Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:26 (GMT +7)
Vươn lên từ biển
Thứ 4, 18/09/2024 | 05:01:58 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 với cường độ, sức tàn phá quá lớn đã gây thiệt hại chưa từng có với tỉnh Quảng Ninh. Trong đó một trong những ngành bị thiệt hại nhiều nhất là lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão YAGI đi qua.
Bão số 3 gây những tổn thất nặng nề cho Quảng Ninh, trong đó riêng lĩnh vực thuỷ sản có 2.637 cơ sở nuôi trồng bị thiệt hại. Các ô lồng bè, nhà bè, dàn hàu, cơ sở nuôi trồng trên biển ở những vùng trọng điểm như Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… bị phá huỷ gần như hoàn toàn, trôi dạt.
Như tại huyện Vân Đồn – vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm, lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại vô cùng lớn, làm các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản gần như trắng tay. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn (hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn); ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000 ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn là trên 2.200 tỷ đồng.
Cũng tương tự như tại huyện Vân Đồn, đối với TP Cẩm Phả – vùng có ngành thuỷ sản khá phát triển, thiệt hại đối với ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của TP Cẩm Phả đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 39 hộ nuôi còn giữ lại được được vài phần lồng bè, trên 326 hộ nuôi trồng còn lại gần như thiệt hại hoàn toàn. Đáng nói, do phần lớn các hộ đều nuôi các loại cá có giá trị cao như song, vược, chim vàng… nên thiệt hại về tài sản là rất lớn.
Còn đối với TX Quảng Yên, theo thống kê, gần như toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đã bị phá huỷ sau bão. Những bè, ô lồng do bão đánh hỏng trôi dạt khắp nơi. Những ngày qua, nhiều người dân vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản trôi dạt, hi vọng vớt vát lại chút đỉnh để có thể sớm tái sản xuất trở lại.
Bão YAGI đã gây những thiệt hại quá nặng nề với ngành Thuỷ sản. Nhiều gia đình tích góp cả đời, cùng số tiền vay ngân hàng rất lớn, nhưng sau khi bão đổ bộ, những số tiền đầu tư hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng vào các ô lồng, nhà bè, dàn hàu, con giống thuỷ sản… đã trở về con số không. Người nuôi trồng thuỷ sản ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão đang chồng chất những khó khăn, mất mát, và nỗi lo lớn nhất là làm thế nào để trả nợ, có vốn để tái sản xuất sau bão.
Từ những thiệt hại do bão số 3 gây ra, các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản mong muốn tỉnh Quảng Ninh sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ, để người dân có thêm động lực tái sản xuất trong thời gian sớm nhất; đề nghị các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội... khoanh nợ, hoãn, giãn thu lãi suất cho người dân và tạo điều kiện vay vốn mới ở mức lãi suất thấp nhất để các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản có điều kiện sớm khôi phục lại sản xuất. Dù bão số 3 lấy đi của người nuôi trồng thuỷ sản khối tài sản vô cùng lớn, nhưng những ngư dân vẫn rất lạc quan, nếu được tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, tín dụng…, họ sẽ tiếp tục đứng lên từ biển.
Tại buổi gặp mặt, động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Vân Đồn, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng cảm, chia sẻ với những mất mát của người dân trong cơn bão số 3. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, nhất là về việc khoanh nợ và vay mới, thì các địa phương cần sớm rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, triển khai ngay việc hỗ trợ nhân dân theo đúng Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tỉnh sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan, Chính phủ để sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ và khoanh nợ, hoãn, giãn nộp thuế, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở, hộ NTTS bị thiệt hại do bão số 3.
Sau mưa bão, nhiều cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản mất trắng tài sản, trong khi khoản nợ cũ vẫn còn, điều này đồng nghĩa với việc tiếp cận vốn vay tạo dựng lại cơ nghiệp là rất khó. Chính vì vậy, người nuôi trồng thuỷ sản đang rất mong chờ một chính sách chuyên biệt để khôi phục sản xuất. Và để có được chính sách cho vay chuyên biệt đó rất cần có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()