Tất cả chuyên mục

Cuối năm dương lịch, nghe báo chí đăng tin về chuyện một hội nghiệp Nhật Bản tặng cho Quảng Ninh 140 cây hoa Anh đào, như người ta nói, là loại đã có 2000 năm tuổi. Những cây hoa Anh đào này đã được tổ chức đón nhận một cách hết sức long trọng và được đem trồng ở Trung tâm du lịch Bãi Cháy và Khu danh thắng Yên Tử, hai địa danh nổi tiếng, vốn vẫn được coi là niềm tự hào của không chỉ Quảng Ninh mà là cả nước...
Được nhận quà quý, vậy mà sao cứ thấy chạnh lòng, nhớ cây đào ta, nhớ Vườn Đào xưa giờ chỉ còn trong ký ức...
![]() |
Với người dân Vườn Đào, những cây đào nở hoa trong dịp Tết như thế này giờ chỉ còn trong ký ức. |
Tôi định cư ở ngay chính đất Vườn Đào cũng đã suýt soát 30 năm. Ở cái nơi chủ yếu là dân tứ chiếng này, tuy không phải là người bản địa thì như thế cũng có thể coi là “dân gốc” được rồi! Còn nhớ cái hồi đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi vợ chồng con cái dắt díu nhau về đây, Vườn Đào còn hoang vắng lắm. Nhà dân ở men theo những con đường đất ruộng, khuất sau những vườn cây um tùm hay cheo leo trên các sườn đồi… Và đúng như tên gọi của nó, loài cây đặc trưng, loài cây được các nhà dân trồng nhiều nhất chính là đào; cái giống đào phai, hoa màu phớt hồng, chứ không phải loại đỏ thắm như đào Nhật Tân; cũng không phải loại đào trồng trong các chậu cảnh, mà là trồng trên đất, trong vườn, trên sườn đồi… Người ta trồng đào không phải như mấy ông chuyên kinh doanh sinh vật cảnh bây giờ vẫn làm là để bán hoa, bán cây thế v.v.. Mà chủ yếu trồng đào là để lấy quả. Ông hàng xóm cạnh nhà tôi có một vườn đào chỉ rộng chừng bốn năm trăm mét vuông, vậy mà có năm thu hoạch tới hơn 2 tạ đào quả. Dịp mùa hè, bà vợ ông ngày nào cũng gánh đào đi bán ở chợ. Chỉ có điều, vào cái thời ấy, không ai coi cây đào là “hướng phát triển kinh tế”, hay như báo chí bây giờ vẫn sính dùng chữ, gọi là “cây thoát nghèo” v.v.. gì cả! Đơn giản chỉ là vườn rộng, người thưa, cây đào lại dễ tính, không mất nhiều công sức chăm sóc, (mà nếu chăm sóc cẩn thận quá, tưới nhiều nước, bón nhiều phân, có khi nó lại èo uột…) nên trồng, thế thôi!
Nhưng dù là trồng để lấy quả thì mỗi dịp tết đến xuân về, những cành hoa đào vẫn được mọi người đem ra chợ bán; tất nhiên là với giá cả chẳng đáng là bao, giống như là một khoản thu nhập tăng thêm, phụ cho bữa ăn hàng ngày thôi. Bạn bè, người quen, thậm chí kể cả những khách lạ, nếu hỏi xin, đều có thể được cho, tặng… “-Cậu không hình dung ra đâu, mỗi dịp đầu xuân như thế này, nếu đứng trên “Đồi ông Giáp” (khu đồi trước đây có nhà nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay