Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 09:05 (GMT +7)
Vì sao phim cổ trang Trung Quốc càng ngày càng chán?
Thứ 6, 06/09/2024 | 08:57:29 [GMT +7] A A
Phim cổ trang Trung Quốc là "món ăn" quen thuộc với khán giả châu Á trong đó có Việt Nam, nhưng thời gian gần đây, dòng phim này bị không ít khán giả quay lưng.
Phim cổ trang là gì?
Phim cổ trang là tên gọi chung chỉ một thể loại phim mà trong đó phục trang, bối cảnh, đạo cụ có đặc trưng phù hợp với những triều đại trước khi chế độ phong kiến ở Trung Quốc sụp đổ.
Hiện nay, có nhiều dòng phim cổ trang ở Trung Quốc như: Phim tiên hiệp (Tiên kiếm kỳ hiệp truyện, Cổ kiếm kỳ đàm, Hoa Thiên Cốt,...); Phim kiếm hiệp hay còn được gọi là phim võ hiệp thường được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung và Cổ Long (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long ký,..); Phim cổ trang cung đấu (Cung tỏa tâm ngọc, Mỹ nhân tâm kế, Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện, Diên Hy công lược,...); Phim lịch sử cổ trang (Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Tể tướng Lưu Gù,...),...
Hai năm trở lại đây, một dòng phim cổ trang rất được lòng khán giả trẻ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc là phim cổ ngẫu. Phim cổ ngẫu được hiểu là phim cổ trang thần tượng, trong đó, vai chính thường do các diễn viên có độ nổi tiếng nhất định đảm nhận nhằm tăng rating cho phim.
Tờ Nhật báo đại chúng của Trung Quốc nhận định, những năm gần đây, dòng phim cổ ngẫu dường như đã thống trị màn ảnh và trở thành hiện tượng trong làng giải trí. Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi tháng có 3-4 phim cổ ngẫu được lên sóng.
Thời hoàng kim của phim cổ trang
Khoảng thời gian từ thập niên 1990 và những năm 2000, phim cổ trang dường như thống trị màn ảnh Hoa ngữ từ điện ảnh tới truyền hình. Giai đoạn từ 2010 - 2020, nhiều bộ phim cổ trang làm khuynh đảo châu Á như Chân Hoàn truyện, Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Hoa Thiên Cốt, Sở Kiều truyện, Trần tình lệnh,...
Theo tờ The Paper, dựa trên dữ liệu Vân Hợp công bố năm 2023, có tới 1/4 số phim truyền hình có hiệu suất người xem cao nhất kể từ năm 2017 là phim cổ trang tiên hiệp.
Tờ Sina cũng nhận định, dòng phim cổ trang chiếm phần lớn thị trường điện ảnh và truyền hình ở Trung Quốc. Thậm chí, nếu hạn chế phim cổ trang, toàn bộ ngành điện ảnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo thống kê tính đến năm 2018, Diên Hy công lược đạt 18,1 tỷ lượt xem trực tuyến, tiếp theo là Hương mật tựa khói sương với 16 tỷ lượt xem, Như Ý truyện đạt 15 tỷ lượt xem, nhiều bộ phim khác như Phù Dao hoàng hậu, Tương dạ, Vân Tịch truyện,... cũng đạt thành tích khả quan.
Vì sao phim cổ trang Trung Quốc ngày càng chán?
Phim cổ trang làm mưa làm gió ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung tuy nhiên thời gian gần đây, chất lượng các bộ phim này không tỷ lệ thuận với số lượng.
Trong nửa đầu năm 2024, số lượng phim cổ trang phát sóng tại Trung Quốc nhiều không đếm xuể nhưng chỉ có một số tác phẩm được đánh giá là hay như Mặc vũ vân gian, Khánh dư niên 2, Dữ phượng hành.
Nhiều bộ phim cổ trang thần tượng có sự tham gia của dàn sao trẻ nổi tiếng hiện nay lại liên tục trở thành bom xịt như Hoa gian lệnh (Lưu Học Nghĩa, Cúc Tịnh Y), Tiên kiếm kỳ hiệp 4 (Trần Triết Viễn, Cúc Tịnh Y), Tiên kiếm kỳ hiệp 6 (Hứa Khải, Ngu Thư Hân), Độ hoa niên (Trương Lăng Hách, Triệu Kim Mạch), Vũ Canh Kỷ (Nhậm Gia Luân),...
