Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn không có các điểm bán hàng bình ổn giá. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhiều bất cập
Năm 2011, trên cơ sở đề nghị của liên Sở: Công Thương - Tài chính, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 19 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vay vốn để thực hiện nhiệm vụ tổ chức, dự trữ hàng hoá thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, rau củ… với tổng số tiền vay trong chương trình bình ổn thị trường là 53,59 tỷ đồng. Các DN tham gia chương trình này sẽ được tỉnh hỗ trợ vay vốn không lãi suất để bán hàng bình ổn giá.
Năm 2012, tỉnh tiếp tục dành gần 30 tỷ đồng để phục vụ chương trình bình ổn giá, nhưng số lượng các đơn vị vay vốn đã giảm xuống chỉ còn 12 DN và 1 hộ kinh doanh (trong đó có 10 đơn vị cũ, 3 đơn vị mới tham gia). Từ 67 điểm bán hàng bình ổn giá trong năm 2011 cũng giảm xuống chỉ còn 47 điểm bán hàng bình ổn trong năm 2012.
![]() |
Công ty CP Thương mại và Sản xuất Quảng Long (TP Cẩm Phả) là 1 trong 4 doanh nghiệp lớn không đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá năm 2013. Ảnh: Người dân đang mua sắm hàng hoá tại Siêu thị Quảng Long. |
Đáng chú ý là ngay trong năm 2012 đã có những DN lớn không tham gia chương trình mà tự chủ động triển khai những chương trình bình ổn riêng. Đơn cử như Siêu thị Bài Thơ (TP Hạ Long). Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Thoa, Trưởng Phòng Kinh doanh Siêu thị Bài thơ cho biết: “Với ngân sách 30 tỷ đồng cho chương trình mà chia nhiều đầu mối ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thì mỗi đơn vị được vay sẽ không nhiều mà các thủ tục thì hơi phức tạp. Bên cạnh đó, để chuẩn bị các mặt hàng phục vụ cho quý IV, phục vụ dịp Tết Nguyên đán thì ngay từ quý II, đầu quý III, chúng tôi đã phải chủ động đi vay ngân hàng để kịp nhập hàng hoá cuối năm. Nếu chờ hoàn thiện các thủ tục đăng ký, nhận vốn thì cũng phải trong quý IV, như vậy đơn vị sẽ không chủ động được nguồn hàng và có thể bị ép giá ngay từ phía các nhà cung cấp. Trong khi đó, tỉnh yêu cầu các sản phẩm bán ra của đơn vị tham gia chương trình bình ổn, phải thấp hơn giá bán của một số sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%. Đây thực sự là một bài toán khó đối với DN”. Ngoài khó khăn về thủ tục vay vốn, đại diện các DN khác cũng cho biết, với thời hạn vay vốn ưu đãi 3-4 tháng như hiện nay là quá ngắn nên các đơn vị gặp khó trong việc quay vòng, thu hồi vốn, chưa kể đến việc hàng hoá thu mua, dự trữ có thể bị tồn kho, bị hỏng, đặc biệt là các loại rau, củ... dẫn đến nhiều DN không còn mặn mà trong việc đăng ký tham gia chương trình.
Cần cơ chế thông thoáng hơn
Năm 2013, do tình hình thu ngân sách của tỉnh gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã quyết định thay đổi hình thức hỗ trợ các DN tham gia chương trình. Từ hình thức trích ngân sách cho các DN vay vốn thực hiện với lãi suất bằng 0% sang hình thức các DN vay vốn tại ngân hàng. Các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho DN được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi (lãi suất khoảng 8%/năm), ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất từ 1-2% cho các DN trên cơ sở chứng từ chuyển trả tiền lãi cho ngân hàng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã có văn bản số 4980/STC-KHNS gửi 12 DN đã tham gia chương trình bình ổn giá năm 2012. Đến hết ngày 2-12, có 10/12 DN gửi văn bản trả lời không tham gia. Đáng chú ý là trong số đó có 4 DN có lượng hàng bình ổn giá lớn của năm 2012 (tổng số vốn vay của 4 DN chiếm tới 15,7/29,4 tỷ đồng) như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Cẩm Phả, Công ty CP Thương mại và Sản xuất Quảng Long (Cẩm Phả), Công ty TNHH Bình Khánh (Quảng Yên) lại không đăng ký tham gia. Từ thực tế trên, Sở Công Thương và Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh không thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán 2014.
Tìm hiểu về nguyên nhân không tham gia đăng ký chương trình, đại diện các DN trên đều cho biết: Cuối tháng 11, DN mới nhận được văn bản yêu cầu đăng ký tham gia chương trình. Trên thực tế, việc lên kế hoạch, ký kết hợp đồng, chuẩn bị nguồn hàng với nhà cung cấp, phân phối đã phải thực hiện từ quý II và quy trình này thường kéo dài 6 tháng. Trong khi đó, thời gian thực hiện bình ổn giá năm 2013 khá ngắn (từ tháng 12-2013 đến hết tháng 2-2014), DN phải tự hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, để hoàn thiện thủ tục giữa DN với ngân hàng và thủ tục giữa DN với Sở Tài Chính để được hỗ trợ số tiền trên thì DN cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Ngoài ra, khi DN đăng ký tham gia nhận vốn hỗ trợ, sẽ bị kiểm soát từ địa điểm bán hàng đến xuất hoá đơn chứng từ… Như vậy, cùng với vướng mắc của năm trước, những nguyên nhân trên một lần nữa đã khiến cho nhiều DN không mặn mà đối với việc đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá năm 2013.
Lời kết
Theo đánh giá của Sở Công Thương, thời điểm này, giá cả hàng hoá chưa có biến động lớn do sức mua của người dân vẫn thấp. Tuy nhiên, đến cuối năm, khi sức mua tăng cao thì nguy cơ tăng đột biến về giá cả các mặt hàng thiết yếu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, việc triển khai công tác bình ổn giá trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là rất cần thiết. Trong những năm tới, để tạo điều kiện cho các DN đăng ký, tham gia chương trình bình ổn giá, tạo mạng lưới phân bố rộng rãi đến với người dân, nên chăng tỉnh cần có một cơ chế tài chính phù hợp trong việc hỗ trợ ngân sách. Trong đó cần đặc biệt quan tâm, xem xét đến việc kéo dài thời gian cho vay vốn ưu đãi và triển khai chương trình sớm hơn, để các đơn vị tham gia có thời gian chuẩn bị và chủ động hơn trong việc dự trữ hàng hoá. Góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.
Hoàng Nga
Ý kiến ()