Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:47 (GMT +7)
Về tạo nguồn kinh phí hoạt động cho đội Than Quảng Ninh
Thứ 2, 28/06/2021 | 09:28:32 [GMT +7] A A
Đội bóng đá Than Quảng Ninh (tiền thân là Đội bóng đá Công nhân Hồng Quảng) có bề dày thành tích đáng tự hào từ ngày thành lập và hiện đang ở trong top đầu của bóng đá đỉnh cao toàn quốc với thành tích giành Cúp Quốc gia năm 2016, HCĐ tại V.League 2019...
Từ năm 2014, sau khi được thăng hạng V.League, CLB Bóng đá Than Quảng Ninh (TQN) được tỉnh bàn giao cho Công ty CP Khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang và Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh quản lý, TKV là đơn vị tài trợ chính. Từ năm 2020 TKV không tài trợ, nên trước mùa giải 2021, CLB Bóng đá TQN vì thiếu kinh phí đã phải để một loạt cầu thủ trụ cột và HLV Phan Thanh Hùng ra đi. Mặc dù xảy ra nhiều sự cố, như VĐV đình công khi bị nợ lương, thưởng..., nhưng khi UBND tỉnh làm việc với CLB, đội bóng Đất mỏ đã thi đấu khởi sắc, sau 12 vòng đấu giành được 19 điểm, hiện xếp thứ 3/14 đội khi V.League 2021 chỉ còn 1 vòng đấu cuối cùng ở giai đoạn 1 phải hoãn lại vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, phương án vận hành, quản lý Đội bóng đá TQN, trọng tâm là chưa tìm được nguồn kinh phí ổn định để Đội hoạt động (VĐV bóng đá tuyến trẻ TQN, tỉnh đã chi kinh phí riêng để đào tạo), dẫn tới nhiều khó khăn cho Đội trong mùa giải V.League 2021 đang diễn ra. Trong bài viết này xin có ý kiến nhỏ về vấn đề lớn là tạo nguồn kinh phí hoạt động cho Đội bóng đá TQN.
Kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh…
Về mặt pháp lý, CLB Bóng đá TQN không thuộc sở hữu của tỉnh (hiện CLB là một tổ chức xã hội hóa thuộc doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh và là một cổ đông của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF...). Vì vậy, theo quy định, tỉnh Quảng Ninh không được phép sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả lương, thưởng cho các cầu thủ đội TQN. Điều này không sai với các văn bản hiện hành của Nhà nước, nhưng nếu hiểu rộng hơn về khái niệm xã hội hóa
thể thao là “việc huy động mọi nguồn lực của xã hội, nhà nước và nhân dân cùng làm) để phát triển sự nghiệp thể thao với tiêu chí phục vụ sức khoẻ nhân dân” thì việc dùng kinh phí nhà nước từ nguồn ngân sách của tỉnh chi cho các hoạt động TDTT không phải là điều mới lạ như một số địa phương trong nước đã làm. Vấn đề là chi như thế nào để không trái với “lệ làng, phép nước”...
Ở Vùng mỏ Quảng Ninh, cùng với bóng chuyền nữ, bóng đá nam TQN là một trong 2 môn thể thao truyền thống, gắn bó máu thịt trong đời sống văn hóa tinh thần, là niềm tự hào, “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân Đất mỏ từ nhiều thập kỷ nay. Từ những ý nghĩa đó, để duy trì và phát triển môn thể thao truyền thống là bóng chuyền nữ, Sở VH&TT đã xây dựng Đề án và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 223/2015/NQ- HĐND về việc ban hành chế độ, chính sách đặc thù đối với Đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và được bổ sung tại Nghị quyết số 312/2020/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HLV, VĐV, nghệ nhân và Đội bóng chuyền nữ hạng đội mạnh quốc gia tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Trong đó quy định mức chi cho HLV trưởng Đội bóng chuyền nữ lên tới 20 hệ số lương cơ bản, các VĐV đội hình chính từ 10 đến 15 hệ số lương cơ bản. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành TDTT, Đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh từ đội luôn phải đi “chung kết ngược” để giữ hạng ở giải VĐQG, nay là đội bóng có thế lực trong làng bóng chuyền đỉnh cao toàn quốc.
Câu hỏi đặt ra là Sở VH&TT sao không “theo bước” bóng chuyền nữ khi bóng đá nam đã hội tụ đủ tiêu chí là môn thể thao đặc thù ở Vùng mỏ, làm quy trình, đề án để HĐND tỉnh thông qua nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng, duy trì và phát triển “giá trị văn hóa tinh thần” của người dân Đất mỏ là bóng đá nam. Nhìn rộng ra, một số tỉnh, thành phố trong nước, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã và đang dùng ngân sách nhà nước chi cho các đội bóng đá đang thi đấu ở V.League, hạng nhất quốc gia...; điển hình là TP Hải Phòng từ năm 2015 đến nay trung bình mỗi năm ngân sách thành phố chi 40 tỷ đồng (năm 2021 là 50 tỷ đồng) cho đội bóng đá nam Hải Phòng thi đấu ở V.League.
