Tất cả chuyên mục

Hoạt động cầm chừng, buộc phải dừng vận hành 2/4 tổ máy do lượng than cung cấp không đủ so với nhu cầu phát điện là việc chưa có tiền lệ tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh từ năm 2012 đến nay. Do đó, từ tháng 9/2018, công ty đã liên tục gửi văn bản “kêu cứu” nhằm tìm được hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng thiếu than. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
![]() |
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (phường Hà Khánh, TP Hạ Long). |
Năm 2018, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh được giao kế hoạch sản lượng điện thương phẩm là 6,423 tỷ kWh (tăng hơn 1,2 tỷ kWh so với năm 2017). Theo chỉ định của Chính phủ và Bộ Công Thương, Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ được ký hợp đồng mua bán than với 2 nhà cung cấp là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Trong đó nhà cung cấp chính là TKV với 2,6 triệu tấn; Tổng Công ty Đông Bắc là 300.000 tấn.
Để hoàn thành trên 6,4 tỷ kWh được giao, Nhiệt điện Quảng Ninh cần khoảng 3,5-3,6 triệu tấn than. Ngay từ tháng 8, nhận thấy tình hình thiếu than trầm trọng, công ty đã nhiều lần tổ chức làm việc, đàm phán với TKV về việc cấp bổ sung 10% theo hợp đồng và cấp thêm khoảng 400.000 tấn than. Thế nhưng do thiếu than nên phía TKV không có kế hoạch cấp bổ sung ngoài số lượng than của hợp đồng đã ký.
Vì vậy, từ tháng 8/2018 đến nay, Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải hoạt động theo kiểu “ăn đong” do TKV không đáp ứng đủ lượng than theo nhu cầu mà công ty đăng ký. Cụ thể, tháng 8 công ty đăng ký 210.000 tấn nhưng TKV chỉ giao 185.000 tấn; tháng 9 đăng ký 160.000 tấn, TKV giao 140.000 tấn và đến tháng 10, TKV cũng chỉ giao được 157.000 tấn so với 280.000 tấn mà công ty đã đăng ký.
Trong khi đó, theo phương thức điều độ của hệ thống điện, bình quân trong tháng 10, Nhiệt điện Quảng Ninh được huy động 3-4 tổ máy, nhu cầu sử dụng than thực tế từ 10.000-12.000 tấn/ngày. Như vậy, với kế hoạch giao 157.000 tấn của TKV đã gây thiếu hụt 4.000-6.000 tấn/ngày, nên từ giữa tháng 10, công ty đã phải dừng luân phiên một tổ máy vì thiếu than.
Trước tình hình nghiêm trọng trên, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh nhiều lần gửi văn bản “kêu cứu” Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty phát điện 1 và TKV, đề nghị có các giải pháp cấp bách để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện. Trong các cuộc họp ngày 12 và 14/11 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có Nhiệt điện Quảng Ninh. Tuy nhiên, thực tế lượng than cấp từ đầu tháng 11 vẫn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ khi Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ được cấp trên 187.000 tấn trong khi khối lượng than tiêu thụ là trên 201.000 tấn.
Do đó, đến ngày 17/11, công ty buộc phải dừng vận hành phát điện 2/4 tổ máy để đảm bảo duy trì vận hành 2 tổ máy còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc công ty phải giảm tương ứng 10 triệu kWh/ngày, làm giảm doanh thu khoảng 13 tỷ đồng/ngày, kéo theo tiền lương người lao động, tiền thuế nộp cho ngân sách cũng bị giảm mạnh. Theo tính toán của công ty, từ lợi nhuận đạt trên 500 tỷ đồng trong năm 2017 thì năm 2018, lợi nhuận sẽ chỉ còn đạt khoảng 180 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, việc dừng sản xuất điện sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
![]() |
Lượng than dự trữ tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh hiện đã xuống rất thấp, 2/4 tổ máy phải dừng hoạt động. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết: Tính đến hết tháng 10, công ty đã phát sản lượng điện thương phẩm là 5,238 tỷ kWh. Như vậy sản lượng điện thương phẩm còn lại được giao trong tháng 11 và 12 là 1,140 tỷ kWh (tương ứng với khối lượng than sử dụng khoảng 660.000 tấn). Qua nhiều lần đàm phán và đề xuất, 2 nhà cung cấp than dự kiến chỉ đảm bảo khoảng 515.000 tấn. Điều này có nghĩa, công ty sẽ thiếu hụt 145.000 tấn than so với nhu cầu tiêu thụ. Chưa kể, để đảm bảo các tổ máy vận hành liên tục, an toàn, thời gian đầu của năm 2019, công ty cần thiết phải có thêm lượng than tồn kho dự trữ khoảng 100.000 tấn.
