Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/12/2024 09:17 (GMT +7)
Viếng mộ nhà yêu nước Nguyễn Thái Học
Chủ nhật, 15/03/2020 | 09:21:31 [GMT +7] A A
Xã Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) – quê hương nhà yêu nước Nguyễn Thái Học chỉ cách quê tôi 15km. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 do Việt Nam Quốc dân Đảng mà đứng đầu là Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã đi vào tiềm thức của tôi từ những năm tháng học phổ thông, đại học rồi công tác trong ngành liên quan đến nghiên cứu lịch sử. Chừng ấy là quá đủ để thôi thúc tôi có dịp đến Yên Bái phải thu xếp bằng được đến viếng mộ lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Thật ý nghĩa, chỉ ít ngày nữa thôi là tròn 90 năm ngày mất của ông và các chiến sĩ.
Di tích khu mộ lãnh tụ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 nằm trong công viên Yên Hòa, bên cạnh đại lộ cùng tên Nguyễn Thái Học thuộc phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đối diện với khu di tích, cách một hồ nước trong xanh, phía bên kia là trung tâm mua sắm Vincom. Khu di tích Nguyễn Thái Học đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990 - đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái và được khởi công xây dựng vào đúng ngày giỗ lần thứ 70 của các vị anh hùng là ngày 17/6/2000. Theo bia ghi ở khu di tích, hiện tổng thể công trình có diện tích là 10.391m bao gồm nhà đón khách, khu tượng đài, bia tưởng niệm, khu lăng mộ và khuôn viên cây cảnh.
Tượng đài Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của mình. |
Theo các tài liệu lịch sử, Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người yêu nước, ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường đã từng gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam.
Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng và ông được bầu làm Chủ tịch. Đêm ngày 9, rạng ngày 10/2/1930, một cuộc nổi dậy bằng vũ trang đã nổ ra tại Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức, lãnh đạo nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp để xây dựng một nước Việt Nam độc lập theo chính thể cộng hòa, mở đầu cho hàng loạt các cuộc bạo động chống Pháp tại nhiều địa phương thuộc miền Bắc nước ta. Với khẩu hiệu "Không thành công cũng thành nhân”, khởi nghĩa Yên Bái đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, cuộc khởi nghĩa đã thất bại.
Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (nay là khu Tiên Sơn, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), bị kết án tử hình. Thực dân Pháp đã tử hình Nguyễn Thái Học cùng các yếu nhân của Quốc dân Đảng. Đợt 1 vào ngày 8/5/1930 có 4 người: Ngô Hải Hoằng, Đặng Văn Tiệp, Đặng Văn Lương, Nguyễn Thanh Thuyết. Đợt 2 vào ngày 17/6/1930 có 13 người: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Đào Văn Nhít, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tứ, Bùi Văn Cửu, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Hà Văn Lạo. Cả hai đợt tử hình được thực hiện tại khu lính tập và chôn ở vùng tận cùng của nghĩa trang thị xã Yên Bái lúc bấy giờ. Truyền rằng, sau khi chứng kiến sự hy sinh của các đồng chí của mình khi bị thực dân Pháp chém đầu, tới lượt mình, Nguyễn Thái Học ung dung bước lên máy chém và hô to: "Việt Nam vạn tuế".
Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong vòng tròn khuyết với câu nói bất hủ của ông: "Không thành công cũng thành nhân". |
Tôi đến viếng khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ yêu nước đúng vào thời khắc 12 giờ trưa nên khuôn viên di tích vắng vẻ, chỉ có vài bạn trẻ ngồi chơi, đọc sách bên ghế đá ven hồ. Trước đó gần 1 tháng, ngày 10/2/2020, tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm (1930 – 2020) khởi nghĩa Yên Bái, dâng hương tại khu di tích này.
