Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:05 (GMT +7)
Vì sao trẻ bị ho kéo dài?
Thứ 4, 03/04/2024 | 08:52:19 [GMT +7] A A
Vào tiết chuyển mùa, bệnh về hô hấp ở trẻ thường tăng cao đột biến. Ho có khi chỉ rất xoàng, nhưng với kiểu tự chữa theo kinh nghiệm truyền miệng của nhiều phụ huynh, trẻ càng bị nặng hơn, có bé dẫn tới viêm phổi.
Trước khi quyết định tự đi mua thuốc mà không cần đơn để điều trị cho con (dù chỉ là ho gió xoàng), bạn nên tham khảo những lời khuyên rất hữu ích sau của bác sĩ chuyên khoa Nhi Nguyễn Anh Tuấn:
- Không cho trẻ dưới 4 tuổi dùng thuốc ho, trừ khi có chỉ định của bác sĩ nhi khoa.
- Không cho một đứa trẻ dùng thuốc ho của người lớn, hoặc bất kỳ thuốc nào có chứa aspirin.
- Đừng bao giờ cho trẻ dùng thuốc theo đơn bác sĩ và thuốc tự mua ở nhà thuốc cùng lúc, hoặc là nhiều loại thuốc ho mua ở nhà thuốc trừ khi bác sĩ nhi khoa nói là không vấn đề gì.
- Không cho trẻ dùng thuốc ho quá hạn sử dụng.
- Nếu bé không nhanh chóng đỡ bệnh, hãy đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa trước khi tiếp tục dùng thuốc mua ở nhà thuốc.
- Không bao giờ cho trẻ uống thuốc ho mà mục đích là chỉ để cho trẻ dễ ngủ.
Sau khi đã bình tĩnh xem hết các khuyến cáo trên, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu từ:
Nguyên nhân gây ho
Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nên mỗi khi giao mùa, khí hậu thay đổi thường làm cho cơ thể con người không kịp thích nghi, và sẽ có những phản ứng không mong muốn. Nhạy cảm như trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi chuyển mùa từ nắng sang mưa, từ khô sang ẩm, lạnh, càng dễ ho hen cò cử.
Cũng có khi ho chỉ là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: thức ăn, bụi...
Hoặc cũng có khi trẻ bị ho do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut), do hít phải khói thuốc lá, viêm mũi dị ứng, ho do tiếp xúc với các chất kích thích như: khói, bụi, khí trời lạnh. Ho do dùng thuốc. Ho do các bệnh về phổi: bệnh phổi kẽ, giãn phế quản, viêm thanh quản, viêm màng phổi... Ho do các bệnh về tim: suy tim, hẹp van hai lá, phình động mạch chủ...
Phòng và trị bệnh ho
Thời tiết thay đổi, cần tránh để bị lạnh, bị ẩm đột ngột và kéo dài. Giữ vệ sinh sạch sẽ trong việc ăn, ở. Chú ý cải tạo môi trường trong lành, tránh ô nhiễm… Nên tránh xa những người bị cảm hay viêm mũi cấp tính.
Tăng cường rau xanh, hoa quả, đặc biệt là cam, quýt trong khẩu phần ăn của trẻ để làm tăng sức đề kháng tự nhiên, giúp cơ thể chống chọi tốt với bệnh tật.
Khi có bệnh hoặc nghi có bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị bệnh. Điều trị đúng, đủ để giải quyết triệt để các ổ viêm ở mũi họng.
Đối với những trường hợp mắc bệnh, nên nghỉ ngơi, hạ sốt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
Để chống ho, có thể dùng thuốc ho có nguồn gốc chiết xuất từ thiên nhiên chứa tinh dầu tràm, bạc hà, gừng, chanh đào, mật ong, hẹ. Các thuốc này có tác dụng điều trị các chứng ho, sát trùng đường hô hấp, làm loãng niêm dịch làm dịu ho… rất an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra khi dùng các thuốc điều trị ho khác phải có chỉ định bác sĩ.
Chăm sóc khi trẻ bị ho
Khi ốm, trẻ thường biếng ăn và cần có cách chăm sóc đặc biệt để giúp trẻ bình phục nhanh chóng. Đó là cách chọn thực phẩm và phương pháp cho trẻ ăn.
Trong lúc bệnh, trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa... đảm bảo bốn nhóm: bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ cũng rất cần tăng sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ.
Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như: rán, xào… Đối với món cá, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi trẻ hết bệnh hãy cho tập ăn trở lại.
Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đàm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đàm nhớt không còn đọng ở cổ trẻ. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn trớ.
Thức ăn có nhiều nước giúp làm loãng đàm nhớt ở trẻ, không bị kích thích ho nhiều. Nên chia bữa ăn ra làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần một lượng nhỏ. Tuyệt đối không ép vì trẻ sợ sẽ sinh phản ứng nôn trớ hoặc bỏ ăn kéo dài.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()