Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:57 (GMT +7)
Vun đắp giá trị văn hóa gia đình
Chủ nhật, 30/06/2024 | 10:38:09 [GMT +7] A A
Từ bao đời nay, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Đó cũng chính là nơi bảo tồn, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, mặc dù những mối quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi nhất định nhưng vai trò, vị trí của gia đình vẫn luôn được coi trọng, là hạt nhân góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, của đất nước.
Đề cao giá trị văn hóa gia đình
Là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, luôn giữ được nền nếp gia đình yêu thương, đoàn kết, trọng nhân nghĩa và hiếu học, đó là niềm tự hào của gia đình bà Đào Thị Lan (khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, TP Hạ Long). Ông bà gương mẫu, con cháu lễ phép và thảo hiền, chính điều đó đã giúp tổ ấm này luôn tràn đầy yêu thương.
Bà Đào Thị Lan chia sẻ: Do điều kiện công việc nên các con tôi lập gia đình đều ở riêng, song không phải vì thế mà mối quan hệ gia đình trở nên xa cách. Mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ tết hay sinh nhật các thành viên trong nhà đều quây quần về cùng nhau ăn bữa cơm đầm ấm. Cuộc sống hiện đại, mỗi ngày ông bà, con cháu đều có thể gọi điện video để hỏi han nhau, vì vậy mà việc to, việc nhỏ trong nhà đều luôn quan tâm, hỗ trợ nhau kịp thời.
Sự yêu thương, quan tâm chính là sợi dây kết nối gia đình, giữa các thế hệ với nhau. Tôi tin rằng, khi được dạy dỗ, trưởng thành trong gia đình có bố mẹ yêu thương nhau, ứng xử với nhau văn minh, tôn trọng, bình đẳng thì các con cũng học tập được những giá trị tốt đẹp đó, sẽ cảm thấy vui vẻ, có động lực phấn đấu, hiểu được trách nhiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình trong mỗi ngôi nhà nhỏ của mình.
Không chỉ vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình, bà Lan còn là một Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu, năng động, được hội viên, phụ nữ trong khu phố yêu mến. Các hoạt động do Chi hội phát động hỗ trợ hội viên nghèo, đỡ đầu trẻ em khó khăn… luôn được hội viên, phụ nữ hưởng ứng. Đó cũng là cách bà Lan giáo dục con cháu bài học về sự tử tế, lòng nhân ái, sự sẻ chia từ gia đình cho đến cộng đồng.
Một trong những nét đặc trưng của gia đình Quảng Ninh so với các vùng, miền khác chính là những gia đình thợ mỏ. Từ thực tế công tác, lao động, nhiều gia đình thợ mỏ sống trong các khu mỏ từ Đông Triều đến Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả…có 3-5 thế hệ làm thợ mỏ.
Mặc dù đời sống làm việc theo ca kíp, luôn vất vả, bận rộn nhưng các thành viên trong các gia đình thợ mỏ luôn thấu hiểu công việc, hoàn cảnh của nhau, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; cùng nhau vun đắp, giữ gìn gia đình đầm ấm, hạnh phúc, cùng chăm lo, dạy dỗ con cháu; cùng hăng hái tham gia thi đua lao động sản xuất xây dựng đất nước, quê hương. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” được “truyền lửa” trong mỗi gia đình thợ mỏ, trở thành một nét đẹp văn hóa gia đình riêng có của Vùng mỏ.
Mỗi gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu là những bông hoa tươi thắm kết nên vòng hoa rực rỡ của bức tranh hạnh phúc, là những hạt nhân giữ gìn, vun đắp và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Hiện hữu trong các mối quan hệ gia đình từ xưa đến nay thì sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, hiếu nghĩa, hòa thuận, hy sinh và tinh thần trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình vẫn luôn được đề cao.
Tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn dành sự quan tâm đến công tác gia đình. Theo đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình tiếp tục được đẩy mạnh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trên 600 lượt tin, bài, ảnh trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông, gần 500 băng rôn tại các xã, phường, thị trấn về công tác gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình...
Cùng với đó, nhiều cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tiêu biểu trong cơ quan; trao tặng quà tuyên dương con em có thành tích học tập tốt... Qua đó, không chỉ củng cố thêm tinh thần đoàn kết trong đơn vị mà còn tôn vinh giá trị tốt đẹp của gia đình, tạo không khí phấn khởi, vui vẻ, cổ vũ phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị.
Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp hội phụ nữ phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Các cấp hội phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực gắn với các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Phụ nữ Quảng Ninh xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”.
Toàn tỉnh xây dựng, duy trì sinh hoạt hiệu quả 52 mô hình “CLB Phụ nữ nuôi, dạy con tốt”; 152 CLB “Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”; 99 CLB "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; 141 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 15 CLB “Thân thiện”... Thông qua tập huấn, hoạt động của các CLB đã tuyên truyền trực tiếp đến chị em các kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kiến thức nuôi dạy con tốt, kỹ năng giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em…
Ngày 25/6 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề “Xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời đại 4.0” hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” với sự tham gia của gần 100 đại biểu là hội viên, phụ nữ.
Qua những chia sẻ của chuyên gia, gặp gỡ, giao lưu với các tấm gương gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa tiêu biểu đã tiếp tục tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời không ngừng vun đắp truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, tiến bộ nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()