Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:03 (GMT +7)
Viêm mũi dị ứng khi nào cần gặp bác sĩ?
Thứ 2, 26/08/2024 | 10:06:53 [GMT +7] A A
Thường xuyên xổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi từng tràng, đau đầu, mệt mỏi, nhức mắt… bạn đang vướng phải căn bệnh viêm mũi dị ứng rồi đấy.
Viêm mũi dị ứng, căn bệnh gây phiền phức
Ô nhiễm môi trường và khí hậu khắc nghiệt là nguyên nhân gây nên các căn bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm mũi dị ứng. Hiện nay, tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10%-15% dân số thế giới. Tại Việt Nam, theo công bố từ một hội thảo chuyên ngành, viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng. Có thể coi là căn bệnh hô hấp “quốc dân”.
Đặc biệt, bệnh gia tăng nhanh trong thời gian gần đây, do ô nhiễm môi trường và sự xuất hiện những dị nguyên mới. Viêm mũi dị ứng có thể gây những biến chứng rất đáng ngại.
Người bị viêm mũi dị ứng có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện nào của bệnh. Tuy nhiên các triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi. Các dị nguyên gây bệnh là: Phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất. Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, xà phòng, chất tẩy rửa…
Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Thế (Bệnh viện Phổi TW), triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, liên tục chảy chất nhầy từ mũi, hắt hơi. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài. Chất lượng cuộc sống của chúng ta khi mắc căn bệnh này thật đáng phàn nàn mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng và cũng không phải bệnh truyền nhiễm.
Viêm mũi dị ứng, coi chừng biến chứng!
Viêm mũi dị ứng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm xoang cấp và mạn tính do ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm, tắc các lỗ thông xoang. Do viêm nhiễm ở niêm mạc mũi và xoang mũi, vi khuẩn xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa. Ngạt mũi, tắc mũi khiến người bệnh khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động...
Bên cạnh đó, bệnh viêm mũi dị ứng khiến nhiều người không chỉ ngứa mũi mà còn bị ngứa cả mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, dễ nhầm với bệnh viêm kết mạc. Hoặc do bệnh nhân gãi và dụi mắt nhiều có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh. Tình trạng “mắt mũi kèm nhèm” khiến tinh thần người bệnh sa sút mặc dù đây không phải là căn bệnh quá đáng lo ngại. Ở trẻ em, viêm mũi dị ứng thường gây ra viêm tai giữa.
Viêm mũi dị ứng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh nguy hiểm hơn nhiều, đó là hen suyễn. Bởi vì, người bị viêm mũi dị ứng thường xuyên phải thở miệng, gây ảnh hưởng đường thở, từ đó dễ dẫn đến bệnh hen. Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng cũng thường là các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Do đó, người bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ có nguy cơ cao mắc hen. Bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng nếu không điều trị tốt thì các cơn hen sẽ bùng phát nặng hơn, nhất là khi chuyển mùa.
Viêm mũi dị ứng có chữa khỏi được không?
Tin không vui cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng là căn bệnh chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn khống chế được nó nếu có những hiểu biết nhất định về y tế.
Bạn có thể điều trị viêm mũi dị ứng theo nhiều cách như rửa mũi, sử dụng thuốc xịt tại chỗ chứa corticoid, thuốc kháng histamin. Các loại thuốc xịt tại chỗ chứa corticoid được dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng là loại nồng độ lượng thấp, đảm bảo tiêu chí an toàn và hiệu quả. Đương nhiên, bạn cần xin ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc hay biện pháp điều trị nào cho bệnh viêm mũi dị ứng.
Phương châm “bác sĩ tốt nhất là chính mình” áp dụng cho căn bệnh viêm mũi dị ứng vô cùng chính xác. Bởi vì quan trọng nhất là bạn cần thay đổi lối sống, tự đặt ra chế độ sinh hoạt phù hợp. Chả hạn sử dụng máy lạnh thay vì để cửa sổ mở, việc làm này sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc với phấn hoa, khói hoặc bụi; Luôn đề phòng viêm đường hô hấp khi thời tiết thay đổi; Loại bỏ thói quen của người Việt chúng ta là ngoáy mũi bằng tay để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi. Đặc biệt tránh xa khói thuốc lá và các chất kích thích. Nhất thiết theo đuổi một bộ môn thể dục để tăng cường sức dẻo dai, đề kháng của cơ thể. Chế độ ăn cần tránh đồ sống, lạnh, tanh…
Một điều ít ai nghĩ tới đó là tình trạng căng thẳng, stress là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ tới hệ hô hấp nói chung và bệnh viêm mũi dị ứng nói riêng.
Khi bị hắt hơi liên tục, ngứa mũi, cổ, mắt, ngạt mũi, chảy nhiều dịch mũi, đau nhức hốc mũi, ho nhiều và sốt, sụt cân, mất ngủ, dị ứng nặng đến mức khó thở… thì bạn nên tới gặp bác sĩ.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()