Tất cả chuyên mục

Dịp hè là thời điểm trong năm mà bất cứ một học sinh nào cũng mong chờ, thích thú: Không phải lo lắng về việc kiểm tra bài vở hằng ngày của thầy cô; cũng chẳng phải đau đầu với các kỳ thi; khoảng thời gian này, các em có thể thoả sức vui chơi, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kỳ nghỉ hè đôi khi cũng nảy sinh nhiều tiêu cực với một số thanh, thiếu niên, để lại nỗi buồn cho không ít gia đình, nhà trường.
![]() |
Em Hoàng Thị Nhất (lớp 6A, Trường THCS Điền Xá, huyện Tiên Yên) phụ giúp bố mẹ băm rau cho lợn ăn. |
Niềm vui khi phụ giúp bố mẹ
Ở thôn Nà Buống, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên, ai cũng khen gia đình chị Nông Thị Hiền (36 tuổi) biết nuôi dạy con khéo. Cả hai con gái của chị đều chăm ngoan, học giỏi, thương bố mẹ. Trong đó, đứa út Hoàng Thị Nhất (năm nay lên lớp 6) trông gầy gò, nhỏ bé chỉ như học sinh lớp 2, lớp 3 ở thành phố, ấy thế mà em đã biết phụ giúp bố mẹ, chị gái bao công việc nhà dịp nghỉ hè. Anh Dương Văn Hưng, Bí thư Đoàn xã Điền Xá, nói: “Nhất tuy bé người nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát lắm. So với các bạn cùng trang lứa, em lanh lợi hơn hẳn”. Biết bố đi làm thuê ở xa, có khi vài tháng mới về một lần, tranh thủ dịp hè rảnh rỗi vì không phải đến trường, Nhất phụ giúp mẹ nấu cơm, giặt quần áo, chăm con lợn, con gà mỗi khi chị và mẹ đi cấy ngoài đồng hoặc đi bóc, vác keo trên rừng. Tới nhà Nhất lúc 2 giờ chiều, nhưng chúng tôi thấy em không ngủ trưa. Cái nắng gay gắt của mùa hè khiến ai cũng nóng bức, toát mồ hôi. Nhìn Nhất ngồi băm rau cho lợn ăn trước cửa nhà khiến chúng tôi thêm thương mến, cảm phục. Không có điều kiện được bố mẹ quan tâm, chăm bẵm, Nhất đã sớm tự lập và làm hết mọi việc trong gia đình. Vừa thoăn thoắt băm rau, Nhất vừa tâm sự: “Trong năm học do bận việc học hành, phải làm nhiều bài tập nên em không đỡ đần được mẹ nhiều. Kỳ nghỉ hè này, chị gái em cũng thường đi cấy hoặc đi bóc keo với mẹ. Thấy em ở nhà một mình suốt cả ngày, bạn bè cũng hay rủ em đi tắm ngoài sông hoặc đi nghịch ngoài đồng, nhưng em nghe lời mẹ nên không đi. Em muốn trong kỳ nghỉ này có thể làm thật nhiều việc để mẹ có thời gian nghỉ ngơi sớm”. Thật chẳng ngờ, một cô bé mới chỉ xấp xỉ 12 tuổi đã có được suy nghĩ chín chắn, ngoan ngoãn như vậy.
Cũng giống như trường hợp của Nhất, ở phố Quang Trung, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, ai cũng khen hai đứa con gái của vợ chồng chị Bùi Thị Phú (44 tuổi) bởi sự ngoan ngoãn, chăm chỉ. Đứa chị tên là Phạm Hồng Tuyến (sinh năm 1993, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng), đứa nhỏ là Phạm Thanh Tuyền (sinh năm 1996, vừa tốt nghiệp lớp 12, Trường THPT Tiên Yên). Với Phạm Hồng Tuyến, dù đã là sinh viên năm thứ 3 nhưng không hè nào là Tuyến không về quê để phụ giúp bố mẹ. Em gái cũng noi gương chị, dịp hè này, tranh thủ thời gian thi xong tốt nghiệp và đại học, Tuyền cùng chị phụ giúp bố mẹ bán hàng. Tuyền tâm sự: “Nhà em bán hàng ăn rất đông khách. Dịp hè, hai chị em phụ giúp bố mẹ nấu ăn, bưng bê, rửa bát, vì thế thay vì thuê 3 nhân viên như trong năm, thì dịp hè, bố mẹ em chỉ thuê 2 người. Có phụ giúp bố mẹ làm việc em mới thấy thương bố mẹ hơn, vì em hiểu để làm ra đồng tiền là không hề dễ dàng gì”.
