Tất cả chuyên mục

Tháng 7, xin về với mảnh đất đã trải qua cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa (28-6 đến 16-9-1972), về với Thành Cổ để cúi đầu lặng im trước từng cành cây, ngọn cỏ, để thả một bông hoa cho linh hồn những chàng trai, cô gái tuổi hai mươi trên dòng Thạch Hãn... Tới Quảng Trị vào những ngày này ai ai cũng không khỏi dâng một nỗi cảm phục và nghẹn ngào. Bởi Thành Cổ Quảng Trị như một nghĩa trang mà ở đó không có một ngôi mộ riêng cho một người. Thành Cổ Quảng Trị là một đài tưởng niệm và cũng là một nghĩa trang. Một nghĩa trang chung cho hàng vạn linh hồn. Bởi thế mà từng cành cây, ngọn cỏ nơi đây đều trở nên thiêng liêng và bất tử. Những người cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa nghẹn ngào...
![]() |
Du khách tham quan Thành Cổ Quảng Trị. |
Bất cứ một nghĩa trang nào trên đất nước ta đều có một nấm mộ dù có tên hay chưa có tên như Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... Riêng Thành Cổ thì lại như một nghĩa trang nhưng không có một nấm mộ cho riêng ai mà chỉ có một nấm mộ chung. Với những ý nghĩa sâu sắc như thế, Thành Cổ được xây dựng như một đài tưởng niệm để cho những ai về Thành Cổ hôm nay cảm nhận được sự bi hùng khốc liệt của ngày hôm qua mà thành tâm thắp nén nhang thành kính.
Đài tưởng niệm được xây dựng theo triết lý âm dương. Tầng thượng nghi có phần âm và phần dương, điểm tựa nghi là biểu trưng như hồ nước. Nằm giữa hồ nước như một cây thiên mệnh. Đỉnh cao trên cây thiên mệnh có ngọn lửa biểu trưng cho ánh hào quang luôn toả sáng 81 ngày đêm. Phía giữa cây thiên mệnh có 3 đám mây, biểu trưng cho thiên, địa, nhân. Phía dưới 3 đám mây là ba bát cơm với ý nghĩa theo phong tục cúng ba bát cơm cho những người chết trẻ. Ở dưới cùng có màu đỏ tượng trưng cho phần dương. Ở phần dương có một phần âm, với ý nghĩa: Trong dương có âm, trong âm có dương. Âm và dương hoà vào nhau. Bên ngoài có 81 bức phù điêu biểu trưng cho 81 ngày đêm khốc liệt. Có bốn lối đi vào trung tâm, biểu trưng Thành Cổ là nơi tụ hội của các anh hùng liệt sĩ tứ phương.
![]() |
“Nụ cười thách thức chiến tranh” - Một bức ảnh quý được trưng bày trong nhà tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị. |
Thành Cổ xưa kia là trụ sở của nhà Nguyễn, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000m, cao 9,4m, dưới chân dày 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành luỹ quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây và biến nơi đây thành nơi giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập.
Tại nơi đây đã diễn ra một cuộc chiến khốc liệt trong 81 ngày đêm với sự hỗ trợ của Mĩ quân đội Cộng Hoà huy động một lực lượng bộ binh, phi công và bom đạn lớn nhất: 4 sư đoàn chủ lực, một khối lượng bom và đạn pháo với tính chất là huỷ diệt 328.000 tấn xuống một thị xã có diện tích chỉ trên 3.000km2. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 100 quả bom và 100 quả đạn pháo cỡ lớn. Tất cả bom đạn đổ xuống Thành Cổ bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Mỗi mét vuông đất có được phải đổi bằng cả một mét máu. Hoà chung với khúc tráng ca của Thành Cổ Quảng Trị cách trung tâm Thành Cổ 500m vượt trên dòng sông Thạch Hãn là tuyến giao thông huyết mạch. Dòng sông Thạch Hãn hôm nay còn chứa trong mình bao số phận của biết bao con người. Sau chiến dịch Thành Cổ “mùa hè đỏ lửa” 1972 toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành, cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Sau này, UBND tỉnh Quảng Trị cho tôn tạo lại thành để làm di tích và Thành Cổ có kiến trúc như ngày hôm nay.
Cuộc chiến tranh đã lùi xa 43 năm nhưng nỗi đau thời hậu chiến thì vẫn còn đó. Cho đến bây giờ không ai biết có bao nhiêu người đã mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Trị. Nhưng mỗi người trong chúng ta đều biết rằng có một lớp tuổi thanh niên đã sống trọn đời cho Tổ quốc, xếp bút nghiên, hoài bão của mình để hy sinh cho quê hương, đất nước. Có những tuổi hai mươi mãi mãi đi vào lịch sử, làm nên Thành Cổ như một khúc tráng ca bất tử.
Vũ Quỳnh Giao (CTV)
Ý kiến (0)