Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 00:32 (GMT +7)
Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm truyền thống
Thứ 7, 29/10/2022 | 15:06:07 [GMT +7] A A
Sáng 29/10, Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (1962 - 2022) và các hoạt động chào mừng.
Đây là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua rất đáng tự hào của Viện Báo chí - một cơ sở nghiên cứu, đào tạo bậc đại học và sau đại học về báo chí uy tín hàng đầu cả nước. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Viện gặp gỡ, cùng trao đổi, đề ra những mục tiêu, định hướng giải pháp nhằm phát triển đơn vị lên một tầm cao mới, giữ vững thương hiệu và nâng cao uy tín của Viện Báo chí.
Nhân dịp này, Viện Báo chí đã vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí cho biết Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra đời ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) với Khoa Báo chí, theo quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong 60 năm qua, Viện Báo chí đã xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu báo chí đáp ứng yêu cầu cách mạng ở từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí – truyền thông. Gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho nền báo chí truyền thông; vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước. Viện tham gia chương trình đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… và một số nước khác.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên đào tạo đại học báo chí, xây dựng chương trình trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở mã ngành đào tạo báo chí bậc thạc sĩ, tiến sĩ sớm nhất cả nước. Viện Báo chí hiện có 2 chuyên ngành đào tạo bậc cử nhân báo chí; 2 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí và tiến sĩ báo chí từ năm 2003 cho tới nay.
Phát huy thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và giảng dạy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thời gian tới, Viện Báo chí xác định trong lĩnh vực đào tạo, duy trì và phát triển hệ thống đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh, mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh báo chí phù hợp với xu thế phát triển của báo chí truyền thông hiện đại và nhu cầu thực tiễn báo chí truyền thông Việt Nam…
Trong lĩnh vực nghiên cứu, xu hướng báo chí truyền thông hiện đại, Viện hướng đến báo chí tích cực, truyền thông sáng tạo, báo chí dữ liệu, hội tụ và đa phương tiện, các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, báo chí số, báo chí dữ liệu và cơ sở dữ liệu báo chí truyền thông, an ninh truyền thông…
Tiếp sau lễ kỷ niệm đã diễn ra Hội thảo “Viện Báo chí: Truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu – vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về báo chí. Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật thành tựu cùng những dấu mốc quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu qua các thời kỳ của Viện Báo chí. Các đại biểu cũng nêu lên những thế mạnh, thách thức và các vấn đề đặt ra đối với quá trình phát triển của Viện Báo chí trong thời gian tới, qua đó đề xuất chiến lược, giải pháp phát triển Viện trong bối cảnh phát triển báo chí truyền thông số, đa nền tảng, đa phương tiện.
Tối cùng ngày, Viện Báo chí tổ chức Lễ trao giải báo chí - truyền thông Thắp sáng (Fire Up), trao học bổng cho sinh viên và chào tân sinh viên 2022.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()