Với hoàn cảnh kinh tế gia đình có phần khá giả, sau 9 tháng vất vả học hành, cả hai em đều được bố mẹ đồng ý tham gia vào những chuyến đi du lịch hoặc giải trí, thế nhưng Tuyền và Tuyến vẫn lựa chọn việc phụ giúp bố mẹ. Đó là lý do khiến các em thấy hạnh phúc, ngay cả khi mình phải trải qua một mùa hè nóng bức, vất vả.
Phải tranh thủ... chơi bù!
Cách đây vài ngày, chúng tôi có ghé thăm một quán Internet (gọi tắt là quán nét) không có biển hiệu, ở đằng sau Trường Tiểu học Hữu Nghị (phường Cao Thắng, TP Hạ Long). Mới 8 rưỡi sáng, quán đã trong tình trạng “cháy” máy. Anh Triệu (SN 1988), chủ quán nói: “Quán có khoảng 20 máy. Năm nào cũng vậy, dịp hè là quán mình đông khách hơn hẳn, vì thanh, thiếu niên không phải đi học. Khách hàng của quán chủ yếu là người quen, nhà ở xung quanh đây nên mình cũng chẳng cần phải treo biển hiệu”. Nhìn quanh khu vực tầng 1 của quán nét, chúng tôi thấy cả 10/10 máy đều là các em học sinh, độ tuổi từ cấp 1 đến cấp 3. Đinh Văn Tuấn, trông loắt choắt, nhỏ tuổi nhất, năm nay lên lớp 5, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hạ Long), vừa chơi trò “Liên minh huyền thoại”, vừa nói: “Đang thời gian nghỉ hè nên bố mẹ mới cho em chơi nhiều. Trong năm học thì chỉ cuối tuần em mới được chơi. Bây giờ, vì có nhiều thời gian rảnh rỗi nên hầu như ngày nào em cũng chơi. Nhưng em chỉ chơi buổi sáng, mỗi ngày từ 3-4 tiếng. Trò “Liên minh huyền thoại” là game “hot” nhất hiện nay đấy chị ạ!”. Mặc dù sử dụng tai nghe nhưng Tuấn vẫn nghe thấy hết mọi câu hỏi của chúng tôi. Theo lời kể của anh Triệu, thì Tuấn tuy nhỏ tuổi nhưng là một trong những khách “víp” của quán. Do được bố mẹ chiều chuộng, không quản lý khắt khe về thời gian, nên ngày nào Tuấn cũng chơi từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Trung bình mỗi ngày Tuấn “đốt” của bố mẹ từ 15.000 - 20.000 đồng để thoả mãn cơn “nghiện” game của mình.
Ngồi gần Tuấn là cậu bé tên Văn, năm nay lên lớp 9, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Văn cũng là một học sinh nghiền game “Liên minh huyền thoại”, dịp hè này, mỗi ngày Văn chơi khoảng 4-5 tiếng, ngày nào hứng lên có thể chơi đến 7-8 tiếng. Tôi thắc mắc: “Tại sao hè này em không đi học các môn năng khiếu, như võ thuật hay học bơi, thay vì chơi game?”. Văn trả lời rất nhanh: “Chơi trò này rồi cần gì phải học võ nữa chị! Mà em cũng biết bơi rồi. Sở thích của em chỉ có game. Trong năm, bố mẹ bắt em học suốt rồi, giờ nghỉ hè phải tranh thủ chơi bù chứ chị!”. Nghe được câu nói đấy của Văn, một số bạn trong quán nét cười ồ lên thích thú. Có vẻ như đấy cũng là suy nghĩ chung của số khách - học sinh còn lại trong quán.
