Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 17:42 (GMT +7)
Vị thế của Quỳnh Lâm với thiền phái Trúc Lâm
Thứ 7, 20/03/2021 | 08:25:47 [GMT +7] A A
Quỳnh Lâm là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm kể từ thời Lý đến thời Trần, Lê, Nguyễn, chùa luôn giữ vai trò là một trung tâm Phật giáo lớn, là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông. Đặc biệt, Quỳnh Lâm có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và phục hưng của Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập tại Yên Tử.
Có thể nhìn nhận vị thế của Quỳnh Lâm qua hai giai đoạn hết sức quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm là giai đoạn hình thành, phát triển và phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm.
Năm 1299, khi Thượng hoàng Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, xuất gia lập am tu hành tại Tử Tiêu trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đại sĩ. Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Tử Tiêu – Hoa Vân (sau đổi gọi là Hoa Yên), năm 1301, Trúc Lâm đại sĩ xuống núi, đi khắp xóm làng khuyên dân phá bỏ niềm tin sai lệch, tin vào chính pháp, thực hành thập thiện. Ghi chép về hành trạng của Trúc Lâm Đại sĩ cho thấy sau khi xuất sơn đến khi Ngài chính thức truyền giao y bát cho đệ nhị tổ Pháp Loa tại Cam Lộ đường, Trúc Lâm đại sĩ một mặt tập trung vào việc giáo hóa chúng sinh, hoằng dương chính pháp; thống nhất nghi lễ, xây dựng và thống nhất tăng đoàn, kiến lập tông phái; biên soạn và ấn tống kinh sách. Mặt khác việc tìm người kế đăng cũng được Trúc Lâm đại sĩ đặc biệt chú trọng. Năm 1304, khi đi đến sông Nam Sách, Trúc Lâm đại sĩ gặp gỡ và tiếp nhận Kiên Cương, người sau này được ban Pháp hiệu là Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm mới được phục dựng lại và khánh thành vào cuối năm 2020. Ảnh: Phan Hằng |
Với sự nhạy cảm của mình, Điều Ngự đã sớm nhận biết Kiên Cương chính là người có thể kế đăng của Trúc Lâm và thử thách đầu tiên của ông là làm thế nào để có thể được tiếp nhận tu học tại Quỳnh Lâm cùng với Hòa thượng Tính Giác. Sách Tam tổ thực lục cho biết “lúc trở về liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn, Điều Ngự thế phát, trao man y cho sư, rồi bảo đến Quỳnh Quán học với Hòa thượng Tính Giác”. Căn cứ vào hành trạng của Pháp Loa tại Quỳnh quán có thể suy đoán Quỳnh quán chính là Quỳnh Lâm. Như đã biết, ngay từ thời Lý, Quỳnh Lâm đã là một trung tâm Phật giáo lớn ở phía Đông. Với vị trí nằm án ngữ trên trục giao thông quan trọng từ Vân Đồn đến Thăng Long, do vậy, việc gửi Pháp Loa đến tu học với Hòa thượng Tính Giác không chỉ là cơ hội để Pháp Loa được học hỏi một vị thạc đức mà còn nhằm đảm nhiệm một nhiệm vụ quan trọng hơn trong tương lai đó là tiếp nhận tổ đình Quỳnh Lâm - một tổ đình quan trọng, đại danh lam của xứ Đông, từ đó đặt nền tảng cho việc mở mang phát triển Trúc Lâm về sau. Và như dự tính, Kiên Cương đã không phụ sự ủy thác của Điều Ngự, sau thời gian kiên trì thuyết phục ông đã được Hòa thượng Tính Giác tiếp nhận và truyền dạy, đồng thời kế thừa và quản lý tổ đình Quỳnh Lâm. Đến năm 1317, Pháp Loa cho mở rộng Quỳnh Lâm thành tự viện và phát triển nơi đây thành trung tâm quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Những hoạt động quan trọng nhất cho việc hoằng dương chính pháp của Phật giáo Trúc Lâm, như: đào tạo, giảng pháp, lưu trữ, ấn tống kinh sách… đều được tổ chức nhiều lần với quy mô lớn tại Quỳnh Lâm.