Trung tâm khuôn viên khu di tích, nổi bật là cụm tượng đài Nguyễn Thái Học và các đồng chí của mình, áng chừng cao khoảng hơn 5m gồm có 5 nhân vật đứng trên một đám mây cách điệu, bao quanh chân tượng là nhóm phù điêu.
Theo ghi chép văn bia tại di tích, nhân vật đứng chính giữa cụm tượng đài là lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học. Ông được lấy mẫu khi còn là sinh viên Cao đẳng thương mại Đông Dương, trẻ trung và đầy ý chí. Nhân vật thứ hai đứng cạnh nắm tay Nguyễn Thái Học là Nguyễn Khắc Nhu. Người đứng sau Nguyễn Thái Học ở bên phải là Phó Đức Chính, một trong những người có vị thế trong Việt Nam Quốc dân Đảng. Kế tiếp là Ngô Hải Hoằng (cai Hoằng) đứng thứ ba bên trái sau Nguyễn Khắc Nhu. Ông là người trực tiếp tham gia và chỉ huy trong trận đánh ở Yên Bái. Nhân vật thứ năm - nhân vật nữ duy nhất trong cụm tượng đài là bà Nguyễn Thị Giang, một trong số ít nữ đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng. Bà vừa là đồng chí vừa là vợ của nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học. Sau khi chứng kiến phút hy sinh oanh liệt của chồng, bà rời Yên Bái về quê của Nguyễn Thái Học tự sát.
Nhà bia ghi tên các chiến sĩ yêu nước trong Khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp hành hình. |
Phía sau cụm tượng đài là nhà tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ yêu nước, trưng bày các tư liệu về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, thân thế các liệt sĩ. Bên trái tượng đài là khu mộ rộng gần 100m2. Chính giữa là 2 lăng mộ tập thể, xây hình chữ nhật, lát đá hoa cương cao chừng 1m. Bên phải khu mộ là một khối hình vát mô phỏng lưỡi máy chém ốp đá hoa cương đen, mặt trên ghi câu thơ của Nguyễn Thái Học đọc trước khi lên máy chém "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang". Đối diện là một bảng vàng lưu danh 17 vị anh hùng. Bao quanh phần mộ là 17 cột trụ to, tròn, cao tượng trưng cho 17 vị nghĩa sĩ bị xử chém, 17 cột này được nối với nhau bằng một vòng tròn khuyết với dòng chữ là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học cũng là phương châm hành động và tư tưởng chủ đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng, đó là “Không thành công cũng thành nhân". Vòng tròn khuyết tượng trưng cho sự thiếu toàn vẹn, sự thất bại của cuộc khởi nghĩa, sự khiếm khuyết của phong trào cũng như sự nghiệp cách mạng dở dang của Việt Nam Quốc dân Đảng.
Ở giữa khu tượng đài và khu mộ là một tấm bia cách điệu với dòng chữ vàng ghi lời của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon sáng tác tháng 6/1930 sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái: "Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".
Đến tham quan khu di tích khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong khởi nghĩa 2/1930, tôi nghĩ không bản thân mình mà ai cũng sẽ hiểu thêm về nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, cũng như khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Khởi nghĩa Yên Bái tuy không thành công nhưng lòng yêu nước là bất diệt. Chính vì thế, trên đất nước ta, rất nhiều nơi lấy tên Nguyễn Thái Học đặt tên cho các đại lộ và các trường học. Các yếu nhân, cộng sự của ông như Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Cô Giang… đặt tên cho các đường phố, trường học. Ký Con – bí danh của Đoàn Trần Nghiệp đã được chọn đặt tên cho đại đội Vệ quốc quân nổi tiếng thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ninh, Hải Phòng, đó là Đại đội Ký Con. Nhiều văn nghệ sĩ đã lấy đề tài khởi nghĩa Yên Bái để viết thành tiểu thuyết, thơ, nhạc, kịch bản sân khấu, để lại nhiều tác phẩm giá trị, thấm đẫm tình yêu nước.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()