Tất cả chuyên mục

Khi mùa hè tới, khách du lịch từ bốn phương đổ về Hạ Long để được đầm mình trong làn nước biển xanh trong, thì tôi lại “len lén” nhớ biển Quỳnh Phương quê ngoại, nơi đất biển đại dương lộng gió và nắng...
Quỳnh Phương là một xã nằm sát biển của huyện Quỳnh Lưu, huyện cửa ngõ của tỉnh Nghệ An trên con đường từ Bắc vào Nam. Theo Quốc lộ 1A, qua huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá), đến thị trấn Hoàng Mai thì có đường rẽ về Quỳnh Phương. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu tiên được theo bố mẹ về Quỳnh Phương thăm ông bà ngoại, con đường đi vào còn đầy khó khăn, đoạn đất lầy, đoạn bê tông đã nát. Nhưng những lần sau, cứ hè lại được về Quỳnh Phương, thấy mọi thứ thay đổi nhanh đến lạ. Con đường liên xã từ Quốc lộ vào đến xã đã đổ bê tông và trải thảm nhựa khang trang, đủ 2 làn xe ô tô tránh nhau dễ dàng. Mảnh đất nghèo ven biển cũng dần dần thay da đổi thịt...
Đến Quỳnh Phương là nhắc đến Đền Cờn, toạ tại làng Phương Cần. Đền nằm sát cửa biển Lạch Cờn, giữa một hình thế non nước hữu tình. Đền có đền chính (đền trong) và đền phụ (ngoài cửa biển). Đền Cờn là một trong bốn đền linh thiêng nhất Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Từ xưa thần phả đền Cờn đã ghi rõ: “Quốc gia Nam hải đại cần thánh nương tứ vị thượng đẳng lối linh tôn thần”. Đền có kiến trúc cổ: Có nghinh môn, trung điện, hạ điện, hậu cung, toà ca vũ. Sau Đền trong có hai đồi nhỏ nhô cao, giăng dài ra hai bên như cánh phượng. Tại hai đồi có hai giếng nước, theo truyền thuyết thì đó là mắt phượng. Bên phải là dòng Mai Giang, phía trước đền là núi Voi, núi Xước và sau lưng là Đền ngoài quay mặt ra biển, sừng sững đón, che chở cho những chiếc thuyền khơi xa lắm tôm nhiều cá, cho những người con xứ biển chân cứng đá mềm trở về bình an.
![]() |
Biển Quỳnh Phương. |
Trải qua mưa nắng thiên nhiên, thăng trầm của lịch sử, Đền có thời gian chỉ còn lại nghinh môn và toà ca vũ. Mới đây, ngôi đền được tu sửa lại gần theo nguyên gốc. Năm 1993 Đền Cờn đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Trong Đền còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, đồ tế khí có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng. Đền Cờn, với những câu chuyện linh thiêng được lưu truyền trong nhân dân, với lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đang ngày càng thu hút du khách thập phương về đây tham quan, nghiên cứu và sinh hoạt tín ngưỡng. Lễ hội Đền Cờn ngày nay diễn ra từ 19 đến 21 Âm lịch hàng năm, với các nghi lễ: Rước kiệu từ Đền trong ra Đền ngoài và rước kiệu từ Đền ngoài vào Đền trong (hai đường thuỷ - bộ), đại lễ tại Đền trong; các trò chơi dân gian; các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ… luôn thu hút rất đông du khách thập phương về tham dự.
Về Quỳnh Phương là về với biển, nên thật thiếu sót khi không kể về biển Quỳnh Phương. Cùng một số xã khác của huyện Quỳnh Lưu (như Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng và Quỳnh Nghĩa…), Quỳnh Phương may mắn được thiên nhiên ưu đãi cho bãi biển đẹp, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển. Bãi cát vàng trải dài hơn 2km với rặng phi lao xanh ngắt phía sau đem đến cho biển Quỳnh Phương vẻ đẹp ít nơi có. Không giống như những vùng biển khác đã bị cơn lốc du lịch quét qua, biển Quỳnh Phương vẫn còn giữ được những nét đẹp hoang sơ dễ đắm lòng người.
Sáng sớm, bạn có thể đi chân trần dạo bộ trên bãi biển. Nước triều rút đi để lộ ra bãi cát rộng mênh mông, thoải dần chứ không dốc, cát mịn ôm lấy từng kẽ ngón chân. Sẽ thú vị hơn nếu hôm nào sóng yên biển lặng, bạn gặp những ngư dân kéo dùng (một loại lưới đánh ven bờ) trên bãi. Mỗi mẻ lưới kéo lên mang theo cơ man các loại hải sản be bé nhưng tươi sống, giá bán ngay tại bãi lại rất rẻ, sẽ có ngay một bữa hải sản “thập cẩm” làm đồ ăn sáng cho bạn và người thân.
Chiều đến, khi ánh mặt trời bớt gắt, hãy quay trở lại bãi biển, bạn sẽ thấy yêu biển Quỳnh Phương ngay từ cái nhìn đầu tiên, nước biển trong xanh màu của mây trời, sóng biển vào những hôm lặng gió lăn tăn nhẹ nhẹ. Còn nếu như gặp những hôm gió Lào, bạn cũng đừng lo, sẽ hiếm có nơi nào khác bạn được chơi trò “nhảy sóng” vui như ở đây. Những con sóng lô nhô ngoài xa, khi vào gần đến bờ bỗng chồm lên cao quá đầu người nhưng không hề dữ tợn. Đứng trên nền cát mịn nhún nhẹ chân để sóng đánh bạn đi, chắc chắn bạn sẽ được tận hưởng cảm giác “bay” trong làn nước mát. Gặp những con thuyền nhỏ chạy quanh bãi biển ư? Thuyền đánh ruốc (một loại sinh vật giống như con tép biển, người Nghệ An gọi là con moi) đấy! Cứ thử bơi ra, xin lên thuyền, bạn sẽ bất ngờ trước “kĩ thuật” đánh bắt loài hải sản nhỏ có một không hai của ngư dân nơi đây. Biết đâu bạn còn cởi áo, tháo mũ, ôm về một mớ tép tươi xanh, trong ngần; hấp lá chanh cùng vài lát khế chua là cả nhà có một bữa bia tuyệt vời…
Minh Hà
Ý kiến (0)