Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 05:48 (GMT +7)
Vì sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ với quyền của mình?
Chủ nhật, 16/03/2014 | 07:09:02 [GMT +7] A A
Trong một cuộc trao đổi với PV Báo Quảng Ninh mới đây, ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) Quảng Ninh, có nhắc đến một thực tế hiện nay ở nước ta nói chung, ở Quảng Ninh nói riêng, đó là mặc dầu Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay và đã được báo chí, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, nhưng người dân vẫn tỏ thái độ thờ ơ...
Thực ra điều này cũng không có gì ngạc nhiên. Bởi đi lên từ một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, lạc hậu, “văn hoá mua bán” truyền thống của người Việt Nam là cứ “thuận mua vừa bán”, cứ “tiền trao, cháo múc”; nếu có bị lừa mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì cũng chỉ ngậm ngùi... tự trách mình, chịu “ngậm bò hòn làm ngọt” mà thôi! Chính cái tâm lý chung ấy đã dẫn đến tình trạng thờ ơ, ít quan tâm đến những quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, việc NTD không biết cách tự bảo vệ mình do không nắm vững quy định của pháp luật mới chỉ là một mặt; mặt nữa là dẫu có biết quyền của mình thì việc sử dụng những quyền ấy trên thực tế cũng không dễ. Chỉ nói đơn giản như quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá v.v.. chẳng hạn. Trong tình trạng hàng thật, hàng giả lẫn lộn như hiện nay, làm sao mà kiểm chứng được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin không chính xác. Và liệu khi phát hiện ra thông tin không chính xác về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, thì ngoài việc từ chối, không mua hàng, người tiêu dùng còn có thể làm gì hơn? Khiếu kiện, trừ trường hợp mua bán với giá trị hàng hoá lớn, còn thì ít người chọn cách này để bảo vệ quyền của mình, bởi cho rằng có kiện thì cũng “chờ được vạ, má sưng...”. Đây là một thực tế mà vì nó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa thực sự đi sâu vào đời sống xã hội, NTD vẫn tỏ thái độ thờ ơ với quyền (chứ chưa nói đến nghĩa vụ) của mình. Hay nói cách khác, NTD hiện nay vẫn mới chỉ có quyền trên danh nghĩa; để nó thực sự được bảo đảm, cần có những chế tài thật nghiêm khắc với những hành vi vi phạm; đồng thời phải tạo được dư luận (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thông báo của cơ quan chức năng v.v..) để “tẩy chay” những đối tượng kinh doanh hàng hoá kiểu này. Có như vậy thì mới tạo dựng được lòng tin của NTD, mới khích lệ họ phát huy quyền và nghĩa vụ của mình!
Năm nay, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, 15-3, trên cơ sở chủ đề mà tổ chức Quốc tế NTD (viết tắt là CI) đưa ra là: “Quyền của NTD trong thời đại kỹ thuật số”, TW Hội Bảo vệ NTD Việt Nam đã đưa ra chủ đề cho Ngày Quyền của NTD, 15-3-2014, ở nước ta là: “Quyền được cung cấp thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của NTD trong thời đại kỹ thuật số”. Và trước đó, ngày 8-1-2014, Bộ Công thương cũng đã có công văn đề cập đến chủ đề “Quyền được an toàn NTD”. Như vậy có thể thấy quyền của NTD đang càng ngày càng được quan tâm, đề cao. Vấn đề là làm sao để nó thực sự được đảm bảo, thực sự là “thực quyền”, có ý nghĩa thiết thực với NTD; đó mới là điều mấu chốt...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()