Xây dựng được đề án này chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn bóng chuyền nữ, khi mà bóng đá nam có số lượng VĐV nhiều hơn, chế độ dinh dưỡng cao hơn, thêm kinh phí mua cầu thủ nước ngoài..., nhưng chí ít cũng tạo được nguồn kinh phí cơ bản để Đội bóng đá TQN yên tâm thi đấu.
Kinh phí từ nguồn tài trợ chính là TKV
Sau ngày thành lập tỉnh (năm 1963) Đội bóng đá nam Công nhân Hồng Quảng được đổi tên là Đội bóng đá TQN, do ngành Than trực tiếp quản lý. Đến năm 1989 do khó khăn về kinh tế, ngành Than trả lại đội bóng đá nam và đội bóng chuyền nữ về cho tỉnh... Đến năm 1997 Đội bóng đá TQN được tái lập, chuyển về các doanh nghiệp ngành Than quản lý. Năm 2014, sau khi thăng hạng V.League, Đội được tỉnh bàn giao cho Công ty CP Khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang và Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh quản lý. Qua bao thăng trầm, biến động, cái tên “TQN” đã ghi nhận, ăn sâu vào tâm khảm của mọi người hâm mộ bóng đá Vùng mỏ. Bây giờ, vì lý do nào đó đội bóng đá mang tên mới, bỏ chữ “TQN” chắc chắn sẽ gây nên sự hụt hẫng, tiếc nuối của bao thế hệ người dân Vùng mỏ.
Từ 2 năm nay (2020- 2021) vì nhiều lý do, TKV không tài trợ cho Đội bóng TQN. Được biết, trong cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp có hạn mức chi phí từ 20-40% giá thành cho công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của mình. Vì vậy, việc Đội bóng đá mang tên TQN đi thi đấu ở các vùng miền, được cả nước và quốc tế biết đến, cũng là hình thức tuyên truyền, quảng bá “chất lượng cao” cho ngành Than, chưa kể các biển quảng cáo cho Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên ở các SVĐ. Ngoài ra, nguồn kinh phí từ Quỹ phúc lợi từ Tập đoàn đến các doanh nghiệp thành viên cũng là con số không nhỏ khi chúng ta trích quỹ tài trợ cho đội TQN và đổi lại vận động CBCNV-LĐ trong ngành Than được đi xem (miễn phí) các trận đấu có đội TQN thi đấu. Hằng năm Tập đoàn vận động Công đoàn ngành Than và các doanh nghiệp xây dựng các tua, tuyến du lịch, nghỉ dưỡng (kết hợp với lịch thi đấu của đội TQN) đến những địa điểm trong nước và nước ngoài có đội TQN thi đấu để vừa tham quan du lịch, vừa được động viên cổ vũ đội bóng...
Kinh phí từ các doanh nghiệp, ban ngành và mạnh thường quân…
Để có phương án quản lý lâu dài, bền vững cho Đội bóng đá TQN còn cần sự chung tay của các doanh nghiệp, ban ngành, đơn vị, nhà hảo tâm (mạnh thường quân), Hội Cổ động viên Đội bóng đá TQN.
Trong những lúc Đội khó khăn nhất, chúng ta ghi nhận sự quan tâm của các đơn vị, người dân ủng hộ cho đội bóng. Ngoài tiền thưởng của UBND tỉnh, sự ủng hộ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh..., những người chơi hoa Lan của Vùng mỏ đã tặng Đội bóng hàng tỷ đồng; có vợ chồng công nhân về hưu đã tặng Đội bóng 2 tháng lương hưu. Những hành động và nghĩa cử đó đã chạm đến trái tim của đông đảo người hâm mộ với nguyện vọng duy trì và phát triển Đội bóng đá TQN, môn thể thao truyền thống, niềm tự hào của người dân Đất mỏ.
Vừa qua, Sở VH&TT cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có buổi làm việc tìm giải pháp tháo gỡ, phương án vận hành, quản lý Đội bóng đá nam TQN. Hy vọng với sức mạnh tổng hợp từ tỉnh, ngành Than, của các doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh, Đội bóng đá TQN sẽ có nguồn kinh phí ổn định để tham gia mùa giải V.League 2021 đang diễn ra và những mùa giải tới.
Phạm Hải Hòa (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()