Dòng phim cổ ngẫu mới ra mắt 2 năm nay cũng rơi vào trường hợp tương tự. Số lượng phim cổ ngẫu "mọc như nấm sau mưa" nhưng chất lượng của những tác phẩm này lại không được như kỳ vọng của khán giả. Nhiều tiểu hoa đán sinh sau năm 1985 hiện nay cũng đóng phim cổ ngẫu đều “ngã ngựa” như Dương Mịch với Hồ yêu tiểu hồng nương, Lưu Thi Thi có Nhất niệm quan sơn. Chỉ có Triệu Lệ Dĩnh lại có phần nhỉnh hơn với Dữ phượng hành khi bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi.
Theo Sohu, một trong những lý do khiến phim cổ trang bị đánh giá không cao như trước kia là do dù được làm rất chỉn chu với cảnh quay đẹp mắt, trang phục và tạo hình nhân vật không có gì để chê nhưng nội dung phim lại càng ngày càng nhàm chán.
Trương Khiết, một nhà lập kế hoạch điện ảnh và truyền hình, từng làm phim tiên hiệp cổ trang bày tỏ sự lo ngại về chất lượng phim cổ trang Trung Quốc ngày càng dở.
Theo kinh nghiệm của ông, điều hay nhất của dòng phim tiên hiệp huyền huyễn là cho phép khán giả được sống trong thế giới tưởng tượng, thỏa mãn sự giải trí. Nhưng xét theo chiều hướng dư luận hiện nay, có thể thấy, phim truyền hình cổ trang nói chung đã đạt đến điểm bão hòa. "Tôi cũng bối rối không biết thị trường hiện tại cần một bộ phim cổ trang như thế nào?", ông bày tỏ sự phân vân trong bài phỏng vấn trên Sohu.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, phim truyền hình cổ trang nói chung và dòng phim tiên hiệp nói riêng hiện nay đang ở thời kỳ "thắt cổ chai" (điểm tắc nghẽn trong một hệ thống hay quá trình nào đó).
Tờ Sohu cho rằng, dòng phim cổ trang ngày càng nhàm chán là do "mười phim như một". Một blogger có tên Tiểu Long Bao gây chú ý khi để lại bình luận trên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu) về vấn đề trên: “Thành thật mà nói tôi nhớ rõ những diễn biến chung của một số phim tiên hiệp cổ trang gần đây, các nhân vật giống nhau, cốt truyện cũng giống nhau và chỉ có một chủ đề duy nhất. Điều này khiến tôi thấy chán nản khi xem phim".
Năm 2014, bộ phim Cổ kiếm kỳ đàm do Hoan Thụy sản xuất đã trở thành một trong những bộ phim hot nhất mùa hè. Phim liên tục đứng đầu bảng trong danh sách phát sóng các đài Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông, Thiểm Tây,..
Thành tích ấn tượng của Cổ kiếm kỳ đàm đã kéo theo sự bùng nổ loạt phim tiên hiệp cổ trang sau này như Hoa Thiên Cốt, Tru Tiên Thanh Vân Chí, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, Chẩm thượng thư, Hương mật tựa khói sương, Lưu ly mỹ nhân sát, Trầm vụn hương phai,...
Tuy nhiên, khi số lượng phim cổ trang tiên hiệp tăng lên, nội dung phim cũng đi theo một mô-típ, công thức chung giống nhau. Những bộ phim này có mức độ trùng lặp về mặt thiết kế nhân vật, nội dung, phục trang, bối cảnh,... Điều này khiến dòng phim này mất đi sự hấp dẫn trong mắt người xem.
Dòng phim cổ ngẫu dù mới ra đời nhưng cũng đã thể hiện rõ sự đơn điệu. Dòng phim này thường sử dụng chung một công thức quen thuộc. Nhà phê bình phim của Trung Quốc - Chung Nam cho rằng, do đối tượng khán giả của dòng phim chủ yếu là giới trẻ nên các nhà sản xuất sẽ chú tâm vào yếu tố thương mại. Những khán giả này cũng có yêu cầu tương đối giống nhau đối với dòng phim cổ ngẫu, do đó, để thỏa mãn nhóm khách hàng này, một công thức chung được tạo ra.