![]() |
Dịp hè là thời điểm rất nhiều thanh, thiếu niên “đốt” tiền của bố mẹ để thoả mãn cơn “nghiện” game. |
Những nỗi buồn để lại
Không được sung sướng chơi nhiều trò game hiện đại như mấy thanh, thiếu niên ở thành thị, ở những vùng nông thôn, hầu hết các em chỉ biết rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ, hoặc hái sen ở đầm, ao để “giết” thời gian rảnh rỗi trong dịp hè. Đã có những cái chết thương tâm ở trẻ em do đuối nước trong thời gian hè, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Năm nay, Quảng Yên là địa phương “dẫn đầu” tỉnh về số vụ đuối nước trong dịp hè (tính đến thời điểm này có 8, trong đó có 5 vụ xảy ra trong dịp hè)…
Đến nhà em Phạm Thị Kim Cúc (SN 2003, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Yên Hải, TX Quảng Yên) sau gần 2 tháng em mất vì đuối nước, chúng tôi vẫn cảm nhận không khí đau buồn của người thân trong gia đình em. Chị Vũ Thị Hoa (40 tuổi), mẹ của em Cúc, rớm nước mắt nhìn vào di ảnh của con, kể lại: “Sự việc xảy ra vào khoảng 14h30’ ngày 30-5-2014. Hôm ấy, cháu Cúc cùng anh chị họ là Phạm Quốc Hùng và Phạm Thị Liên, đều là học sinh Trường THCS Yên Hải, rủ nhau ra hồ gần nhà để hái sen. Không may, Cúc và Liên bị trượt chân xuống vùng nước sâu. Thấy vậy, Hùng đã kịp thời nhảy xuống cứu được Liên đưa lên bờ, rồi lại tiếp tục nhảy xuống lặn tìm Cúc. Thế nhưng, lúc này cháu Cúc đã bị chìm xuống nước, không còn cứu kịp…”. Theo lời chị Hoa kể thì lúc đó, cả hai vợ chồng chị đều đi làm, không có ở nhà. Đây thực sự là một tin sốc và không thể ngờ đối với gia đình chị, vì năm ngoái Cúc vừa học lớp bơi do phường tổ chức, vậy mà cháu lại bị đuối nước. Bà Phạm Thị Nhát (81 tuổi), bà ngoại của Cúc, khóc: “Con bé Cúc ngoan ngoãn lắm, là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 5. Hè này, nó cũng tham gia nhiều vào các chương trình hoạt động hè. Sáng hôm ấy, nó mệt nhưng vẫn cố đi tập văn nghệ...”. Chồng chị Hoa làm nghề đi tàu, cả tháng trời mới về một lần. Ban ngày, chị Hoa cũng đi làm thuê ở một công ty giày da nên dịp hè, hai đứa con của chị ở nhà chơi với ông bà. Sau khi Cúc mất, chị Hoa đã nghỉ việc, một phần vì quá thương tiếc con gái, phần còn lại muốn có thời gian để ý, quản lý, chăm sóc đứa con trai còn lại (SN 2008).
Thay lời kết
Dù là ở thành thị hay nông thôn thì trong kỳ nghỉ hè, thanh, thiếu niên vẫn cần nhất sự quản lý, quan tâm của bố mẹ. Năm nào Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn đều lên nhiều chương trình, hoạt động nhằm quản lý thanh, thiếu niên, học sinh trong dịp hè. Rất nhiều các lớp học năng khiếu như: Bơi, võ, múa, hát, vẽ, khiêu vũ... được mở ở các địa phương trong tỉnh. Riêng với ngành Giáo dục, từ cuối tháng 4, Sở GD-ĐT gửi công văn yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học tạo điều kiện về sân chơi, bãi tập để xây dựng mô hình “sân trường - sân chơi hè cho trẻ em” giúp trẻ em có điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh trong dịp hè. Các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý, giám sát học sinh sinh hoạt hè.
Tuy nhiên, công tác quản lý thanh, thiếu niên trong dịp hè sẽ chẳng thể hiệu quả nếu như mỗi phụ huynh, gia đình không phối hợp, tăng cường chăm lo tới con em mình. Trò chuyện với anh Triệu chủ quán nét kể trên, chúng tôi biết rằng, kể cả trong năm học hay dịp hè thì những học sinh như Tuấn hay Văn tới quán chơi game ngay sau khi bố mẹ vừa đi làm và cũng chỉ chịu rời quán trước khi bố mẹ về. Thậm chí có nhiều học sinh nói dối bố mẹ là đi học thêm, nhưng thực chất là ra quán ngồi chơi. Nhiều em còn nhịn cả ăn sáng, ăn trưa để lấy tiền chơi game. Nếu quá đam mê với thế giới ảo này, rất có thể các em sẽ không điều chỉnh được hành vi của mình, có thể làm mọi cách để có tiền chơi game… Và như thế mùa hè với các em thực sự mất đi sự bổ ích, ý nghĩa.
Lan Anh
Ý kiến ()