Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:34 (GMT +7)
Vùng mỏ Quảng Ninh sống mãi trong trái tim tôi
Chủ nhật, 29/10/2023 | 08:29:06 [GMT +7] A A
Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề mỏ, ông Nguyễn Văn Dự, nguyên thợ lò Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm) cùng đồng nghiệp đã in bao dấu chân dưới đường lò, đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình để cống hiến, xây dựng, phát triển mỏ Hà Lầm như bây giờ.
Ông sinh ra ở Thái Bình, từ nhỏ đã theo bố mẹ ra Vùng mỏ lập nghiệp. Năm 1977 tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật mỏ Hà Lầm, ông được phân công về làm công nhân đào lò Mỏ than Hà Lầm. Ông lần lượt trải qua các cương vị đội trưởng, phó quản đốc (năm 2001), quản đốc (năm 2006); năm 2008 chuyển công tác về Công đoàn TKV, trước khi nghỉ hưu (năm 2019) có hơn 8 năm làm Phó trưởng Ban Tổ chức Công đoàn TKV.
Ông Dự chia sẻ: Trong suốt 30 năm gắn bó với công việc chui lò là niềm vinh dự, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông. Ngày đó Hà Lầm còn bạt ngàn rừng núi; công nhân phải đi bộ 6-7 cây số mới đến được công trường. Những năm đầu làm thợ mỏ Hà Lầm, công việc chính của ông lên thìu, đánh cột, cuốc lò... Công nghệ chống lò và khai thác khi đó còn thô sơ, lạc hậu, thợ lò làm việc chủ yếu bằng chân tay, đâu hiện đại như bây giờ.
"Thời bao cấp, Mỏ phát phiếu hỗ trợ thêm, mỗi công nhân được nhận 24kg gạo, 1kg thịt, 1,5kg đường/tháng. Tháng đầu tiên tôi làm đủ 25 ngày công, thuộc top có ngày công cao, được 170 đồng tiền lương. Đồng lương ít ỏi, thợ lò chúng tôi phải chi tiêu tằn tiện may ra mới đủ sinh hoạt. Khó khăn là vậy, song ngày đó thanh niên sức dài, vai rộng, ai nấy đều hăng hái sẵn sàng có mặt ở bất kỳ vị trí, công việc khó khăn nào khi cần” - ông Dự nói.
Giai đoạn 1981-1986, ông Dự là một trong 15 công nhân tiêu biểu ngành Than được cử sang Liên Xô đào tạo trở thành những kỹ sư, cán bộ nguồn cho các mỏ sau này. 5 năm sinh sống, học tập, trải nghiệm các đường lò tại xứ sở Bạch dương, ông được tiếp cận những kiến thức cơ bản về khai thác mỏ hầm lò, ứng dụng thiết bị máy móc khai thác than, đào lò hiện đại.
Trở về nước, ông tiếp tục gắn bó với công việc đào lò. Năm 1988 ông làm đội trưởng lò chợ, Công trường K1-50, quản lý trực tiếp 30 công nhân trẻ. Đội sản xuất của ông làm thêm giờ, đẩy nhanh tiến trình khoanh vùng lò chợ, đáp ứng kịp thời cho việc khai thác than, góp phần ổn định việc làm và thu nhập cho công nhân. Công trường K1-50 do ông làm Đội trưởng luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch Mỏ giao. Đặc biệt, ông còn đóng góp nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất trong khai thác than hầm lò, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, làm lợi rất lớn cho mỏ. Tiêu biểu như: Sáng kiến khoan vùng khép kín ga vòng đường lò; sáng kiến cải tiến vì lò sắt, tiết kiệm được vật tư; sáng kiến chọn chất lượng than giảm tạp chất, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Năm 1994, trận mưa lớn xảy ra tại Vùng mỏ Quảng Ninh, các đường lò khu vực 51 bị ngập chìm trong nước, Mỏ Hà Lầm tạm dừng hoạt động, đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Mưa lớn khiến các lò chợ bị ngập lụt sâu, thiết bị hư hỏng, gây khó khăn cho khâu giải cứu mỏ. Trước tình hình đó, lãnh đạo Mỏ than Hà Lầm giao cho ông cùng với 30 công nhân khác nhiệm vụ giải cứu mỏ khỏi bể vây moong nước. Nhiều phương án, cuộc họp khẩn cấp lúc nửa đêm được Công ty đưa ra, thống nhất chậm nhất trong vòng 30 ngày phải cứu được mỏ. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn chưa từng xảy ra tại đơn vị. Nhóm công nhân giải cứu mỏ do ông Dự chỉ huy đã bám trụ, ngày đêm tập trung bơm hút nước dưới ngầm, nạo vét bùn để cứu vật tư, thiết bị chìm trong bùn nước.
Ông Dự chia sẻ: “Việc tiếp cận hiện trường gặp rất nhiều khó khăn, khối lượng công việc bộn bề. Có những lúc công cuộc giải cứu lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có hướng giải quyết, nhưng nghĩ đến cảnh mỏ bị đóng cửa, dừng sản xuất, anh em mất việc làm, chúng tôi tìm mọi cách khơi thông các đường lò, di chuyển thiết bị lên mặt bằng sửa chữa, giải cứu mỏ nhanh nhất có thể. Suốt 20 ngày, anh em thay phiên nhau túc trực bơm 24/24 giờ, ngâm mình trong bùn nước, bùn than. Lúc đó chúng tôi không sợ khó, khổ, hiểm nguy, chỉ sợ mất điện. Bởi nếu không có điện, hệ thống bơm nước sẽ không hoạt động được, ảnh hưởng đến tiến độ giải cứu mỏ. Cuối cùng sau bao nỗ lực chúng tôi đã giải cứu mỏ thành công, vượt tiến độ 10 ngày”.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, năm 1997 ông Nguyễn Văn Dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông là đại diện duy nhất của ngành Than dự Đại hội Đảng toàn quốc năm 2001. “Dù đã nghỉ hưu, đang sinh sống tại Hà Nội, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Vùng mỏ Quảng Ninh thân yêu, trái tim tôi luôn hòa cùng nhịp đập cùng tiếng than rơi. Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh, sự phát triển của ngành Than, tôi cảm thấy rất tự hào" - Ông Dự chia sẻ.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()