một tác phẩm quen thuộc lại thấy những cảm nhận khác nhau, bởi vì qua năm tháng, cuộc sống cho chúng ta những trải nghiệm mới để đồng cảm, để nhận ra được những thông điệp hay ý nghĩa từ trong cuốn sách. Chính vì vậy, có những cuốn sách đi cùng và gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ độc giả” – Tác giả Phạm Thị Hoài Anh nói.
Ngôn ngữ cũng là điều gắn kết nhiều thế hệ độc giả trong những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển. Biên tập viên Nguyễn Giang Linh (Trưởng phòng Sách thiếu nhi Nhã Nam) cho rằng, những tác phẩm văn học thiếu nhi đem đến cho độc giả nhỏ tuổi cái nhìn rộng mở hơn về thế giới, nhân sinh quan lớn hơn thông qua ngôn ngữ.
Nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh cũng cho rằng, ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học thiếu nhi là một thế giới tuyệt vời, với ngôn từ rất đẹp, giàu cảm xúc, được trau chuốt và gửi gắm qua sự cân nhắc và chọn lựa của tác giả.
Thí dụ như Astrid Lindgren, tác giả cuốn “Pippi tất dài” là người kể chuyện xuất sắc, từng giành giải Nobel, bà đã đem vẻ đẹp của vùng đất Bắc Âu đến với cả thế giới. Hay Saint Exupery, tác giả của “Hoàng tử bé”, đã đề cập đến vụ rơi máy bay trên sa mạc mà ông từng trải qua trong một số tác phẩm của mình, trong đó có “Hoàng tử bé”.
Nhiều tác giả khác cũng đã đưa những chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống của mình vào các tác phẩm cho trẻ em.
Hơn thế nữa, các tác phẩm văn học thiếu nhi vốn giàu cảm xúc, cho nên đem lại cho người đọc những rung động rất con người đối với thiên nhiên, với những điều đẹp đẽ chung quanh.
Những rung động này góp phần xây dựng tâm hồn cho bạn đọc nhỏ tuổi, giúp các em sống trọn vẹn với những cảm xúc của mình. Một tác phẩm chạm đến trái tim và cảm xúc thì sẽ gặp được nhiều sự đồng cảm.
Thế nhưng, thời hiện đại với rất nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn, đã khiến những cuốn sách dù là mới hay văn học kinh điển đều bị đẩy xuống lựa chọn sau các thiết bị giải trí điện tử.
Khó có thể phủ nhận một sự thật rằng, trẻ nhỏ hiện nay mê các trò chơi trên thiết bị điện tử hơn là sách. Chính vì thế, tạo sự tò mò, hấp dẫn và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ là một “cuộc chiến” đối với cha mẹ, đặc biệt là với các tác phẩm văn học, vốn dày dặn, nhiều chữ và không thể đọc nhanh.
Mách nước cho các phụ huynh cách “dẫn dụ” con bước vào thế giới của văn học thiếu nhi, nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh chia sẻ, ban đầu cha mẹ có thể đọc cùng con từng đoạn trong sách: “Cha mẹ đọc cho con nghe những đoạn trong sách là những trải nghiệm về ngôn ngữ rất tuyệt vời. Đứa trẻ sẽ cảm nhận vẻ đẹp của câu chuyện, của ngôn ngữ thông qua giọng đọc quen thuộc của cha mẹ mình, giúp trẻ tiến sâu vào câu chuyện dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bạn nhỏ cũng có thể cảm nhận được những cảm xúc, tình cảm thông qua giọng đọc của cha mẹ”. Cha mẹ cũng cần trao đổi với con ở những câu chuyện mà con chưa đủ độ tuổi để hiểu.
Cùng với nội dung câu chuyện, các chiều cảm xúc khác nhau cũng được mở rộng thông qua đọc sách. Chính vì thế, mở rộng đề tài sách cũng là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho phụ huynh khi đồng hành cùng con trong chặng đường đọc sách.
Dù câu chuyện vui hay buồn, tươi sáng hay âm u, đó cũng là một chiều cảm xúc để bạn đọc nhỏ tuổi cảm nhận và mở rộng biên độ cảm nhận của mình đối với nhiều vấn đề trong thực tế cuộc sống.
Mùa hè sắp tới với rất nhiều dự định dành cho các bạn nhỏ, và những cuốn sách là hành trang không thể thiếu trong kỳ nghỉ dài của các em.
Để sách là “bạn đồng hành” cùng con, điều quan trọng cha mẹ cần làm là giúp con tìm thấy vẻ đẹp của sách, điều mà các tác phẩm văn học thiếu nhi vẫn đang miệt mài xây dựng qua nhiều thế hệ cho đến nay.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()