Đề xuất giải pháp cho tình trạng này, ông Hạnh cho biết thêm: Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới sẽ có thể làm việc, trao đổi với TKV để điều chỉnh khối lượng than phân bổ trong thời gian dài hạn thay vì ngắn hạn như hiện nay, trung bình là 3,5 triệu tấn than/năm. Đồng thời hy vọng Bộ Công Thương cho phép công ty được chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp than ngoài 2 đơn vị nói trên với khối lượng từ 10-20% để đáp ứng lượng than thiếu hụt cho sản xuất nhiệt điện, tránh xảy ra tình trạng nghiêm trọng như hiện nay.
Tìm hiểu nguyên nhân về việc thiếu than cho Nhiệt điện Quảng Ninh, chúng tôi được biết, trong thời gian vừa qua, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cũng rất nỗ lực, cố gắng cân đối nguồn than phù hợp để hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp than phục vụ cho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc sản lượng điện tăng cao đột biến so với kế hoạch năm chính là nguyên nhân khiến 2 nhà cung cấp “trở tay không kịp”.
Theo báo cáo số 440/EVN-HĐTV của EVN ngày 7/11, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2018 đạt khoảng 220 tỷ kWh, cao hơn gần 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch năm và tăng trưởng trên 10% so với năm 2017. Trong 2 tháng cuối năm, mùa lũ đã hết nên nguồn điện cung cấp chính cho cả nước là nhiệt điện than. Dự tính mỗi tháng phải phát 9,5 tỷ kWh từ các nhà máy nhiệt điện, tương ứng với 4,5 triệu tấn than/tháng, nhiều khả năng TKV và Tổng Công ty Đông Bắc không đáp ứng được. Hiện TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang phải lên phương án nhập khẩu than antraxite khẩn cấp để trộn với than trong nước.
Trong những năm tiếp theo, dự kiến phụ tải sẽ tăng trung bình khoảng 10%/năm, tương đương với khoảng 20-25 tỷ kWh. Trong thời gian ngắn tới, khi không có thêm những nhà máy điện lớn đưa vào vận hành, sản lượng các nguồn khí đã bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm và năng lượng thủy điện đã được khai thác tối đa thì số sản lượng điện tăng thêm này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà máy nhiệt điện, kéo theo nhu cầu về than antraxite tăng cao, dự kiến thiếu hụt khoảng 5,5 triệu tấn/năm.
Như vậy, để đảm bảo than cho sản xuất điện trong những năm sau, Chính phủ, Bộ Công Thương cần chỉ đạo TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng cường tối đa khả năng khai thác than, đầu tư mở rộng sản xuất than antraxite để đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện; cho phép EVN cũng như các nhà máy nhiệt điện chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và than nhập khẩu. Đồng thời, các bên cần ngồi lại, tính toán cụ thể sản lượng điện tăng thêm để các đơn vị cung cấp than có kế hoạch phân bổ khối lượng than phục vụ nhu cầu sản xuất điện cho Nhiệt điện Quảng Ninh nói riêng và các nhà máy nhiệt điện nói chung từ năm 2019 trở đi.
Hoàng Nga
Ý kiến ()