Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:33 (GMT +7)
Vì sao giá dầu sôi sục, vọt lên mức cao nhất trong 3 năm?
Thứ 6, 15/10/2021 | 14:26:35 [GMT +7] A A
Giá dầu thế giới đã chính thức vượt qua mốc 80 USD/thùng, cao nhất trong 3 năm. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi từ đại dịch, giá dầu tăng là mối đe dọa đối với nhiều nền kinh tế.
Giá dầu cao nhất trong 3 năm
Hôm đầu tuần, giá dầu Brent đã cán mốc 84 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI cũng tăng hơn 2 USD lên mức 81,43 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Hiện tại, mặc dù giá đã giảm nhẹ xuống còn 81,08 USD/thùng đối với dầu WTI và 83,87 USD/thùng đối với dầu Brent. Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá dầu vẫn trong xu hướng tăng, thậm chí có thể cán mốc 100 USD/thùng.
Tại tuần lễ Năng lượng Nga diễn ra hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, rất có thể giá dầu WTI sẽ cán mốc 100 USD/thùng khi nhu cầu năng lượng trên toàn cầu ngày càng tăng.
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 60% trong năm nay khi việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại, nhờ đó nhu cầu về dầu tăng lên. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao phủ lên nhiều nền kinh tế lớn và chưa có dấu hiệu giảm bớt ngay cả khi các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô.
Tại sao thị trường dầu lại sôi sục?
Giá dầu tăng khi việc triển khai vaccine được mở rộng, nhiều nước đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại, hồi sinh các hoạt động kinh tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.
Trong khi đó, từ châu Á đến châu Âu, giá hàng hóa trên toàn cầu, bao gồm cả giá nhiên liệu để sản xuất điện như than, khí đốt đều tăng mạnh. Tại Ấn Độ một số bang đang bị mất điện vì thiếu than. Trong khi tại Trung Quốc, chính phủ nước này đang ra lệnh cho các mỏ tăng sản lượng khai thác than khi giá điện tăng cao.
Điều này khiến cho dầu trở thành mặt hàng hấp dẫn để sản xuất điện và duy trì hoạt động kinh tế ổn định. Do đó, nhu cầu tăng cao đã đẩy thị trường dầu tăng vọt.
"Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do các yếu tố cơ bản như nhu cầu cao hơn khi tình trạng thiếu điện trên toàn cầu và nỗi lo nguồn cung ít đi", ông Tapan Patel, chuyên gia phân tích hàng hóa của công ty chứng khoán HDFC, nói và cho rằng, nhu cầu thay thế dầu của các khách hàng tiêu thụ than và khí đốt cũng khiến giá dầu tăng cao.
Theo ông, giá khí đốt và than đá trên toàn cầu gần đây tăng mạnh đã làm tăng nhu cầu dầu thô cho sản xuất điện.
Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng tăng giá của giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi tắt là OPEC+, tuần trước đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 tới.
Mặc dù OPEC đã cam kết đưa nguồn cung dầu thô về mức trước đại dịch, tuy nhiên với mức tăng này khó đáp ứng được nhu cầu đang gia tăng ở các nền kinh tế công nghiệp, đặc biệt là trong những tháng mùa đông sắp tới.
Trong khi đó, thị trường đang kỳ vọng vào Mỹ khi Bộ trưởng Năng lượng nước này - ông Jennifer Granholm đề xuất giải phóng một phần kho dầu dự trữ dầu chiến lược của Mỹ để hạ giá nhiên liệu. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ không diễn ra sớm.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS cho biết, thông tin từ tuần trước cho thấy Bộ Năng lượng Mỹ không có kế hoạch giải phóng kho dự trữ chiến lược lúc này để giá dầu tiếp tục được hỗ trợ.
Các công ty khai thác dầu của Mỹ đang tận dụng lợi thế giá dầu tăng. Tuần trước, họ đã đưa thêm 5 giếng dầu mới vào khai thác khi giá dầu và khí đốt tăng tuần thứ 5 liên tiếp.
Tamas Varga - chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Công ty môi giới PVM Oil Associates - cho rằng: "Nguồn dự trữ cạn kiệt, kỷ luật của OPEC và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra sẽ hỗ trợ giá dầu vững chắc trong ba tháng tới".
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()