Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:46 (GMT +7)
Vụ cô gái 21 tuổi bị sát hại: Thượng tá công an chia sẻ kỹ năng ứng phó với cướp
Thứ 5, 22/02/2024 | 08:00:48 [GMT +7] A A
Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo khi nạn nhân bị cướp uy hiếp, đe dọa với hung khí trên tay, giải pháp khôn ngoan nhất là tỏ ra hợp tác.
Không nên khoe của hoặc để lộ thông tin tài sản
Vụ án mạng khiến chị L.T.T.L (21 tuổi, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tử vong và bị cướp tài sản đang được Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội của nghi phạm Hoàng Mạnh Hào (SN 2004, quê Lạng Giang, Bắc Giang).
Theo dõi diễn biến án mạng vừa được cơ quan điều tra khám phá, thượng tá công an Đào Trung Hiếu (tiến sĩ tội phạm học) nhìn nhận, trong các vụ án tương tự, động cơ gây án của hung thủ là chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện được điều này, đối tượng không ngần ngại ra tay tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
"Hành vi của hung thủ là đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền được sống và quyền sở hữu tài sản", thượng tá Đào Trung Hiếu đánh giá.
Chuyên gia phân tích, khi thực hiện tội phạm, các đối tượng bị thúc đẩy bởi động cơ thỏa mãn nhu cầu vật chất. Ngoài chiếm đoạt được tài sản, đối tượng đồng thời lo sợ nếu để nạn nhân sống, thì hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo. Do đó, chúng đã ra tay tàn bạo, quyết tâm tước đoạt sinh mạng con người.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm cướp, tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ án trên, chuyên gia tội phạm học lưu ý, mỗi người cần tăng cường ý thức cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ mặt, cảnh giác cao khi tiếp xúc với những người không quen biết.
Bên cạnh đó, mọi người không nên khoe của cải hoặc để lộ thông tin về việc có khoản tiền, tài sản có giá trị.
Tình huống buộc phải giao tiếp với người lạ tại không gian riêng tư, vắng vẻ mà chỉ có hai người, nên thông báo cho người thứ ba biết, có thể lấy lý do hợp lý để chụp hình của khách với mình bằng điện thoại, rồi đưa lên mạng xã hội.
Kỹ năng khi đối diện với cướp
Trong trường hợp "không may" phải đối diện với cướp, mà hầu hết đối tượng sẽ mang theo hung khí, thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo, khi nạn nhân bị cướp uy hiếp, đe dọa với hung khí trên tay, giải pháp khôn ngoan nhất là hãy tỏ ra hợp tác, phục tùng mọi yêu sách của đối tượng để bảo đảm an toàn tính mạng của mình.
"Đừng vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà hành động bản năng như ôm giữ, giằng giật, tri hô, đánh trả bọn cướp khi không có khả năng, không có sự trợ giúp", chuyên gia nhấn mạnh.
Khi thực hiện yêu cầu của tên cướp, nạn nhân cần kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm của đối tượng (như giọng nói, khuôn mặt, các đặc điểm dị hình như vết xăm trổ, vết sẹo, đồ trang sức trên người, quần áo, giày dép, phương tiện cầm theo…).
Đồng thời, cần chú ý quan sát tình hình, tận dụng thời cơ thuận lợi để bỏ chạy đến nơi an toàn, hoặc bất ngờ tấn công lại đối tượng sau khi cân nhắc cẩn thận các khả năng có thể xảy ra.
Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, một thực tế cho thấy trong các vụ án vừa xảy ra, nhiều nạn nhân đã tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm.
Thông thường cướp sẽ gây án khi nạn nhân có tài sản nhưng lại chủ quan, sơ hở, thiếu cảnh giác; Hoặc trong điều kiện hoàn cảnh cho phép, đối tượng dễ tấn công, khống chế nạn nhân như: Chỉ có một mình, trong đêm tối hay tại nơi vắng vẻ, không thể có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Do đó, ông Hiếu khuyến cáo để chủ động phòng ngừa tội phạm cướp, mỗi người không thể thờ ơ với sự an nguy của bản thân.
Theo Baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()