Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 14:00 (GMT +7)
“Việc duy trì định kiến giới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng giới”
Chủ nhật, 22/10/2023 | 13:32:49 [GMT +7] A A
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, về vấn đề bình đẳng giới và những thách thức của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
- Xin chào ông! Nếu nhìn về thế hệ, ông nhận định vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay đã có những thay đổi như thế nào cả về vị trí, vai trò và những cơ hội trong cuộc sống so với trước kia?
+ Cá nhân tôi luôn luôn cho rằng, từ xưa đến nay, phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội. Nếu nhìn về thế hệ, chúng ta thấy phụ nữ ngày xưa, nhất là trong xã hội phong kiến thì vai trò của họ trong gia đình và xã hội ít được coi trọng hơn so với thời nay. Họ thường cam chịu, chấp nhận.
Ngày nay, phụ nữ đã vươn lên và khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của gia đình và xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc… Và đặc biệt là ở những lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho nam giới, thì ngày nay phụ nữ cũng làm được và làm tốt.
Xã hội ngày càng phát triển sẽ dần xóa bỏ khoảng cách và sự phân biệt giữa phụ nữ và nam giới, cũng chính điều đó đã tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho phụ nữ được giải phóng và phát huy tài năng để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
- Là một người đã nhiều năm gắn bó với công tác xã hội, theo ông những vấn đề mà phụ nữ hiện đại đang phải đối mặt là gì?
+ Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều vấn đề mà phụ nữ trong xã hội hiện nay phải đối mặt như: Sự bất bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn còn phổ biến, vấn đề trọng nam khinh nữ như việc lựa chọn giới tính thai nhi hoặc là phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường, vấn đề xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái…
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các dịch vụ tiếp nhận, tư vấn, cung cấp các nhu cầu thiết yếu, kết nối và thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp. Đặc biệt với việc triển khai Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh từ tháng 4/2020, cung cấp miễn phí dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, cho đến nay Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh đã tư vấn qua tổng đài đối với 510 cuộc gọi, hỗ trợ tạm lánh an toàn và cung cấp dịch vụ thiết yếu tại Ngôi nhà Ánh Dương với tổng số 39 nạn nhân.
Tuy nhiên, số lượng này chưa thể phản ánh hết được thực trạng của vấn nạn bạo lực trên cơ sở giới hiện nay bởi vì còn nhiều nạn nhân chưa biết đến các địa chỉ có thể hỗ trợ mình hoặc biết nhưng còn ngần ngại. Nạn nhân phụ nữ bị bạo lực gia đình tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương đều là những trường hợp gặp phải mức độ tổn thương đã quá lớn và tìm đến tạm lánh an toàn để chờ giải quyết thủ tục ly hôn.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 là cứ 3 phụ nữ thì có ít nhất 1 phụ nữ bị ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Như vậy có thể thấy vấn đề bất bình đẳng giới với hình thức bạo lực đối với phụ nữ có lẽ là vấn nạn lớn nhất mà phụ nữ ngày nay đang phải đối mặt.
- Quan điểm của ông về bình đẳng giới? Những định kiến giới vẫn còn tồn tại như thế nào trong xã hội hiện nay?
+ Khi nói đến bình đẳng giới, hầu hết chúng ta đều quen thuộc với khái niệm “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng”. Ngày nay khái niệm ấy cần được hiểu đầy đủ hơn. Bình đẳng giới trong xã hội hiện nay không chỉ nói về sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới mà còn cả người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới đều được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng ngang nhau.
Ở Việt Nam, định kiến giới được hình thành, thấm sâu trong nhận thức của mỗi người qua nhiều đời và vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Ví dụ: Phụ nữ phải ngoan, hiền, vâng lời chồng, ngược lại, nam giới thì phải là trụ cột về kinh tế, phải thành đạt… cộng đồng duy trì gánh nặng “việc nhà” lên giới nữ mặc dù cả hai giới cùng thực hiện vai trò kinh tế như nhau.
Việc duy trì định kiến giới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng giới. Nó cản trở sự tham gia bình đẳng của nam và nữ vào quá trình ra quyết định, tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực trong gia đình và ngoài xã hội.
- Phải chăng chìa khóa đầu tiên để thực hiện bình đẳng giới là thay đổi quan điểm của những người đàn ông trong xã hội?
+ Theo quan điểm của tôi, chìa khóa đầu tiên để thực hiện bình đẳng giới không chỉ là thay đổi quan điểm của những người đàn ông trong xã hội mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng như thực hiện Luật Bình đẳng giới giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Cần phải thay đổi cách nhìn thiên lệch về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay, tạo điều kiện cho họ có cơ hội học hành, thăng tiến và tham gia các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất tinh thần, kiên quyết dẹp bỏ những tập tục lạc hậu nhằm nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Có ý kiến cho rằng trong vấn đề bất bình đẳng giới, người phụ nữ có đóng góp một phần đáng kể bởi chính họ đôi khi cũng áp đặt định kiến giới lên bản thân mình. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
+ Vâng, ý kiến trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì một trong những nguyên nhân của định kiến giới, bất bình đẳng giới là xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm chấp nhận của chính những người phụ nữ. Bất bình đẳng giới phát sinh do các quan niệm về giá trị của phụ nữ thấp hơn so với nam giới, từ đó trong cộng đồng hình thành thói quen hạ thấp quyền của phụ nữ trong cuộc sống gia đình và tại cộng đồng. Việc hạ thấp, bỏ qua quyền của phụ nữ đã làm cho nam giới dễ lạm quyền và nghĩ rằng có quyền kiểm soát phụ nữ.
- Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến những người phụ nữ - một nửa của thế giới?
+ Với những người làm công tác xã hội như chúng tôi, tôi mong muốn tất cả phụ nữ luôn được bình an và hạnh phúc. Tôi tin đó là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, nếu phải đối diện với những vấn đề như bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, tôi mong muốn chị em đủ tỉnh táo, đủ dũng cảm để ứng phó, sớm có giải pháp để giải quyết và vượt qua. Và khi cần, hãy liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội - Ngôi nhà Ánh Dương chúng tôi theo số điện thoại 18001769.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 với tất cả tình cảm quý mến và trân trọng, tôi xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị em lời chúc sức khỏe, an lành, hạnh phúc. Chúc các chị em đều thành công trong lĩnh vực công tác của mình.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()