Với vị trí là một đại tùng lâm của Phật giáo Trúc Lâm, Quỳnh Lâm là nơi thường xuyên lui tới của hoàng gia và quý tộc thời Trần, nơi tiếp nhận nhiều vật lực do các cá nhân cúng dường. Tính đến cuối thế kỷ XIV, Quỳnh Lâm nắm giữ hàng ngàn mẫu ruộng, hàng ngàn Tam Bảo nô và nhiều tiền của do Phật tử là quý tộc cúng dường. Tất cả ruộng đất này còn được duy trì mãi về sau. Với vị trí và vai trò quan trọng trong Phật giáo Trúc Lâm, nguồn lực dồi dào, dưới thời Trần, Quỳnh Lâm không chỉ đóng vai trò là một trung tâm lớn của Phật giáo Trúc Lâm mà đây còn là nơi nắm giữ quyền lực quan trọng về kinh tế, văn hóa trong đó đặc biệt là đức tin… tác động sâu rộng đến xã hội Đại Việt.
Tháp cổ - nơi an trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, do Thiền sư Pháp Loa cho xây dựng tại chùa Quỳnh Lâm, mới được tu bổ lại. Ảnh: Phan Hằng |
Theo truyền thuyết, khi đánh chiếm Đại Việt, quân Minh phá hủy tượng Di lặc để lấy đồng nhưng các cuộc khai quật khảo cổ học tại Quỳnh Lâm chưa tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào về vấn đề này. Các dấu vết xây dựng thời Lê sơ và thời Mạc cũng ít được tìm thấy. Điều này cho thấy hai khả năng: Khả năng thứ nhất, Quỳnh Lâm viện đã bị giặc Minh tàn phá hoàn toàn, dưới thời Lê sơ và thời Mạc việc trùng tu, xây dựng lại không được thực hiện; khả năng thứ hai, Quỳnh Lâm viện không bị giặc Minh tàn phá mà còn được tiếp tục tồn tại cho đến thời Mạc. Các bằng chứng khảo cổ học phát hiện tại Quỳnh Lâm cho thấy khả năng thứ hai phù hợp hơn. Điều này cũng phù hợp khi chúng ta xem xét lại chính sách phá hủy và đồng hóa của nhà Minh trong 20 năm xâm chiếm Đại Việt. Việt Kiệu thư cho thấy, chùa và kinh sách không phải là đối tượng phải triệt phá (1), sự bảo lưu của tấm bia “Trùng tu, tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi” dựng từ thời Lý, thời Lê Trung hưng khắc lại là một minh chứng có tính thuyết phục cao. Thêm vào đó, đầu thế kỷ XVI, việc Trần Cảo chọn Quỳnh Lâm làm đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa nông dân không bởi Quỳnh Lâm có thành cao, hào sâu, địa thế hiểm trở mà bởi cơ sở và những nguồn lực xã hội to lớn mà Quỳnh Lâm nắm giữ. Có lẽ, việc đánh bại khởi nghĩa của Trần Cảo tại Quỳnh Lâm là nguyên nhân căn bản khiến những công trình xây dựng dưới thời Trần ở đây bị phá hủy. Do vậy, có thể nói, mặc dù dưới thời Lê sơ, Phật giáo nói chung, Phật giáo Trúc Lâm nói riêng không còn giữ vị trí lớn như trước đó song với những cơ sở và nguồn lực vốn có của mình, Quỳnh Lâm vẫn là một tổ đình lớn, một trung tâm Phật giáo quan trọng.
Dưới thời Lê Trung hưng, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII, nửa đầu thế kỷ XVIII, Quỳnh Lâm gắn với sự nghiệp phục hưng của thiền phái Trúc Lâm được dẫn dắt bởi Tăng thống Chân Nguyên và các đệ tử của ông tiếp tục kế thừa. Trong thời kỳ này, mặc dù các tư liệu không gọi là viện như thời Trần nhưng các hoạt động tại Quỳnh Lâm cũng sôi động và toàn diện không kém gì Quỳnh Lâm viện dưới thời Trần. Tại đây, sư Chân Nguyên tổ chức ấn tống kinh sách; thuyết pháp, độ tăng. Việc đào tạo tăng tài dưới thời Lê Trung hưng tại Quỳnh Lâm không được nhắc nhiều như dưới thời Trần song việc dựng tháp “thể” ở Long Động và tháp “dụng” tại Quỳnh Lâm là chỉ dấu cho thấy vai trò đào tạo tăng tài, hướng dẫn chúng sinh tu tập và hoàng dương chính pháp của Quỳnh Lâm trong giai đoạn này. Như đã biết, Thể -Dụng vốn là một khái niệm của đạo Nho (2), song các môn đồ của Tăng thống Chân nguyên đã mượn khái niệm “thể dụng” để diễn giải theo nghĩa thể là tu hạnh, giữ gìn những nguyên lý hoằng pháp; “dụng” là phô bày công đức, đức hạnh, dẫn dắt tăng ni, phật tử về với thiện tâm, Phật pháp (3).
