Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:58 (GMT +7)
Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào quý III/2021
Chủ nhật, 06/12/2020 | 10:48:30 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của các chuyên gia và các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao khoa học, nếu điều kiện thuận lợi, khoảng quý III/2021, Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Rắc vôi khử trùng lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Trang/TTXVN. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việc chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và xây dựng các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với động vật đang được ngành chăn nuôi triển khai quyết liệt.
Khi dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã cùng với các địa phương luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời ứng phó với tình hình, diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhanh chóng xây dựng các kịch bản và các nhóm giải pháp phòng chống dịch khẩn cấp, ngắn hạn và dài hạn sát với thực tiễn. Một trong các nhóm giải pháp có tính chiến lược, lâu dài và bền vững đó là nghiên cứu sản xuất vắc-xin.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi dịch bệnh xảy ra, Bộ NN&PTNT đã huy động các nhà khoa học thuộc các trường, viện, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành chủ động nhiên cứu vắc-xin. Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ngay các nhiệm vụ nghiên cứu đến các đơn vị.
“Tất cả các đơn vị, các nhà khoa học đã tập trung cho công tác nghiên cứu. Bộ NN&PTNT đã tích cực huy động sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như OIE, FAO, cũng như hợp tác trực tiếp với các cơ quan nông nghiệp của nước ngoài để tập trung triển khai nhiệm vụ này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Bộ NN&PTNT đã phân công một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, đôn đốc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Thành lập Hội đồng khoa học gồm 13 nhà khoa học là các giáo sư đầu ngành nghiên cứu vắc-xin, phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ làm nhiệm vụ thường trực đôn đốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay, công việc nghiên cứu vắc-xin đã đạt được những kết quả bước đầu: Đã phân lập, lựa chọn và hình thành ngân hàng các virus dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam để làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Tập trung giải trình gen của các chủng virus để phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, sản xuất vắc-xin và chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác xét nghiệm. Nghiên cứu dịch tễ để làm cơ sở xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và các giải pháp phòng chống bệnh.
Đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi lợn để nâng cao sức đề kháng, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và xử lý môi trường. Đã sản xuất được một số lô vắc-xin các loại khác nhau, trong đó có lô vắc-xin vô hoạt và lô vắc-xin nhược độc. Bước đầu thử nghiệm ở quy mô hẹp cho kết quả khả quan, các nhà khoa học đang hoàn thiện quy trình công nghệ để sản xuất vắc-xin thử nghiệm ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng đã nghiên cứu chọn tạo dòng lợn kháng được bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Ngành đã chọn lọc được 85 lợn nái sống sót ở các ổ dịch lớn, có kháng thể, hiện đang còn sống, sinh sản tốt, thế hệ con sinh ra cũng có các kháng thể dịch tả lợn châu Phi. Đây là một trong những tiền đề để tới đây chúng ta hướng chọn tạo dòng lợn có khả năng kháng tự nhiên”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu sản xuất được vắc-xin dịch tả lợn châu Phi vào tháng 9/2019, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề xuất hợp tác, mời các nhà khoa học của Hoa Kỳ sang Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp trong nước tập trung triển khai.
“Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận được chủng virus dịch tả lợn châu Phi của phía bạn chuyển giao, cùng với quy trình công nghệ và đã sản xuất được lô vắc-xin bước đầu thử nghiệm trên lợn cho kết quả rất khả quan. Theo báo cáo của các chuyên gia và các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao, nếu điều kiện thuận lợi, quý III/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin để sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ngoài việc chủ động nghiên cứu để sản xuất vắc-xin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổng kết nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn, ứng dụng các chế phẩm sinh học. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp đã chuyển giao các chế phẩm để hỗ trợ công tác chăn nuôi an toàn sinh học là Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn BAF. Đã có 351 cơ sở chăn nuôi lợn của 36 tỉnh được áp dụng quy trình này với khoảng 100.000 con lợn.
Qua áp dụng công nghệ này, đàn lợn sinh trưởng tốt, không có bệnh xảy ra, đặc biệt chế phẩm với EM của Tập đoàn Quế Lâm có công dụng tốt. Như vậy, cùng với chế phẩm sinh học công nghệ của Nhật Bản đã áp dụng hiện nay, một số tỉnh như Thừa Thiên - Huế đã áp dụng trên nhiều hộ chăn nuôi với khoảng gần 200 hộ. Sau khi Bộ NN&PTNT trực tiếp kiểm tra 3 lần cho thấy việc áp dụng quy trình sử dụng OIE phối hợp trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt quy mô hộ nhỏ thì sẽ phù hợp.
Từ thực tế trên, Bộ NN&PTNT đã tổng kết thành quy trình, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông hộ cách phòng chống dịch cho đàn lợn trong khi chưa có vắc-xin thì áp dụng quy trình này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến tháng 10/2020, cả nước đã xây dựng thành công 2.500 cơ sở an toàn, chuỗi sản phẩm khép kín, vùng an toàn dịch bệnh với tổng số khoảng 400 triệu con gia súc, gia cầm tại 22 vùng cấp huyện, 109 vùng cấp xã và trên 2400 cơ sở riêng biệt. Riêng Thanh Hóa, có 56 cơ sở, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đã xây dựng được các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()