Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:23 (GMT +7)
Vì sao nước pha trà xanh nên có nhiệt độ dưới 100 độ C?
Thứ 2, 12/06/2023 | 14:09:39 [GMT +7] A A
Người Việt thường có thói quen sử dụng nước sôi 100 độ để pha trà. Nhưng niêm mạc thực quản rất dễ tổn thương, theo thời gian lặp đi lặp lại, thực quản, khoang miệng, dạ dày... bị tổn thương.
Trà xanh, thức uống "quốc dân"
Ông Nguyễn Văn T. (51 tuổi, Hà Nội) cho biết ông có thói quen uống trà xanh hằng ngày. Do bị kích ứng với đồ lạnh, ông thường uống trà nóng và hơi đặc. Mỗi sáng sau khi uống trà ông thường cảm thấy hơi khó chịu một chút, hơi buồn nôn, cồn cào, thi thoảng có ợ hơi. Sau đó khoảng một tiếng thì thấy bình thường.
Ông rất lo lắng, gọi hỏi tòa soạn có phải uống trà nóng gây ra những hiện tượng trên hay không và uống trà nóng có gây hại cho hệ tiêu hóa không?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trà xanh là thức uống "quốc dân" mà hầu hết người Việt đều yêu thích.
Đây là một trong những loại đồ uống tốt cho sức khỏe, chứa nhiều oxy hóa nên đem lại tác dụng ngăn ngừa sự phá hủy tế bào, phòng bệnh tim mạch, ung thư và ngăn ngừa quá trình lão hóa.
Đặc biệt, trà xanh còn có chứa caffeine giúp tinh thần sảng khoái, chống stress. Chất phenol có trong trà xanh giúp giải độc gan và giúp cho hệ tiêu hóa tốt hơn.
Vậy uống trà nóng có gây hại cho hệ tiêu hóa và các bệnh về dạ dày không, thì câu trả lời là có. Nếu bạn không sử dụng đúng cách, trà có thể là tác nhân gây bệnh cho sức khỏe bạn.
Thói quen uống trà nóng không gây bệnh trực tiếp cho dạ dày, nhưng có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc dạ dày. Khi uống trà nóng, nhiệt độ cao của trà có thể làm tăng nhiệt độ của niêm mạc dạ dày và làm kích ứng niêm mạc, dẫn đến đau hoặc khó chịu.
Ngoài ra, uống trà nóng trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ mắc loét dạ dày. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị viêm dạ dày.
Cách dùng đồ uống nóng trên 65 độ C
Theo IARC, nếu tiêu thụ đồ uống quá nóng như trà, cà phê... có nguy cơ mắc bệnh vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương các cơ quan này.
Đồng thời, đồ ăn quá nóng cũng làm hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột dễ bị tổn thương nặng nề.
Trong thực tế, người Việt thường có thói quen sử dụng nước sôi 100 độ để pha trà mà không biết niêm mạc thực quản rất dễ tổn thương. Nếu chỉ đôi khi mới sử dụng đồ nóng trên 65 độ C sẽ không gây hại, nhưng nếu lặp đi lặp lại thì không tốt chút nào.
Bên cạnh đó, trà đặc chứa quá nhiều caffeine, theophylline… sẽ gây kích thích thành dạ dày và gây tăng tiết axit.
PGS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra những lưu ý để bạn uống trà an toàn cho sức khỏe:
- Không uống trà đã để qua đêm vì sẽ sinh ra các chất không tốt cho cơ thể.
- Nên uống trà pha loãng để hạn chế lượng caffeine hấp thụ vào cơ thể.
- Không nên uống trà xanh ngay gần giờ đi ngủ vì caffeine sẽ làm tỉnh táo tinh thần gây khó ngủ hơn.
- Không nên dùng trà xanh để uống thuốc vì các hoạt tính có trong trà sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
- Uống trà xanh lúc đói sẽ làm loãng dịch dạ dày, giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và dễ gây viêm dạ dày. Vì thế tuyệt đối không được uống trà lúc đang đói vì sẽ gây xót ruột và làm cơn đau dạ dày nhiều hơn.
- Nếu đang mắc bệnh loét dạ dày thì không nên uống nước trà. Vì chất tanin trong trà kích thích tế bào thành dạ dày bài tiết nhiều axit khiến tình trạng loét càng nặng hơn.
- Hãm và uống trà ở nhiệt độ từ 50-70 độ C sẽ đảm bảo được an toàn.
"Nếu bạn có thói quen uống trà nóng, nên giảm tần suất và lượng trà nóng mỗi ngày để giảm thiểu tác động của nhiệt độ trà lên dạ dày. Bạn cũng nên uống trà ở nhiệt độ vừa phải và tránh uống trà quá nóng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống trà loãng để đảm bảo các axit trong dạ dày hoạt động ở mức cân bằng. Nếu bạn có triệu chứng đau dạ dày sau khi uống trà nóng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách điều trị và hạn chế tác động của trà đến dạ dày của bạn" - PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn khuyên. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()