Tất cả chuyên mục

Đỗ Khắc Chung là quan chức cao cấp của triều Trần, do có nhiều công lao trong việc nội trị và ngoại giao của triều đình nên ông là một trong số ít người ngoại tộc trong lịch sử được ban quốc tính...
Đỗ Khắc Chung (1247-1330) sinh ngày 24 tháng 11 năm Đinh Mùi (1247) ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, lộ Hải Dương (nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Phụ thân ông là Đỗ Nhuận, mẫu thân là Vũ Thị Hương, đều là người làng Cam Lộ, đều vốn làm nghề thầy thuốc. Đỗ Khắc Chung thi đỗ Bảng nhãn dưới thời vua Trần Thánh Tông và làm quan triều Trần trong thời gian 50 năm dưới ba triều vua Trần Nhân Tông (từ 1280-1293), Trần Anh Tông (từ 1293-1314), Trần Minh Tông (từ 1314-1329). Vua Thánh Tông cho Khắc Chung giữ chức Chi hậu cục thủ, chức vụ chuyên lo việc văn thư bút mực cho vua. Tháng 10, năm Mậu Dần (1278), vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Khâm (tức vua Nhân Tông) để lên làm Thái Thượng hoàng. Vua Nhân Tông thấy Khắc Chung có kiến thức rộng, ăn nói hoạt bát nên phong thêm chức Nhập nội Giảng quan. Nhiệm vụ mới của Khắc Chung là đọc và giảng kinh sử trong cung cho hoàng hậu, các hoàng phi và các công chúa nghe. Thời gian đánh dấu sự kiện quan trọng trong bước ngoặt cuộc đời ông là vào năm 1285 khi được giao nhiệm vụ làm Sứ giả sang nhà Nguyên để cầu hoà trong thời điểm quân dân nhà Trần đang chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2. Đại Việt sử ký toàn thư trích đoạn: “…Ất Dậu, năm thứ 7 (1285) (từ tháng 9 trở đi là năm Trùng - hưng thứ 1; Nguyên Chí - nguyên thứ 22). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 6, Ô Mã Nhi nhà Nguyên đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quan quân chạy tan vỡ.
![]() |
Bia đá đời Trần ban quốc tính cho Đỗ Khắc Chung (tại Yên Đức, Đông Triều). |
Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát” bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: “Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi”. Vua mừng, nói rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!” Rồi sai đem thư xin giảng hoà. Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung: “Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: “Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?”. Khắc Chung nói: “Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người”. Ô Mã Nhi nói: “Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát”. Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”. Sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp”. (Chích là một tên trộm và Nghiêu là một vị vua sáng, cả hai đều rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại).
Với chiến tích đi cầu hoà với quân Nguyên, đến năm 1289, triều đình xét thưởng công trạng, ban quốc tính cho người có công lớn, trong đó có Khắc Chung, Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: “Mùa hạ, tháng 4, bàn xét công dẹp giặc Nguyên, tiến phong Hưng Đạo vương làm Đại vương, Hưng Võ vương làm Khai quốc vương, Hưng Nhượng vương làm Tiết độ sứ. Người nào có công to thì ban quốc tính, Khắc Chung được dự, lại cho làm Đại hành khiển…”. Là quan chức cao cấp của triều Trần, do có nhiều công lao trong việc nội trị và ngoại giao của triều đình nên được ban quốc tính họ Trần. Ngoài ra ông còn được phong một số chức tước: Đại an phủ Kinh sư (người đứng đầu cai quản Kinh sư), Nhập nội Đại hành khiển năm 1303, Tả phụ (Tể phụ) - tước quan Phục hầu, năm 1313; được ban tước Á quan nội hầu, giữ chức Hành khiển, năm 1321; tước Quan nội hầu, đến năm 1326 vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo (tể tướng). Được triều đình giao cho một số trọng trách quan trọng như đi cứu công chúa Huyền Trân bên Chiêm Thành năm 1307, đảm nhận việc dạy Thái tử ở Đông Cung và sau là vua Trần Minh Tông. Khắc Chung được vua Trần gả cho công chúa Bảo Hoàn và ban điền trang thái ấp tại trang Ma Liêu, vùng núi Thiên Liêu (xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay).
Đỗ Khắc Chung (Trần Khắc Chung) đứng trong hàng ngũ quan văn, ông còn tham gia trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, là người tu theo đạo Phật, môn phái Thiền tông. Ông được coi là một trong những bậc danh tướng của nước nhà.
Nguyễn Trung Dũng
(BQL các Di tích trọng điểm Quảng Ninh)
Ý kiến (0)