Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:06 (GMT +7)
Vì sao Trái Đất đang ấm lên, nhưng mùa đông lạnh hơn?
Thứ 5, 29/12/2022 | 15:37:51 [GMT +7] A A
Ấm lên toàn cầu gây ra những kiểu thời tiết mùa đông khắc nghiệt theo những cách khác nhau.
Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng được nghe nhiều hơn về một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu điển hình, là ấm lên toàn cầu (tiếng Anh: Global warming).
Về cơ bản, ấm lên toàn cầu đúng như tên gọi của nó, đánh dấu bằng sự gia tăng nhiệt độ của nhiều khu vực trên Trái Đất, khiến chúng ta có mùa hè nóng hơn, và những dòng sông băng tan chảy ở hai Cực.
Tuy nhiên, ấm lên toàn cầu cũng đồng thời khiến mùa đông trở nên lạnh hơn. Vì sao lại thế, và chính xác là nó ảnh hưởng như thế nào? Câu hỏi này trên thực tế khá phức tạp.
Ảnh hưởng thế nào đến mùa đông?
Như đã đề cập, ấm lên toàn cầu đúng là đang làm cho mùa đông ấm hơn và ngắn hơn. Theo Climate Central, trong nửa thế kỷ qua, mùa đông ở Mỹ ấm lên trung bình 3 độ C, với một số bang phía Bắc ấm lên tới 5 độ C. Nhưng đồng thời, sự ấm lên toàn cầu cũng khiến mùa đông lạnh hơn và khắc nghiệt hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự ấm lên ở Bắc Cực gây ra sự gián đoạn trong xoáy cực ở tầng bình lưu. Sự gián đoạn này có thể là tác nhân chịu trách nhiệm cho sự biến đổi của kiểu thời tiết cực lạnh ở một số khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Theo NOAA, một xoáy cực ổn định thường nằm ở vị trí khá xa về phía Bắc, với hoạt động của không khí lạnh thường di chuyển từ hướng Tây sang Đông. Tuy nhiên, một xoáy cực bị gián đoạn sẽ có cơ chế hoạt động khác biệt. Cụ thể, nó có thể di chuyển xa hơn về phía Nam và không khí chuyển động theo hình gợn sóng (quan sát hình ảnh).
Sự ấm lên toàn cầu cũng có thể gây ra những kiểu thời tiết mùa đông khắc nghiệt theo những cách khác nhau, theo National Geographic. Hiểu nôm na, nhiệt độ ấm hơn có nghĩa là bầu không khí trên cao ấm hơn.
Khi bầu khí quyển ấm hơn, nó có thể giữ nhiều hơi ẩm hơn, gây ra sự gia tăng lượng mưa. Bởi vậy, tuyết sẽ rơi nhiều hơn khi nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng. Điều này có thể gây ra những trận bão tuyết dữ dội hơn, và mùa đông cũng lạnh hơn.
Vì vậy về cơ bản, tùy thuộc vào vị trí nơi chúng ta đang ở trên thế giới, mùa đông có thể ấm hơn, nhưng cũng có thể lạnh hơn. Tất cả là do sự ấm lên toàn cầu.
Khí hậu đang trở nên hỗn loạn
Không chỉ có mùa đông lạnh hơn, hay mùa hè nóng hơn, biến đổi khí hậu cũng diễn ra theo những cách vô cùng phức tạp và hỗn loạn, mà ngay cả các nhà khoa học cũng chưa thể nắm bắt.
"Tác động của biến đổi khí hậu đã có thể thấy rõ, song nếu Hệ thống Trái Đất rơi vào vùng có hành vi hỗn loạn, chúng ta sẽ mất hết hy vọng để có thể khắc phục được sự cố", nhà nghiên cứu Orfeu Bertolami tới từ Đại học Porto, Bồ Đào Nha cho biết.
Trên thực tế, một dạng khí hậu hỗn loạn sẽ có các mùa thay đổi một cách dữ dội từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, hoặc thậm chí năm này sang năm khác. Một số năm sẽ trải qua những đợt thời tiết khắc nghiệt đột ngột, trong khi những năm khác sẽ hoàn toàn yên bình.
Ngay cả nhiệt độ trung bình của Trái Đất cũng có thể dao động dữ dội. Đó là những chuyển đổi mà chúng ta dường như cũng đang cảm nhận thấy, đó là quá trình giao mùa, từ thời kỳ mát hơn sang thời kỳ nóng hơn và trong khoảng thời gian tương đối ngắn.
Nếu may mắn, Trái Đất sẽ ổn định ở nhiệt độ mới ấm hơn. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, các nhà khoa học dự đoán các mùa sẽ dao động mạnh từ năm này sang năm khác. Cùng với đó, các giai đoạn nóng và lạnh nối tiếp nhau cũng nhanh hơn nhiều so với hiện tại.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()