sát con đường bao biển dọc bến phà Bãi Cháy cũ tới khu du lịch Thanh Niên) mà nhìn xuống, Vườn Đào như một thung lũng hoa…” - Nhà báo Trịnh Khắc Hậu (phóng viên Đài PTTH Quảng Ninh, nay đã nghỉ hưu), “dân gốc” chính cống ở Vườn Đào, bảo tôi như vậy khi tôi mới chân ướt chân ráo về đất này… Còn ông Công Vượng, một nhà báo lão làng, từng là phóng viên ảnh của Báo Quảng Ninh những năm kháng chiến chống Mỹ, thì có lần kể tôi nghe về một bức ảnh ông chụp đơn vị tự vệ pháo cao xạ đặt trên khu đồi ở Bãi Cháy. Ông bảo, lúc chụp, ông chỉ chú ý “chộp” cho được “cái thần” của nhân vật là các nữ tự vệ bên mâm pháo mà chẳng để ý xung quanh; đến khi rửa ảnh, xem mới ngỡ ngàng… Trời ơi, bức ảnh đã đẹp lên bao nhiêu nhờ “hậu cảnh” là cả một… rừng hoa đào! Và ông bảo cái tên Vườn Đào chính là do mọi người quen gọi từ khi bức ảnh với chú thích “Vườn Đào vào xuân” này của ông được đăng trên báo Quảng Ninh số Tết năm ấy (!). Thú thực tôi cũng chưa kiểm chứng xem có đúng vậy không, nhưng chắc chắn một điều rằng, chỉ cách đây khoảng ba chục năm trở về trước, Vườn Đào thực sự là… vườn đào thật! Một Vườn Đào rực rỡ sắc hoa mỗi khi tết đến xuân về…
Thế nhưng, cái Vườn Đào rực rỡ sắc hoa ngày ấy giờ đâu còn nữa. Cũng như những ai từng gắn bó với Vườn Đào, tôi là người chứng kiến rõ nhất sự lụi tàn của nó. Ấy là vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, khi “cơn sốt” đất đô thị bùng lên; Bãi Cháy lại là khu du lịch nữa, nên đất lại càng đắt. Năm trước một anh bạn được cấp ô đất ven đồi với chiều ngang 8 mét, thấy rộng quá nên xén ra một nửa, bán 6 triệu (tương đương với giá một chiếc xe máy Sim Son mà mấy người đi du học ở Đức mang về) thì hai năm sau, người mua nửa ô đất ấy bán lại cho người khác với giá 380 triệu. Cho dù đồng tiền những năm ấy trượt giá từng ngày, nhưng tính ra vẫn tương đương với… gần 40 chiếc xe máy Sim Son “đập hộp”! “Cơn sốt” đất đã làm khuấy đảo cuộc sống vốn yên ắng của Vườn Đào. Người ta đua nhau xén đất bán lấy tiền xây nhà nghỉ, khách sạn mi ni. Của đáng tội, không xén đất ra bán thì với thu nhập của đa số dân Vườn Đào lúc bấy giờ, làm sao mà có nhà cao tầng, làm sao mà kinh doanh dịch vụ du lịch? Có lẽ phải nói rằng việc “đổi đất lấy hạ tầng” mà sau đó mấy năm được coi là “sự năng động” thì dân Vườn Đào là người “đi tiên phong”; đã làm từ trước đó, chỉ khác là nó tự phát, tự bung ra mà thôi. Và không ít câu chuyện “dở cười dở mếu” từ “cơn sốt” đất ấy; nào là anh em, vợ chồng kiện tụng nhau vì chia chác đất đai, đến chuyện bố mẹ bán đất có chút tiền, rồi con cái đua đòi ăn chơi, sa vào con đường nghiện hút v.v..