Tấm bia cổ dựng từ thời Lý vẫn còn đến ngày nay tại chùa Quỳnh Lâm. Ảnh: Phan Hằng |
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX khu vực Đông Triều có nhiều biến động xã hội. Khởi nghĩa nông dân, lũ lụt dẫn đến dân cư một số làng phải phiêu tán song những ghi chép trên văn bia tháp Tịnh Minh trong vườn tháp cho thấy, từ năm 1800-1822, các khóa hạ vẫn được tổ chức đều đặn tại Quỳnh Lâm. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), đúc đại hồng chuông, tổng cộng có 80 chùa tham gia công đức. Điều này cho thấy, dưới thời Nguyễn sức ảnh hưởng của chùa Quỳnh Lâm vẫn hết sức lớn. Như vậy, có thể nói, trải qua gần 1.000 năm tồn tại, Quỳnh Lâm luôn là một đại danh lam, chốn tùng lâm, trung tâm phật giáo lớn của Phật giáo Đại Việt.
Nhìn suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển của Quỳnh Lâm có thể thấy, nét đặc sắc tiêu biểu nhất của trung tâm Phật giáo này luôn thờ Di Lặc là Phật chủ. Ít nhất có 3 ghi chép về việc đúc và tôn thờ Di Lặc tại Quỳnh Lâm. Dưới thời Lý, Dương Không Lộ cho dựng tượng Phật Di Lặc “cao 6 trượng 60 thước,... dựng Thượng điện 5 tầng cao 70 thước, rộng 50 thước để thờ” và chính pho tượng Di Lặc này được xếp trong nhóm An Nam tứ khí; đến thời Trần, đệ nhị tổ Pháp Loa lại cho đúc pho Di Lặc cao 1 trượng 6 thước 2 (5,28m) và phải nhờ cấm quân của vua Minh Tông kéo lên bảo tòa trước khi thếp vàng và dưới thời Lê Trung hưng, chúa Trịnh Giang cho đúc tượng Di Lặc. Các ghi chép cho biết thêm, Quỳnh Lâm luôn có 3 điện chính gồm: Thích Ca Phật điện; Di Lặc Phật điện và Di Đà Phật điện, trong đó Di Lặc Phật điện nằm ở trung tâm. Khảo cổ học đã chứng minh, Di Lặc không chỉ là điện nằm ở Trung tâm mà điện này thường có cấu trúc nền cao hơn so với các điện Phật còn lại. Điều này cho thấy, Di lặc Phật điện không chỉ là Phật điện trung tâm mà nó còn là Phật điện quan trọng nhất trong cấu trúc Phật điện của Quỳnh Lâm. Do vậy, có thể khẳng định Di Lặc là Phật chủ của Quỳnh Lâm.
Di Lặc Bồ Tát (Maitreya Bodhisatta) có hiệu là A Dật Da (Adjita) là vị Phật tương lai nối sau đức Thích Ca Mâu ni. Mặc dù Di Lặc Bồ Tát chưa thành Phật nhưng ngài vẫn lấy lòng từ bi mà phổ độ chúng sinh nên ngài thường được thờ phụng như một vị đã thành Phật, vị Phật ấy đem lại tương lai vui vẻ, đủ đầy và hạnh phúc.
TS Nguyễn Văn Anh
1. Nguyễn Huệ Chi (2013). Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Nxb Giáo Dục VN.
2. Thể - Dụng là khái niện được hình thành vào khoảng thế kỷ XI trong quan niệm của Tống Nho, nó thuộc Hình nhi thượng, tức là nhận thức luận. Theo đó Thể là cái tổng thể tồn tại tràn ngập và bao trùm khắp vũ trụ, là chân lý vĩ đại mà người ta chỉ có thể cảm thấy phần nào chứ không thể nắm bắt hay nhận thức hết được; Thể là hiện hữu nhưng bất khả tri. Dụng là cái bộ phận cụ thể, thành phần nhỏ bé nằm trong cái Thể to lớn vĩ đại của vũ trụ, là biểu hiện cụ thể của tồn tại, có thể nắm bắt và nhận thức được. Nhà nho cho rằng con người chỉ có thể biết được cái Dụng chứ ko biết được cái Thể.
3. Phạm Đức Huân (1990). Chùa Quỳnh Lâm qua văn khắc. Kỷ yếu Hội thảo Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm, tr.71.
Liên kết website
Ý kiến ()