Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:42 (GMT +7)
Việt Nam đồng hành cùng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu
Thứ 2, 12/02/2024 | 14:23:43 [GMT +7] A A
Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân và doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ quốc tế trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Nỗ lực giảm phát thải
Hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là sau khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được Việt Nam phê duyệt năm 2016.
Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất, hiệu quả các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992 và phê chuẩn năm 1994; tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone năm 1994. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đặc biệt đã tham gia nhiều sáng kiến quốc tế quan trọng tại các Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đến COP28.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị COP26. Sau Hội nghị COP26 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai ký kết hợp tác với 8 quốc gia, 11 tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế, đã thiết lập Nhóm công tác chung về khí hậu giữa Việt Nam với một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ để triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc Việt Nam đồng hành với gần 150 quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia nhiều sáng kiến tại COP26 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu đầu tư cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên, định kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính và xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu gửi Ban Thư ký Công ước, xây dựng và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định, ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050...
Đối với việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC; các chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở và sẽ loại trừ hoàn toàn vào năm 2040. Từ năm 2024, các chất HFC bắt đầu được quản lý và loại trừ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia.
Nhiều tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn lớn; đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, ký kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước. Đây cũng là động lực để chuyển đổi mô hình phát triển gắn với xu thế phát triển toàn cầu, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự gắn kết và tham gia của toàn dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, con đường để đạt được các mục tiêu đề ra theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu rất chông gai, đòi hỏi trí tuệ, tinh thần hợp tác và tình đoàn kết cao. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định cần tăng cường hợp tác và kết nối giữa chính phủ với chính phủ, giữa chính phủ với doanh nghiệp, dùng đầu tư công để dẫn dắt tài chính tư trong bối cảnh tài chính tư là một nguồn lực quan trọng đối với các nỗ lực giảm phát thải. Các nước cần đề ra một lộ trình giảm phát thải hết sức bài bản, thực tế, không phải bằng mọi giá vì còn cần tính đến các vấn đề kinh tế - xã hội.
Huy động hỗ trợ từ quốc tế
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Tại COP28, Việt Nam đã tham gia thực chất và có nhiều hoạt động đóng góp quan trọng cho sự thành công của Hội nghị, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh với thông điệp lớn “Đoàn kết quốc tế, chung tay vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại”; nêu rõ phương châm nói đi đối với làm, thể hiện vị thế, vai trò chủ động, sáng tạo và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Các cam kết quốc tế mới về tài chính khí hậu tại COP28 là cơ hội để Việt Nam dễ dàng tiếp cận các quỹ khí hậu, qua đó thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn, Thỏa thuận Paris không quy định việc đạt phát thải ròng bằng “0” của tất cả các quốc gia vào năm 2050. Do đó, để đạt mục tiêu này, các quốc gia phát triển cần nâng cao hơn nữa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn đến năm 2025 và 2030. Kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần giúp xây dựng sự tự tin và lòng tin giữa các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực đầu tư công trong 10 năm qua đáp ứng khoảng 24 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hơn 30 tỷ USD đã được huy động từ khu vực doanh nghiệp và các chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ quốc tế. Riêng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã huy động được 1,5 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các dự án ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; gần 400 hành động chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu được xây dựng và thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Các nguồn đầu tư từ các quỹ có liên quan hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước, quốc tế và vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng ngày càng gia tăng.
Về tài chính cho thực hiện JETP, các đối tác cam kết huy động ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới, bao gồm hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, quỹ hỗ trợ Việt Nam; các khoản tín dụng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, với những cơ hội từ việc Việt Nam đã và đang tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu. Việc triển khai thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các bộ, ngành và các đối tác tích cực triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị JETP; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ triển khai những hành động cụ thể, thiết thực triển khai kết quả các Hội nghị COP26 đến COP28, đóng góp tích cực vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()