Trong số các “nạn nhân” của “cơn sốt” đất này có cây đào! Khi “tấc đất” đã thành “tấc vàng” thì những cây đào trở nên thật “vô duyên”, và người ta bắt đầu chặt hạ nó để “giải phóng mặt bằng”… Mà không phải chỉ là chuyện riêng ai, trong việc này còn có “công” của chính quyền sở tại nữa! Bây giờ nhìn những dãy nhà ống, chiều ngang chỉ 3-4m, chiều cao thì chọc trời, dọc các con đường đi vào Vườn Đào mà ngán ngẩm, tiếc cho những vạt đồi xanh màu cây đã bị phá đi để xây nhà nghỉ bình dân. Năm vừa rồi thành phố Hạ Long chỉnh trang đô thị, đường sá ở khu Vườn Đào muốn mở rộng ra, nhưng “gạn” đến sát cửa những ngôi nhà ống này cũng chỉ thêm được chẳng đáng là bao. Và một điều chắc chắn, trừ phi con cháu ta sau này có lắm tiền nhiều của, phá sạch những ngôi nhà kiểu “ống cống dựng ngược” này đi thì mới có thể quy hoạch lại theo hướng hiện đại được! Mà có phá đi thì cũng chẳng thể lấy lại những vạt đồi thơ mộng ngày xưa nữa! Tôi nhớ nhà báo Ngô Mai Phong ngày ấy từng có một phóng sự đăng trên báo Lao Động, với nhan đề: “Đường đổi đường... bằng không!” đề cập đến chuyện lấn biển, xây biệt thự dọc con đường ở khu Bến phà Bãi Cháy cũ. Anh tiếc cho con đường với sắc hoa ti gôn bị phá đi bởi cái nhìn thiển cận của những nhà quy hoạch chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới dài lâu… Và tôi nhớ báo Quảng Ninh cũng từng có bài viết “Phía sau những ngôi nhà cao tầng” đề cập đến tình trạng quy hoạch khu du lịch Bãi Cháy chỉ chú trọng “mặt tiền”… còn phía sau nó, ở những khu dân cư sâu bên trong, không bám đường quốc lộ thì hệ thống thoát nước, đường điện, đường dân sinh v.v.. của nhà dân xây dựng ra sao, chen chúc như thế nào cứ… tuỳ nghi. Kết quả là người ta cứ cố “gạn”, cố “tiết kiệm” đất để làm nhà cao tầng và hệ thống thoát nước công cộng thậm chí có chỗ chỉ là cái ống nhựa nhỏ nhoi, mỏng mảnh; những con đường thì nhà này lấn một tý, nhà khác thấy thế cũng lấn một tý, để rồi bị thu hẹp đến mức chỉ còn như một cái ngõ nhỏ ở thôn quê...
Nói vậy để thấy không phải chỉ đến bây giờ, khi hậu quả đã “nhãn tiền”, mà ngay từ hồi ấy, cũng đã có người “lên tiếng”… Vậy mà tiếc thay, những tiếng nói ấy chẳng ai nghe! Hay là nghe mà vẫn “tảng lờ” nhỉ?
Trở lại với thân phận của cây đào Vườn Đào! Trải qua “cơn bão” đô thị hoá, bây giờ ở Vườn Đào đố ai tìm thấy một cây nào. Trẻ con nay chỉ biết hoa đào người ta đưa từ Hà Nội, Hải Dương hay ở huyện Hoành Bồ v.v.. ra bán ở chợ Vườn Đào. Còn cây đào trồng như thế nào, chăm bón nó ra sao v.v.. chúng đâu có biết! Nhưng thôi, âu cũng là lẽ thường trong trào lưu đô thị hoá; không riêng Vườn Đào, ngay cả nhiều miền quê yên bình khác còn như thế nữa là! Chỉ tiếc là cái sự “đô thị hoá” ấy quá vội vã, tầm nhìn quá hạn hẹp, nên hậu quả thật nặng nề; giờ có muốn sửa lại cũng khó. (Mà không biết có ai coi đó là “sai lầm” để mà “sửa chữa” không nhỉ?). Hôm rồi nghe nói trong buổi lễ đón nhận 20 cây hoa Anh Đào (trong số 140 cây mà nước bạn Nhật Bản tặng Quảng Ninh), Tập đoàn Tuần Châu đã ký kết một dự án xây dựng Khu công viên hoa Anh đào trên đảo Tuần Châu… Cũng có thể, Khu công viên này nếu được xây dựng sẽ tạo “nét khác biệt” (lạ nên khác biệt) cho Tuần Châu, từ đó mà hấp dẫn du khách hơn chăng? Tôi tin, với con mắt của một nhà kinh doanh, ông chủ Tập đoàn này chẳng bao giờ lại “vứt tiền qua cửa sổ” cả! Nhưng sao cứ thấy buồn… Sao đó không phải là Khu công viên Vườn Đào nhỉ? Cây hoa Anh đào 2000 năm tuổi được người Nhật Bản quý trọng, nâng niu vì nó mang “hồn vía” nước Nhật. Còn cây đào ta, cái cây đào với sắc hoa phớt hồng, dân dã ấy, nó không mang “hồn vía” của ta sao? Nghĩ mà thấy tiếc, thấy nhớ cây đào ta, nhớ Vườn Đào xưa…
Trung Luận
Ý kiến (0)