Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 13:16 (GMT +7)
Viết, vẽ bậy lên di tích: Xử lý thế nào?
Thứ 3, 20/11/2018 | 08:49:35 [GMT +7] A A
Những ngày qua, dư luận nước Nhật đang hết sức quan tâm đến một hành vi văn hoá phản cảm khi nhân viên của khu di tích thành cổ Yonago (được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 - một trong những biểu tượng văn hoá thuộc tỉnh Tottori) phát hiện du khách nào đó đã viết nguệch ngoạc lên các bệ đá.
Cụ thể, trên một phiến đá có chiều dài 70cm, rộng 40cm là dòng chữ “A. Hào” cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim. Ngay lập tức, nhiều báo đài lớn của Nhật Bản nhanh chóng đưa tin ầm ĩ về sự việc bởi đây là lần đầu tiên khu thành cổ bị xâm phạm và vẽ bậy.
Dựa vào ảnh chụp tại hiện trường rồi phát tán lên mạng, nhiều người suy đoán đây có thể là một từ trong tiếng Việt. Từ nước Nhật truyền về dư luận trong nước, nhiều người Việt cũng lên tiếng phê phán hành vi thiếu văn hoá nói trên.
Chợt nghĩ, đó là người Nhật. Không hiểu sang Việt Nam, đến các di tích, danh thắng của chúng ta, họ sẽ nghĩ gì bởi rất, rất nhiều các di tích, danh thắng đã bị khắc, viết, vẽ, bôi bẩn lên bia đá, chuông đồng, vách hang… Từ các di tích nổi tiếng như miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang), chùa Thiên Mụ (Huế) đến Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình), rùa đá thiêng ở Văn Miếu, Tháp Bút (Hà Nội), mốc Phanxipang (Lào Cai)… đều chịu tình trạng như vậy.
Bia đá trên đỉnh núi Bài Thơ (di tích cấp quốc gia) từng bị viết, vẽ bậy chằng chịt. Ảnh: kenh14.vn |
Tại Quảng Ninh, các di tích, danh thắng, thậm chí Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cũng không ngoại lệ. Hiện nay nhiều hang động trên Vịnh Hạ Long vẫn còn vết sơn, có chữ viết từ những năm 1960 tới nay chưa phai mờ. Bia đá trên đỉnh núi Bài Thơ bị viết, vẽ bằng bút dạ, sơn chằng chịt. Đã có những bạn trẻ tình nguyện xoá các chữ viết, vẽ bậy nhưng rồi lại đâu hoàn đó.
Hầu hết các khắc, viết, vẽ bậy tại các di tích đều là sản phẩm của những khách trẻ. Họ viết lên đó, hoặc là ghi tên, ngày, tháng, năm sinh, hoặc là hình trái tim, mũi tên xuyên, gán ghép trai gái, thậm chí gạch, vẽ vô thức như thể… cho sướng tay.
Dư luận lên tiếng. Có nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm ngăn chặn hành vi viết, vẽ bậy lên các di tích như gắn camera theo dõi để xử “nguội”; tăng cường cảnh báo, nhắc nhở du khách phải có ý thức bảo vệ di tích, danh thắng, kiểu như truyền thông điệp "Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh và đừng để lại gì ngoài những dấu chân"… Số đông thì cho rằng phải xử phạt thật nặng. Nhiều nước trên thế giới đã quy định xử phạt nặng về những hành vi này. Thái Lan từng kết án 10 năm tù cho 1 người Canada và 1 người Anh vì đã vẽ bậy lên bức tường cổ ở Chiang Mai. Tại Singapore, người vẽ, viết bậy tại nơi công cộng hay các di tích sẽ bị bắt. Mức phạt tối đa cho tội này là khoảng 1.416 đô la, hoặc phạt tù tới 3 năm, chịu đánh từ 3 đến 8 roi. Tại Nhật Bản, theo quy định Luật Bảo tồn di sản văn hóa của nước này, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, Điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Mức phạt tăng tới 5 - 15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng và 30 - 40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Theo Điều 13 Luật Di sản văn hóa thì hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội "hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa".
Sâu xa hơn, có ý kiến cho rằng phải bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ lứa tuổi học sinh bậc mầm non, càng lên các bậc học càng phải có những môn học về văn hóa, văn minh để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()