Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:58 (GMT +7)
Việt Nam có nhiều lợi thế để vươn lên trong thị trường chất bán dẫn
Thứ 7, 22/07/2023 | 07:40:42 [GMT +7] A A
Trong chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về quan hệ kinh tế song phương và các vấn đề khu vực, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong ngành sản xuất chip.
Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 3 sang Mỹ, chỉ sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu chip cũng tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 562 triệu USD vào tháng 2.2023.
"Chúng tôi hào hứng với sự đầu tư ngày càng tăng mà các công ty đang thực hiện tại Việt Nam, từ những đầu tư vào hệ sinh thái chất bán dẫn đến chuỗi cung ứng năng lượng sạch, điều đang tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp Việt Nam" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, cho biết.
Lợi thế về chi phí sản xuất, nhân lực
Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, bến cảng và sân bay... Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực kêu gọi, thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực chip, đưa ra các ưu đãi về thuế và lợi ích khác cho những công ty hoạt động tại Việt Nam.
Do đó, các cơ sở tiên tiến để sản xuất chất bán dẫn đã và đang được xây dựng.
Không chỉ đầu tư vào các cơ sở sản xuất, hàng tỉ USD cũng đã được rót vào việc thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục để đào tạo công nhân.
Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam chuyên về khoa học và kỹ thuật, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động hiện nay.
Lợi thế nhân khẩu học này được phản ánh trong thứ hạng của Việt Nam khi thuộc 10 quốc gia hàng đầu về số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật.
Hơn nữa, Việt Nam còn được hưởng lợi từ chi phí sinh hoạt thấp và sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn, cho phép thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Dòng công nhân lành nghề này đã giúp ngành phát triển và mở rộng nhanh chóng.
Sự hỗ trợ của chính phủ
Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về chất bán dẫn đã được thể hiện rõ ràng từ năm 2012, khi chính phủ mô tả các sản phẩm này là “hàng hóa và dịch vụ trọng điểm của quốc gia”.
Tuy nhiên, hiện tại ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, chính phủ đang tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này thông qua các kế hoạch sản xuất chip trong nước.
Chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của ngành này trong việc đạt được mục tiêu dài hạn là trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số và đã thực hiện nhiều chính sách, sáng kiến khác nhau để đạt được mục tiêu đó.
Việt Nam đã thực hiện các chính sách và cung cấp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, đưa ra nhiều biện pháp khác nhau nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ sự phát triển của ngành này.
Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn có thể được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, hoặc giảm tới 50% tại các khu công nghệ cao tập trung.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian thuê.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, là động lực chính cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Vị trí địa lý
Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm Đông Nam Á, địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn thâm nhập thị trường chất bán dẫn đang phát triển nhanh của khu vực này.
Nhờ vị trí địa lý, Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận các chuỗi cung ứng chất bán dẫn hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hơn nữa, Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như cảng, đường cao tốc và sân bay, để cải thiện khả năng kết nối của các trung tâm sản xuất với phần còn lại của thế giới.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()