Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:15 (GMT +7)
Vu lan không sa đà cầu cúng, đốt vàng mã
Thứ 4, 14/08/2024 | 15:45:02 [GMT +7] A A
Tinh thần đạo hiếu lễ Vu lan ngày càng được lan tỏa. Không chỉ trong phạm vi một cá nhân, gia đình, nhiều nhóm, tổ chức xã hội cũng lan tỏa và cùng nhau thực hiện hành động tri ân. Nếu không có tâm thiện, việc thiện thì mâm cao cỗ đầy hay đốt tiền vàng nhiều đến đâu cũng vô ích.
Ngày lễ hướng về cội nguồn
Lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Trong sự tích đó, Đức Phật dạy rằng, đến ngày 15 tháng bảy âm lịch hãy mời các chư tăng cùng làm lễ. Ngài Mục Kiền Liên đã làm theo và giúp mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, cứ mỗi mùa Vu lan, ngài Mục Kiền Liên lại thiết lễ hồi hướng cho cha mẹ, báo ân chư tăng và cầu nguyện cho các oan hồn, người mất… thoát khỏi bể khổ. Lễ Vu lan ra đời từ đó và trở thành biểu tượng cho sự báo hiếu, tri ân.
Tinh thần báo hiếu mùa Vu lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ chuyện báo hiếu cha mẹ, mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy phù hợp với tư duy và đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa,… trong tâm thức người Việt. Trong mùa hiếu hạnh, con người tìm về nguồn cội, thể hiện sự hiếu kính với ông bà, tổ tiên.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Thông tin - Truyền thông T.Ư GHPGVN khẳng định, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình, cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân, báo hiếu trong Phật giáo tạo lập chất keo gắn kết các trụ cột này. “Đạo hiếu từ ngàn đời nay vẫn luôn là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng cho mọi sự phát triển trong cuộc sống. Ngày lễ Vu lan không chỉ đơn thuần là lễ tôn giáo thiêng liêng, mà còn là một ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với đạo lý uống nước nhớ nguồn”, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định.
Vài năm trở lại đây, vào mùa Vu lan báo hiếu, GHPGVN kêu gọi tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh, thực hiện các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống, không đốt vàng mã. Thông bạch của GHPGVN về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2024 khuyến khích mọi người thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực, cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ.
Nhiều chùa, cơ sở tự viện hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc đốt vàng mã. Từ ngày 1/7/2024, các di tích của huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện việc “Nói không với hoạt động cúng đốt vàng mã”. Từ nhiều năm nay, BQL phủ Tây Hồ hạn chế đốt vàng mã. Mỗi khách thập phương đến phủ được khuyến khích thắp một nén nhang. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Nghĩ tốt, sống đẹp, đi vào chiều sâu
Theo quan niệm dân gian về Rằm tháng bảy và xá tội vong nhân, nhiều gia đình chọn cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng âm phủ để đốt “gửi” cho những người đã khuất, xem đó như một cách thể hiện lòng hiếu thảo. Không ít gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm lễ vật, bày cỗ rình rang để cầu cúng. Điều này đi ngược lại với giáo lý, tinh thần Phật giáo. Thực tế, giá trị và tinh thần của Vu lan báo hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều tiền vàng.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định, Đảng và Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng khuyến khích người dân tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh hiện đại. “Vu lan báo hiếu thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa quan niệm đạo Phật và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Những năm gần đây, đông đảo người dân có bước tiến bộ lớn về nhận thức trong mùa Vu lan. Thay vì đặt nặng hình thức thờ cúng, hóa vàng mã, những hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa đi vào chiều sâu được nhân rộng”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.
Thực tế, tinh thần Phật giáo không hề đề cập nghi lễ cầu kỳ, sửa soạn đồ cúng tốn kém. Những hành động thiện nguyện xuất phát từ tâm được hoan nghênh. Đôi khi chỉ cần một bát nước, nhành hoa cũng chứng tỏ lòng thành. Theo lời Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn có những cách thể hiện khác nhau. Các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng…
Nhiều người dân lại bày tỏ lòng thành thông qua các hoạt động thiện nguyện, thăm mộ liệt sĩ, trao quà tri ân gia đình có công với cách mạng hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định, việc làm ý nghĩa nhất là sống có đạo đức, suy nghĩ tốt đẹp, sẵn sàng cống hiến cho xã hội. “Tinh thần đạo hiếu lễ Vu lan ngày càng được mở rộng. Không chỉ trong phạm vi một cá nhân, gia đình, nhiều hội nhóm, tổ chức xã hội cũng lan tỏa, động viên nhau thực hiện hành động tri ân tốt đẹp”, chuyên gia bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, cần nhiều biện pháp tuyên truyền để hạn chế tối đa việc đốt vàng mã - một biến tướng từ nhận thức “trần sao, âm vậy”, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Một trong những nguyên nhân của sự mê muội, biến tướng này được cho là do sự thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng của một bộ phận người dân.
Ông cho rằng việc người dân đốt nhiều vàng mã không chỉ do thói quen truyền thống mà còn do hiệu ứng đám đông và áp lực xã hội. Trong một số trường hợp, việc tham gia vào các hoạt động như đốt vàng mã là do áp lực từ thói quen xã hội hoặc so sánh, bắt chước nhau. Số tiền mua và đốt vàng mã, chạy theo những dịch vụ mê tín dị đoan có thể được sử dụng để thăm hỏi tặng quà người có công, làm việc thiện là thêm ý nghĩa cho dịp Vu lan. Nếu không có tâm thiện, việc thiện thì mâm cao cỗ đầy hay đốt tiền vàng nhiều đến đâu cũng vô ích.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()