Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 09:31 (GMT +7)
Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em
Thứ 4, 04/06/2014 | 06:56:50 [GMT +7] A A
Ngày 31-5 vừa qua, Tỉnh Đoàn và Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em; khai mạc hoạt động hè, chiến dịch thanh niên tình nguyện và tiếp nhận, trao Quỹ Bảo trợ trẻ em năm 2014. Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6 với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.
Trong những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương trong toàn quốc có sự quan tâm đặc biệt và toàn diện đối với trẻ em. Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, Quảng Ninh đã tích cực và chủ động ban hành nhiều chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài việc dành một tỷ lệ ngân sách ưu tiên chi cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương còn làm tốt công tác xã hội hoá các nguồn lực phục vụ cho công tác này. Nhờ vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, tỷ lệ huy động trẻ vào học lớp 1 đúng độ tuổi đạt 99,9%; trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ mồ côi, bị nhiễm chất độc da cam, trẻ tàn tật được khám, chữa bệnh miễn phí đạt tỷ lệ 100%; nhiều trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo, bị mắc bệnh bẩm sinh, bị tai nạn thương tích được quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt...
Nói như vậy không có nghĩa trong xã hội không còn những trẻ em có số phận, hoàn cảnh éo le, khó khăn cần được giúp đỡ, hỗ trợ. Đặc biệt ở nơi này, nơi kia vẫn còn tình trạng trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo hành. Điển hình là các vụ bạo hành trẻ em của một vài bảo mẫu ở các tỉnh phía Nam đã gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo số liệu của cơ quan chức năng có hơn 3.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là hơn 26.500 trẻ, trong đó có 659 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi; hơn 4.600 trẻ mồ côi bố hoặc mẹ... Đây là những trường hợp có nguy cơ cao phải bươn chải lao động sớm, bị xâm hại, bạo hành hay sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, số đối tượng này cần được sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành, địa phương và cơ quan chức năng. Cụ thể là tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để gia đình các em có thu nhập, cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao dân trí, am hiểu pháp luật cho các đối tượng trong gia đình, qua đó ngăn chặn các hành vi xâm hại, bạo lực đối với con em. Trong đó đặc biệt chú ý đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để tạo một môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển thì các hành vi vi phạm pháp luật, các trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ em cần phải được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, xã hội lên án mạnh mẽ... Đó là những hành động, việc làm thiết thực, cần thiết để thực hiện có hiệu quả chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()