Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:56 (GMT +7)
Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Thứ 7, 22/07/2023 | 15:06:24 [GMT +7] A A
Sáng 22/7, tại phiên tòa xét xử trong vụ Chuyến bay giải cứu, các bị cáo được nói lời sau cùng, trước khi Hội đồng xét xử nghị án.
Trình bày trước Tòa, nhiều bị cáo đã cảm ơn cơ quan điều tra, đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đã công tâm lắng nghe, giúp các bị cáo nhận thức được sai phạm, ăn năn hối lỗi, đồng thời nêu những động thái tích cực của bị cáo trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án… và mong được Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Hối hận và mong được khoan hồng
Nói lời sau cùng tại Tòa, nhóm bị cáo là các doanh nghiệp xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đã bày tỏ sự hối hận, ăn năn và giải thích những việc làm này là nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép các chuyến bay, xúc tiến thật nhanh việc đưa công dân Việt Nam đang ở các vùng dịch sớm được quay trở về đất nước.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) chua xót khi nói về việc doanh nghiệp của bị cáo tổ chức được nhiều chuyến bay nhất với tổng số 109 chuyến bay. Bị cáo càng đưa được nhiều công dân về nước thì số tiền đưa hối lộ càng tăng lên theo số chuyến bay, và vì thế tội của bị cáo càng nặng thêm. Bị cáo Hằng xin được Hội đồng xét xử ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn nhận tội, hợp tác với cơ quan điều tra mở rộng vụ án và sớm kết thúc điều tra, chủ động khắc phục hậu quả… cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật. Ngoài ra, Hằng còn xin chịu thay hình phạt của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) vì cho rằng mình là nguyên nhân nhờ vả giúp đỡ và đẩy bị cáo Tuấn vào vòng lao lý.
Trong lời nói sau cùng của mình, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nghẹn lời: Đối với bị cáo, phải đứng trước bục xét xử và nói lên những điều này là vô cùng đau đớn, tủi hổ. Bị cáo Dũng trình bày: “Bị cáo sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ mất sớm. Bị cáo tự thân lập nghiệp, luôn ghi nhớ lời căn dặn của bố mẹ làm sao sống tốt với cách mạng, sống tốt với xã hội. Trong suốt 30 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, bị cáo luôn tâm niệm điều đó và luôn cố gắng để sống tốt với mọi người. Bằng sự tín nhiệm, bị cáo được giữ cương vị trọng trách tại Bộ Ngoại giao. Không bao giờ bị cáo có ý nghĩ gì về việc chạy chọt, hay có bất cứ một ý tưởng nào tơ hào tiền của Nhà nước".
Bị cáo Dũng đã nhắc lại những "nỗ lực, cố gắng của bị cáo" trong công tác chống dịch, bảo hộ công dân về nước nhưng vào giai đoạn cuối triển khai chuyến bay combo "thì có sai lầm nghiêm trọng". Bị cáo khẳng định quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã rất ăn năn và tự nguyện, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, trao đổi với gia đình để khắc phục hết hậu quả. Khi nhận tiền “cảm ơn” của các doanh nghiệp, bị cáo không có động cơ, mục đích gây khó dễ cho các doanh nghiệp để thu lợi. Các doanh nghiệp đưa tiền “cảm ơn” đều là sau khi đã hoàn thành các chuyến bay. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao xin lỗi nhân dân vì sai phạm của bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước… Đồng thời, bày tỏ mong muốn được hưởng khoan hồng vì "lần đầu tiên phạm tội trong bối cảnh đại dịch".
Chủ động khắc phục hậu quả
Trình bày tại tòa, nhóm bị cáo nguyên là cán bộ ngoại giao đã bày tỏ sự hối hận do thiếu nhận thức pháp luật, vô tình phạm tội khi đang tích cực thực hiện các công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài. Trong thời gian sớm nhất, các bị cáo này sẽ phối hợp cùng gia đình, chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình) cho biết bị cáo cùng gia đình đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả 2,4 tỷ đồng, đồng thời đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình có công với cách mạng, bản thân mắc bệnh nặng… xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất có thể, để bị cáo có điều kiện chữa trị bệnh và đoàn tụ với gia đình.
Trước đó, trong phần tranh luận, nhiều bị cáo và luật sư bào chữa cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ để mong Hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình. Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo đều có ý thức khắc phục một phần hoặc toàn bộ số tiền sai phạm.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (Công ty Luật Hà Ninh) cho biết quá trình giải quyết vụ án bị cáo Lan đã tích cực cùng gia đình khắc phục hậu quả, tuy nhiên do toàn bộ tài sản đã bị phong tỏa nên chỉ mới khắc phục được một phần. Bị cáo mong muốn sớm được gỡ phong tỏa để khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án. Đồng thời xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh bị cáo Lan là mẹ đơn thân, là lao động chính trong gia đình, có mẹ già và 2 con đang ăn học… để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan.
Tương tự, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka – Nhật Bản), luật sư Trần Bình Tuấn đồng tình với nhận định của Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Hà là bị cáo duy nhất có 5 tình tiết giảm nhẹ, duy nhất là con liệt sỹ, đồng thời kiến nghị cho bị cáo được miễn hình phạt do đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt và khắc phục toàn bộ hậu quả.
Mong được xem xét thấu đáo
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an) vẫn tiếp tục kêu oan và cho rằng các cơ quan tố tụng thiếu chứng cứ khi kết tội bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách thấu đáo, khách quan, toàn diện. Từ đó, đưa ra phán quyết chính xác, tránh oan sai cho bị cáo.
Bào chữa cho Hưng, luật sư Trần Minh Tân nói "rất tiếc và đồng cảm" với tâm trạng liên tục kêu oan của thân chủ. Luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng đã dựa trên lời khai một chiều về chiếc vali, chưa xác định rõ trong đó có gì mà đã xác định bị cáo Hưng nhận hối lộ 450.000 USD để "chạy án" là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Liên quan đến việc đưa tiền cho Hưng, luật sư cho rằng cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng cũng khai bất nhất, nhiều lần thay đổi lời khai… nên mong muốn Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách khách quan, công tâm.
Trong vụ án này, Hoàng Văn Hưng bị Viện Kiểm sát xác định là đã tạo niềm tin cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng về việc bị cáo trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án “Chuyến bay giải cứu” trong khi trên thực tế bị cáo Hưng đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Qua đó, Hưng nhận của bị cáo Hằng số tiền 800.000 USD để “chạy án”.
Hội đồng xét xử nghị án kéo dài, chiều 28/7, Tòa sẽ tuyên án.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()