Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 23:15 (GMT +7)
Việc làm ý nghĩa của các CCB
Chủ nhật, 06/12/2020 | 07:22:34 [GMT +7] A A
Dù ở vùng sâu, vùng xa cho đến những đô thị, các phong trào ở địa phương đều có sự vào cuộc của các cựu chiến binh (CCB). Họ luôn giữ nguyên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào.
Nhiều năm trước đây, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), luôn đứng vị trí là xã nghèo nhất của huyện, nhất là về giao thông. Ở bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn có xóm Cấu Phùng 2, nằm cách trở sông suối. Đường đến Cấu Phùng 2 rất xấu, lại không cầu, nên bà con trồng cây gì, nuôi con gì cũng không hiệu quả, vì ăn không hết, bán thế nào, ai vào đấy mà mua.
Thời điểm khi chưa có cầu, cả xóm Cấu Phùng 2 không có hộ nào thoát nghèo. Giao thông Cấu Phùng 2 chia cách với các khu dân cư khác bởi một con suối rộng khoảng 50m. Người dân làm mảng qua sông, rất nguy hiểm.
Người dân bản Cấu Phùng vui mừng đi trên cây cầu mới. Ảnh:Hữu Việt |
Hội CCB tỉnh đã đứng ra kêu gọi các hội viên trong toàn tỉnh đóng góp để làm công trình cầu dân sinh Cấu Phùng 2. Công trình có chiều dài 45,5m, tổng đầu tư ước tính 2,4 tỷ đồng, trong đó 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Hội CCB tỉnh còn lại là của huyện Hải Hà. Cây cầu đã hoàn thành vào cuối năm 2017, giúp người dân phát triển kinh tế và góp phần không nhỏ đưa xã Quảng Sơn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn cuối năm 2019.
Xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn cũng một thời sở hữu nhiều con đường xấu nhất huyện. CCB Trần Quốc Bảng, thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên, đã góp phần không nhỏ làm thay đổi các con đường nơi ông sinh sống. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được đưa vào xã, thôn Voòng Tre cần mở rộng và bê tông hóa con đường thôn, ông Bảng đi vận động người dân và lấy CCB làm nòng cốt gương mẫu hiến đất, góp tiền, góp công làm đường (riêng gia đình ông Bảng hiến 70m2 đất).
Vậy là thôn Voòng Tre có con đường dài 120m được bê tông hóa. Người dân phấn khởi trồng hoa hai bên đường, đóng góp tiền dựng cột điện, mua bóng, dây điện thực hiện Chương trình “Điện thắp sáng đường quê” do Hội CCB phát động để các con đường tỏa sáng về ban đêm.
CCB Trần Quốc Bảng trên con đường mà mình đã đóng góp nhiều công sức |
Ngày nay, xã Tình Húc (huyện Bình Liêu) đã sáp nhập vào thị trấn Bình Liêu. Đầu năm 2019, Tình Húc còn là xã riêng biệt và đang trong diện đặc biệt khó khăn, nhiều CCB đã vào cuộc tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Ở thôn Nà Phạ, xã Tình Húc (cũ) được quy hoạch khu nghĩa trang của xã liên quan đến khu đất của 14 hộ dân. Ban đầu, việc vận động người dân hiến đất làm nghĩa trang và đường ra nghĩa trang rất khó khăn. Vậy là 6 hội viên Hội CCB ở thôn Nà Phạ đã đi đầu trong việc hiến đất, tiêu biểu như CCB Trần Văn Lài hiến 800m2 và CCB La Chắn Hùng hiến 440m2. Khi thấy các CCB gương mẫu hiến đất, 8 hộ dân có phần đất liên quan ban đầu còn chần chừ sau cũng hiến phần đất của mình để xã có công trình nghĩa trang đảm bảo môi trường xây dựng nông thôn mới.
CCB Nguyễn Văn Bội đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Dương Văn Tất, người được ông giúp đỡ ổn định cuộc sống khi về khu phố 8. |
Ở nơi đô thị, nhưng vẫn có nơi cuộc sống vẫn chưa hoàn hảo, nhiều CCB đã tích cực trong các hoạt động xã hội. Khu phố 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long) được thành lập năm 2014, bà con từ làng chài trên Vịnh Hạ Long đến đây tái định cư. Người dân làng chài trước đây sống dưới biển, cuộc sống đơn giản chỉ cần có tiền là được. Nay lên đất liền, đời sống có nhiều việc phải làm, nhiều người lớn không biết chữ, đa phần trẻ em chưa có giấy khai sinh.
Ông Nguyễn Văn Bội, là lãnh đạo Hội CCB phường Hà Phong đã phối hợp với ngành giáo dục thành phố thành lập được 2 lớp xóa mù chữ cho bà con và tất bật lo làm giấy khai sinh cho lũ trẻ. Dần dần, cuộc sống của bà con làng chài ổn định và từng bước đi vào nề nếp. Ông Bội còn đến vận động bà con bỏ được thói quen chôn người chết ở các đảo ngoài biển để bớt chi phí, mà chôn người quá cố nơi nghĩa trang của thành phố cho văn minh, đảm bảo về môi trường.
Ông rất chú trọng nhắc nhở động viên các gia đình chuyên nghề chài lưới quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình, xóa bỏ quan niệm trước đây “học giỏi, học dốt đều làm chài lưới thì học làm gì”. Từ sự nỗ lực của ông Bội và nhiều tổ chức đoàn thể phường, mà việc học tập của trẻ em làng chài đã thay đổi hẳn, đã có em là học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em là học sinh giỏi toàn diện của nhà trường.
Ông Bội còn phối hợp với các đoàn thể phường Hà Phong vận động doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, hỗ trợ làm nhà cho 2 thương binh, 1 CCB là nạn nhân chất độc da cam và 1 gia đình liệt sĩ, giúp cho họ có mái ấm. Các hội viên CCB khi có nhu cầu đều được ông tạo điều kiện giúp vay vốn sản xuất, nên Hội CCB phường Hà Phong đã không còn hội viên nghèo.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()