Đó là kịch bản phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết mạng nổi tiếng, diễn viên chính là những ngôi sao trẻ có lưu lượng (ý chỉ người sở hữu lượng fan đông đảo, có độ nổi tiếng nhất định) để gánh số liệu phim, vai phụ là những diễn viên kỳ cựu của thế hệ trước cộng với một lượng lớn những người hâm mộ tiểu thuyết gốc. "Làm được điều này, phim đã thành công tới 50%, phần còn lại phụ thuộc vào nội dung, diễn xuất, phục trang,...", nhà phê bình Chung Nam nói thêm.
Khi nói đến phim cổ trang, điều tiên quyết làm nên thành công của phim là tạo hình nhân vật và phong cách trang điểm. Đây được coi là yếu tố hàng đầu, gần như là linh hồn của một bộ phim cổ trang.
Tờ Sohu cho hay, trong những bộ phim cổ trang trước đây, dù điều kiện làm phim nghèo nàn và còn thiếu thốn nhưng chất lượng phim không có gì để chê, đặc biệt là khoản trang phục và tạo hình nhân vật. Trong phim cổ trang xưa, mỗi một nhân vật được định hình với phong cách riêng, trang phục dù có nhiều màu sắc nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp của diễn viên nữ.
Về phần trang điểm, các diễn viên nữ chuộng phong cách tự nhiên, đặc biệt là lông mày. Nhiều mỹ nhân cổ trang thời kỳ trước không bao giờ làm lông mày theo xu hướng hiện đại mà chuộng lông mày lá liễu, cổ điển để phù hợp với bối cảnh.
Nhưng khi xem phim cổ trang ngày nay, khán giả cảm thấy nhàm chán với những tạo hình quá hiện đại của diễn viên nữ. Lấy ví dụ như phần trang điểm của Đường Yên trong Cẩm tú vị ương, nữ diễn viên 8X bắt kịp xu hướng để lông mày ngang hiện đại.
Điều tương tự cũng xảy ra với Địch Lệ Nhiệt Ba trong phim Liệt hỏa như ca. Nếu như trong Tam sinh tam thế thập lý đào hoa và Chẩm thượng thư, mỹ nhân Tân Cương khiến nhiều xem xao xuyến với hình ảnh con cáo nhỏ dễ thương xinh xắn thì tới Liệt hỏa như ca, cô lại bị chê bai vì tạo hình không đẹp mắt.
Không những thế, một số sao nữ như Cúc Tịnh Y, Bạch Lộc đóng phim cổ trang khiến người xem không phân biệt được đâu là vai diễn nào vì tạo hình “mười phim như một”.
Một trong những lý do khác khiến phim cổ trang ngày nay mất dần vị thế là dùng kỹ xảo ba xu, lạm dụng việc chỉnh màu phim, thậm chí là “cà da” cho nhân vật chính đến mức “trắng phát sáng”.
Trước đây, nhiều đoàn phim cổ trang phải dành thời gian đi khảo sát địa điểm thực tế để chọn được bối cảnh quay phim ưng ý. Sau này, chỉ có một số đoàn phim chọn cách ghi hình ở địa điểm thực như Hoa Thiên Cốt, Trần tình lệnh, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa hay gần đây nhất là phim điện ảnh Phong thần đệ nhất bộ.
Hiện nay, phần lớn các bộ phim cổ trang chủ yếu quay phim ở phim trường, dựng phông xanh rồi sử dụng công nghệ AI để thay thế cảnh, phông nền. Điều này khiến phim trông “giả”, không tạo được cảm xúc hay ấn tượng cho người xem. Nhiều phim cổ trang bị chỉ trích vì kỹ xảo dở tệ như Tiên kiếm 4 và 6, Vũ canh kỷ, Tinh lạc ngưng thành đường....
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất khiến phim cổ trang Trung Quốc không còn được lòng khán giả như xưa là do diễn xuất của diễn viên. Giới chuyên môn nhận định, phần lớn các diễn viên trẻ hiện nay có lối diễn xuất vụng về, biểu cảm tệ hại. Hai mỹ nữ Tân Cương là Địch Lệ Nhiệt Ba và Cổ Lực Na Trát đóng phim đã lâu nhưng vẫn bị coi là “bình hoa di động” trên màn ảnh. Các bộ phim hai người đẹp này đóng đều bị chỉ trích vì diễn xuất đơ cứng.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()